ThienNhien.Net – Trong ký ức và tài liệu của người dân sông nước Cửu Long lưu lại, đồng Chó Ngáp xưa còn có cái tên khác là Tràm Thẻ được xem là vùng đất chết bị nhiễm phèn và mặn ở diện rộng, nằm giáp ranh với 3 tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Câu chuyện về quá trình “lột xác” kỳ diệu ở đồng Chó Ngáp đã minh chứng được sức mạnh và sự kiên trì của người dân nơi đây.
Do xưa là vùng bị nhiễm phèn, mặn kéo dài hàng ngàn ha nên không có cây cối nào có thể tồn tại được, vì vậy năn là loài cây duy nhất ngự trị ở vùng này. Cánh đồng năn chạy dài vô tận, nếu có con chó nào chạy lạc vào vùng này sẽ không đi hết được dẫn tới kiệt sức nằm ngáp, cái tên “đồng Chó Ngáp” ra đời từ đây. Mặc dù người dân sông nước đã “phóng túng” và lý giải ra nhiều giai thoại khác nhau về địa danh Đồng chó ngáp, nhưng đều có một đặc điểm chung là các giai thoại này đều gắn bó gần gũi và thân thiện với người dân ở nơi đây.
Đến năm 1993, sau khi chính quyền địa phương mạnh dạn thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, đưa cây khóm vào vùng đất này đồng thời thực hiện cơ giới hóa đồng ruộng, xẻ kênh từ đồng Chó Ngáp xuyên đến tận vùng miệt thứ của Kiên Giang để từng bước xổ phèn, ngọt hóa đồng Chó Ngáp. Về vùng này nhiều người nhắc lại chuyện cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người khởi động chỉ đạo, đào kênh rạch quản lộ Phụng Hiệp dẫn nước ngọt từ thượng nguồn sông Hậu đi vào cánh đồng Chó Ngáp rửa phèn, làm ngọt hóa vùng bán đảo Cà Mau.
Những cánh đồng khóm chạy dài tít tắp dần mọc lên, giai đoạn này cây khóm giúp người dân thoát nghèo, nhiều hộ khá giàu. Nhưng niềm vui chẳng tày gang, khi chỉ khai thác được khoảng 3 đến 4 vụ cây khóm cằn cỗi, từ đó đến vụ sau năng suất giảm hẳn, trái không được chất lượng như trước. Nhiều hộ cố bám trụ nhưng chỉ đủ ăn. Những tưởng chu kỳ khó khăn của đồng Chó Ngáp lại quay trở lại, nhiều hộ ngán ngẩm đi tha phương cầu thực nơi khác rồi họ đến vùng Cà Mau thấy nhiều hộ nuôi tôm sú trong những mương, liếp nhỏ nhưng cho lợi nhuận rất cao. Khoảng thời gian từ năm 2000 được xem là mốc quan trọng đánh dấu một bước ngoặt mới cho người dân nơi đây. Thực hiện Nghị quyết 09 của Chính phủ, Bạc Liêu được chuyển đổi những vùng trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản.
Là dân cố cựu ở vùng này, ông Mai Văn Kiệm (Hai Kiệm) năm 1984 về quê vợ để sinh sống ở cánh đồng Chó Ngáp, ấp 8B, xã Phong Thạnh Tây A, huyện Phước Long. Mưu sinh đủ nghề, từ trồng lúa đến bán hàng dạo trên ghe, nuôi heo…cũng chỉ đủ ăn mà không khá lên được. Thấy cánh đồng năn bạt ngàn bỏ hoang phí, lúc đó phong trào nuôi tôm bắt đầu phát triển ở vùng này, ông Hai Kiệm cũng vào đây cắm ranh 5ha để cải tạo cánh đồng năn để nuôi tôm. Vụ tôm đầu tiên, Hai Kiệm thả nuôi 30.000 con tôm giống, sau 3 tháng tôm đạt trọng lượng 15-20 con/kg, 1 ha thu nhập được khoảng 50 triệu. Vụ tôm đầu ông Hai Kiệm trúng lớn vì vậy mà nhiều người dân tranh thủ cắm ranh đất, đắp bờ bao, phát hoang cỏ dại để nuôi tôm, chẳng bao lâu đồng Chó Ngáp, cánh đồng “chết” giờ tràn đầy sức sống. Hàng ngàn héc-ta đất nhiễm phèn mặn bị bỏ hoang không biết từ bao giờ đã trở thành những đầm tôm mênh mông.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Dương Quốc Trung, Chủ tịch UBND xã Phước Long cho biết: Ngoài con tôm mở đầu cho vùng này thì lúa, cá và cua cũng được chọn làm mô hình thoát nghèo, làm giàu bền vững cho bà con nơi đây. Nếu như 5 năm trước, Phước Long có đến hơn 14% hộ nghèo thì nay chỉ còn 4,7%… Mới đây, Phước Long được công nhận xã nông thôn mới. Bí thư Huyện ủy Phước Long Trần Hoàng Duyên cho biết, huyện là 1 trong 63 đơn vị trong cả nước được Trung ương thí điểm xây dựng nông thôn mới. 4 năm qua toàn huyện huy động mọi nguồn lực với gần 4.500 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, giúp thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng chất đời sống người dân trên cánh đồng Chó Ngáp.
Có thể khẳng định con tôm đã mở ra cuộc sống mới cho đồng Chó Ngáp và người dân ở đây. Nếu tính 1ha đất ở vùng này hiện có giá từ 180 triệu đồng trở lên thì cánh đồng Chó Ngáp này có đến hàng trăm tỷ phú, vì có tới hàng trăm hộ có diện tích đất nuôi tôm từ 10ha trở lên. Họ chính là những người nông dân làm đổi thay diện mạo vùng đất này.