* Kỳ 1: Những con thú hút chết
ThienNhien.Net – Rất nhiều cá thể động vật hoang dã hoặc đã “vượt ngục thành công” hay chủ sở hữu “động lòng trắc ẩn”, thậm chí sợ bị xử lý, đã có cơ hội trở về với cuộc sống hoang dã của mình. Trong một vài lần theo chân lực lượng Kiểm lâm (KL) và Cảnh sát Môi trường “phóng thích” những con thú hút chết, tận mắt chứng kiến chúng một mạch phóng thẳng vào rừng không dám ngoái đầu nhìn lại mới biết chuyện những cái bẫy lạnh lùng, lồng cũi tù túng, dao thớt tàn độc đã ám ảnh chúng như thế nào. Và những đồng loại may mắn như chúng trong thực tế thường là một đi không trở lại với những cánh rừng già, với cuộc sống chỉ có cỏ cây…
May mắn gặp “hiệp sĩ”
Người ta nói, nước mắt thú rừng là chuyện rất thật, sau khi hoảng loạn với những cú bẫy sập thình lình, những cái lồng sắt bức bí, nhiều con thú đã tuyệt vọng nằm khoanh tròn buồn bã, mắt chúng ướt đi như đoán trước được số phận của mình. Một cán bộ KL kể lại, hầu hết các cá thể thuộc loài linh trưởng sau khi được tiếp nhận phải được tiếp tục nuôi dưỡng, chăm sóc đặc biệt mới đủ điều kiện tái thả vào rừng. Nhưng khi nằm trong cũi, được chăm sóc chu đáo chúng vẫn tỏ ra sợ sệt, nhiều con không dám ăn, thấy người là bấn loạn. Chỉ đến khi mở lồng thì chúng ba chân bốn cẳng phóng một mạch vào rừng xanh như biết rằng không còn có một cơ hội thứ hai nào như thế.
Mới đây nhất, ngày 3-3, một con khỉ đuôi lợn đã may mắn được CBCS Tiểu đoàn Hóa học 78 Quân khu 5 phát hiện và đưa về nuôi trước khi bàn giao cho Hạt KL Sơn Trà thả về Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Sơn Trà. Cán bộ KL cho rằng, con khỉ may mắn này đã tìm cách thoát được ra khỏi chuồng của một dân chơi nào đó chứ không phải là từ quán ăn, vì một khi đã vào quán là chỉ có… chết. Anh Huỳnh Văn Anh (trú P. Hòa Hiệp Nam, Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng), người vừa mang đến giao nộp cho cơ quan KL một cá thể Cu li nhỏ kể lại, trong khi làm vườn, anh phát hiện nó đứng hoảng hốt một góc và tỏ ra lạ lẫm với mọi thứ. Trông không giống bất cứ con vật nào mà mình đã từng thấy trong cuộc sống hằng ngày nên anh liên tưởng đến một trong các loài động vật hoang dã ở các chương trình thế giới động vật được chiếu trên tivi. Sau khi khéo léo bắt được, anh đã chủ động liên hệ với cơ quan KL để làm thủ tục bàn giao và thả nó về rừng. Đến khi được giải thích, anh mới biết được rằng đó là cá thể cu li nhỏ thứ 7 đã được cứu hộ và tái thả lại KBTTN Sơn Trà từ năm 2008 đến nay. Trên thế giới và tại Việt Nam, cu li nhỏ được xếp vào Danh mục các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm, nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Hiện nay, cu li cũng như các loài hoang dã khác đang đối mặt với tình trạng suy giảm nghiêm trọng trong tự nhiên do bị bẫy, bắt, buôn bán, nuôi nhốt trái phép.
Ông Phan Văn Quý (trú thôn Hòa Hải, xã Hòa Phú, H. Hòa Vang) kể lại, trong khi chăm sóc rừng keo của gia đình thì ông phát hiện một con vật lạ đang trong tình trạng hoảng loạn. Do từng đọc báo, xem tivi nên ông đoán đó chính là con voọc chà vá chân nâu mà mọi người vẫn gọi là “nữ hoàng của các loài linh trưởng” hiện đang sinh trưởng tốt tại KBTTN Sơn Trà. Lúc đầu ông nghĩ cứ để nó tự tìm về với cuộc sống tự nhiên, bắt nhốt nó có khi lại vi phạm pháp luật. Nhưng ngay sau đó ông chợt nghĩ đến việc chẳng may nó bị mấy tay săn thú rừng hoặc những tay chơi nhìn thấy thì nguy nên đã tìm cách bắt giữ và chăm sóc nó trước khi báo cho cơ quan KL. Ông Quý đã thực sự vui mừng khi biết được rằng chú voọc nặng 6kg này là “nữ hoàng linh trưởng” thứ 9 được cứu hộ và trả về thiên nhiên tính từ năm 2005 đến nay.
Trào lưu chơi thú hiếm của dân chơi cũng là một trong những nguyên nhân khiến động vật hoang dã bị săn bắt ráo riết. Dân chơi bình thường chỉ chơi chó cảnh, chuột lai, chim…, dân có “số má” thì tìm cách chơi những con thú có tên trong sách đỏ. Các loài động vật quý hiếm như nhím, cầy vòi hương, cu li, trăn đất, khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ, voọc… đều có thể trở thành “đồ chơi” tại các tư gia. Vì đây là hành vi vi phạm pháp luật nên bình thường không dễ để tiếp cận được với những đối tượng này, chỉ có bạn bè thân cận, đối tác làm ăn mới được mục sở thị, rồi họ đồn nhau và chạy đua để khẳng định “số má” trong giới chơi thú.
Một cán bộ của Phòng Quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên thuộc Chi cục KL Đà Nẵng, cho biết, do công tác tuyên truyền được thực hiện mạnh mẽ nên trong thời gian gần đây đã có sự thay đổi nhận thức trong một bộ phận dân chơi. Nhiều người sau thời gian nuôi không được đã cảm thấy “thương” con vật phải sống khổ sở trong môi trường chật hẹp, tù túng, một số khác bắt đầu cảm thấy sợ khi đã làm trái quy định của pháp luật. “Trong các trường hợp giao nộp động vật hoang dã cho cơ quan chức năng, một số người vô tình bắt được khi chúng bị lạc đàn hoặc sổng chuồng dân chơi, một số khác sợ bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý. Nhưng vì lý do gì thì cũng đã có một sự thay đổi nhận thức theo hướng tích cực” – một cán bộ Phòng Cảnh sát Môi trường CATP Đà Nẵng cho biết.
Trong năm 2014, đã có 7 cá nhân, đơn vị chủ động liên hệ với Chi cục KL TP Đà Nẵng tự nguyện giao nộp các cá thể động vật hoang dã, quý hiếm để cơ quan chức năng thả chúng về với cuộc sống tự nhiên. Con số này có lẽ còn rất nhỏ so với những đồng loại của chúng bị săn bắt, buôn bán trái phép. Chứng kiến những hình ảnh mà đoàn kiểm tra gồm Chi cục KL và Cảnh sát Môi trường CATP Đà Nẵng phát hiện, xử lý tại các quán nhậu chỉ riêng trong dịp Tết Ất Mùi mới rùng mình nhận ra rằng, chúng đã quá may mắn khi chưa trở thành mồi nhậu cho những kẻ kinh doanh và thực khách máu lạnh.
(Còn nữa)