ThienNhien.Net – Du lịch biển, góp phần bảo tồn, tôn tạo cảnh quan tự nhiên, nhất là bảo tồn đa dạng sinh học biển thông qua việc nuôi trồng các loài sinh vật quý hiếm tại các khu vực bảo tồn tự nhiên để phục vụ khách tham quan. Tuy nhiên, tình trạng nước thải, rác thải chưa được xử lý triệt để, khai thác các nguồn lợi tự nhiên quá mức gây biến dạng cảnh quan, làm suy giảm các loài sinh vật… đang diễn ra khá nghiêm trọng tại nhiều điểm du lịch biển của cả nước.
Với lợi thế bờ biển dài hơn 3.200 km, Việt Nam có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch biển. Các bãi biển đẹp trải dài từ bắc đến nam, với khoảng 125 bãi tắm, trong đó có nhiều bãi được xếp hạng trên thế giới. Bờ biển Việt Nam có gần 50 vịnh lớn nhỏ, trong đó có nhiều vịnh được đánh giá cao trên thế giới như các vịnh Hạ Long, Nha Trang, Lăng Cô… Biển đảo Việt Nam còn có tài nguyên sinh vật đa dạng, phong phú như các Vườn quốc gia Bái Tử Long, Cát Bà, Côn Ðảo, Phú Quốc… Ngoài ra, ở dải ven biển có hơn 1.000 di tích lịch sử văn hóa được Nhà nước xếp hạng; 195 lễ hội dân gian truyền thống và 150 làng nghề tại các địa phương. Ðây là tiền đề để thu hút hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến du lịch tại các tỉnh, thành phố ven biển Việt Nam hằng năm.
TS Ðỗ Cẩm Thơ (Viện Nghiên cứu phát triển du lịch – Tổng cục Du lịch) cho biết: Những năm qua, ngành du lịch các tỉnh ven biển đóng góp khá quan trọng vào sự phát triển kinh tế, chiếm hơn 60% tổng thu từ du lịch của cả nước. Tốc độ tăng trưởng về thu nhập du lịch trong 15 năm trở lại đây luôn giữ mức tăng trưởng hơn 24%/năm. Lượng du khách quốc tế đến khu vực ven biển Việt Nam liên tục tăng, hiện chiếm gần 80% tổng lưu lượng khách đến Việt Nam; khách du lịch nội địa, chiếm hơn 50% tổng lượng khách đi lại trên toàn quốc…
Bên cạnh những đóng góp mà ngành du lịch biển mang lại, thì ngành du lịch biển đang trở thành tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường biển tại các khu vực du lịch trong cả nước thời gian qua. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu du lịch biển nêu trên, là do công tác vệ sinh môi trường chưa được các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực này quan tâm một cách thường xuyên. Rác thải chưa được thu gom, xử lý triệt để, dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là tại một số bãi tắm ven bờ, gần khu dân cư, nhà hàng, khách sạn; hệ thống xử lý nước thải chưa được đầu tư đồng bộ, cho nên nguồn nước thải tại các khu vực này chủ yếu được xả thẳng ra biển…
Ngoài ra, ý thức của du khách chưa cao, còn tình trạng vứt rác, thức ăn thừa bừa bãi trên các bãi tắm, trong khi đó phần lớn rác thải sinh hoạt chưa được xử lý, nếu có xử lý chỉ bằng phương pháp chôn lấp… ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường tự nhiên và chất lượng nguồn nước tại các khu vực này. Thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, cơ quan khoa học, doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong việc sử dụng, quản lý tài nguyên biển, nhất là thiếu sự tham gia tích cực của người dân đối với việc bảo vệ môi trường (BVMT) biển tại nơi mình đang sinh sống…
Kết quả điều tra của Viện Hải Dương học cũng cho thấy: Các hoạt động du lịch đang là những tác nhân gây ô nhiễm môi trường tại nhiều vùng biển thời gian qua. Ðiển hình như đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) đang trở thành một khu du lịch lý tưởng cho khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, kéo theo sự phát triển thành khu du lịch nên nhu cầu xây dựng lớn. Chính vì vậy, nếu các nguyên vật liệu xây dựng nếu không được quản lý chặt chẽ, không theo quy hoạch sẽ dẫn đến tình trạng sạt lở, xói mòn bờ, giảm thể tích chứa nước ngầm dẫn đến tình trạng nước mặn xâm nhập, tăng trầm tích đáy, tăng độ đục… làm suy giảm đa dạng sinh học, thay đổi cảnh quan tự nhiên, nhất là mất đi vẻ đẹp tự nhiên của vùng biển đảo này…
Tại vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), các nhà khoa học đã phát hiện nhiều địa điểm bãi san hô ở đáy biển sâu đang chết dần do ô nhiễm môi trường. Lý giải về tình trạng nêu trên, các nhà khoa học biển Việt Nam cho rằng, do sự đô thị hóa và gia tăng dân số cơ học ngày một gia tăng; việc xây dựng bến cảng, nhà máy; phát triển cơ sở hạ tầng của ngành du lịch, dịch vụ. Ô nhiễm do chất thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt và chế biến; việc khai thác, đánh bắt theo phương thức tận diệt thủy sản, cũng như nuôi trồng thủy sản tràn lan, thiếu quy hoạch… Ðây được coi là những tác nhân chính gây “biến dạng” cảnh quan, gây suy giảm nhanh các loài sinh vật đang sinh sống tại khu vực này…
Ðể khắc phục, trước hết, chính quyền các địa phương ven biển cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục BVMT biển cho người làm du lịch và du khách tham quan; nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch và đội ngũ cán bộ, nhân viên trong việc BVMT sinh thái. Khuyến khích các cơ sở lưu trú du lịch, chú trọng sử dụng nguồn năng lượng sạch; sử dụng tiết kiệm tài nguyên và giảm thiểu tác động đến môi trường biển; xây dựng hệ thống xử lý rác thải phù hợp, nhất là đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tại đơn vị mình, trước khi đưa vào hệ thống thải chung của khu vực. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, chính quyền địa phương tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi đối với các dự án du lịch sinh thái, du lịch biển, các đơn vị áp dụng công nghệ BVMT và thực hiện việc dán “nhãn” du lịch môi trường cho những doanh nghiệp làm tốt công tác BVMT biển. Quy định rõ trách nhiệm trong lĩnh vực BVMT cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình kinh doanh dịch vụ du lịch, cũng như xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật…