ThienNhien.Net – Mực nước sông Hồng ngày càng suy kiệt, đặc biệt về mùa khô đã gây nên tình trạng xói lở hai bên bờ sông, hạ thấp đáy sông. Theo các chuyên gia, rất cần những giải pháp để điều tiết nước, nâng cao mực nước vùng hạ du vào mùa kiệt để tránh nguy cơ và thiệt hại xảy ra, đảm bảo an ninh nguồn nước.
Nước cạn kiệt, sông ngày một sâu hơn
GS.TS Hà Văn Khối, trường Đại học Thủy lợi cho biết, qua nghiên cứu cho thấy, từ năm 2004, mực nước về mùa kiệt vùng hạ du sông Hồng ngày càng có xu hướng giảm thấp, dù những năm gầy đây, lưu lượng nước xả xuống hạ du từ hồ Hòa Bình, Thác Bà và gần đây là Tuyên Quang đều tăng gấp 1,5-2,8 lần. Cũng kể từ 2004 đến nay, về mùa kiệt, mực nước vùng hạ du sông Hồng năm sau lại thấp hơn năm trước. Kỷ lục vào năm 2010, mực nước sông Hồng ở Hà Nội chỉ đạt 0,1m. Theo dự báo, nếu không có những biện pháp quản lý, điều tiết nguồn nước kịp thời thì con số này sẽ lặp lại.
Cũng theo GS.TS Hà Văn Khối, lòng dẫn sông Hồng, sông Lô và sông Đuống những năm gầy đây đang bị xói sâu. Ứớc tính, đáy sông Lô đã bị hạ thấp từ 6-8m, thậm chí có điểm hạ từ 9-12m, còn trên sông Hồng đoạn qua Sơn Tây cũng bị hạ thấp 5m. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này, theo đánh giá là do tác động bồi lắng bùn cát tại các hồ chứa trên lưu vực sông Hồng. Thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 52 hồ chứa đã và đang được xây dựng trên thượng nguồn sông Đà, sông Thao và sông Lô, tương đương với đó là lượng bùn cát lắng đọng trong hồ rất lớn, gây xói mòn mạnh lòng sông ở khu vực hạ du. Ngoài ra, việc khai thác cát quá mức trên các con sông này cũng đã vượt quá khả năng bồi đắp của bùn cát trong sông.
Nước ngầm suy kiệt, sản xuất đảo lộn
Việc suy kiệt nước ở hạ du không những tác động đến đời sống, sản xuất của các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng mà còn khiến quy trình phát điện của các nhà máy thủy điện bị đảo ngược. Trước và sau thời kỳ các tỉnh Bắc bộ đổ ải phục vụ sản xuất vụ đông xuân, các nhà máy thủy điện thường phải “tiết kiệm” nước để phục vụ giai đoạn đổ ải. Trong khi đó, cuối mùa kiệt là thời kỳ có yêu cầu phụ tải lớn nhất trong năm nhưng lượng nước trong hồ không còn đủ. Mực nước sông Hồng thấp đã làm toàn bộ hệ thống nước ngầm ở khu vực đồng bằng sông Hồng, trong đó có Hà Nội bị hạ thấp, kéo theo đó là sự sụt lún của đất nền. Bên cạnh đó, hàng năm ngành giao thông phải tốn hàng nghìn tỷ đồng để nạo vét luồng lạch, phục vụ giao thông đường thủy.
Khả năng phục hồi lòng dẫn của sông Hồng theo nhận định là rất khó. “Lượng hồ chứa trên lưu vực sông Hồng ở Việt Nam và Trung Quốc là quá nhiều, tổng dung tích trữ nước lớn. Không những vậy, hiện tượng xói mòn hạ du có thể còn mạnh hơn trong những năm tới”, GS.TS Hà Văn Khối nhận định. Theo GS.TS Trương Đình Dụ (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam), để khắc phục tình trạng suy giảm nguồn nước, mất an ninh nguồn nước trên lưu vực sông Hồng thì phải áp dụng các giải pháp công trình như xây dựng một số đập ngầm nâng đáy sông; xây dựng các trạm bơm trước cống lấy nước và nâng cấp các trạm bơm; xây dựng các công trình điều tiết ở sông Hồng và sông Đuống. Trong đó, công tác xây dựng các công trình điều tiết trên sông Hồng và sông Đuống để khôi phục lưu lượng và mực nước là giải pháp cần được quan tâm và chú trọng.