ThienNhien.Net – Chia sẻ lợi ích từ rừng một cách hiệu quả và công bằng được coi là động lực then chốt thúc đẩy sự tham gia của các bên trong quản lý và bảo vệ RĐD. Từ nhận thức này, năm 2012 Chính phủ đã ban hành Quyết định số 126/QĐ-TTg cho phép thực hiện thí điểm cơ chế chia sẻ lợi ích trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững RĐD tại một số VQG. Bài viết dưới đây sẽ phân tích một số khía cạnh trong việc thực hiện thí điểm chia sẻ lợi ích theo Quyết định này và đưa ra một số khuyến cáo liên quan.
Quyết định số 126/QĐ-TTg cho phép thực hiện thí điểm chia sẻ lợi ích trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững RĐD tại các VQG Xuân Thủy (Nam Định), Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) và sau đó mở rộng thí điểm cho VQG Hoàng Liên (Lào Cai). Theo kế hoạch, hết năm 2014, các mô hình thí điểm này sẽ được tổng kết và đánh giá để xem xét khả năng ban hành một chính sách cấp quốc gia.
Theo các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Thế giới CIFOR (Phạm Thu Thủy và cộng sự, 2013) thì một cơ chế chia sẻ lợi ích trong quản trị rừng cần được thiết kế nhằm: 1) tối đa hóa tính công bằng (Equity) giữa các bên có liên quan đối với tài nguyên rừng, 2) cải thiện hiệu quả (Effectiveness) của quản lý rừng, 3) nâng cao hiệu suất (Efficiency) của các chương trình quốc gia và địa phương thông qua giảm các chi phí giao dịch và chi phí thực hiện (Nguyên tắc 3E). Dưới đây xin được nhìn lại việc thực hiện thí điểm chia sẻ lợi ích theo Quyết định 126/QĐ-TTg từ góc độ của các nguyên tắc này.
VQG Bạch Mã đã tiến hành phương án chia sẻ lợi ích tại 3 vùng gồm 7 thôn trên địa bàn xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong năm 2013, đã có 236 hộ dân đăng kí tham gia phương án chia sẻ lợi ích, được tập huấn thu hái bền vững lâm sản ngoài gỗ (LSNG) và được phân vùng quản lí, khai thác dưới sự giám sát của hội đồng quản lý bảo vệ rừng. Trong 7 loại LSNG được Bộ NN-PTNT phê duyệt, đã có 5 loại được người dân ở đây khai thác để bán ra thị trường hoặc phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng. Năm loại LSNG bao gồm mây, mật ong, nấm linh chi, măng và ốc suối. Trong đó, mây và mật ong là hai sản phẩm có trữ lượng khai thác lớn và mang lại thu nhập cao cho người dân.
Mục tiêu của chia sẻ lợi ích được Quyết định 126/QĐ-TTg nêu rõ, gồm 2 phần: “nhằm quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững RĐD, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân sống ở trong khu RĐD và vùng đệm khu RĐD”. Làm thế nào để việc chia sẻ các tài nguyên lâm sản từ rừng vừa góp phần cải thiện đời sống cho người dân địa phương, đảm bảo các giá trị ĐDSH trong RĐD được bảo tồn và phát triển bền vững, đồng thời quản lý, ngăn chặn và kiểm soát tốt các hoạt động làm mất rừng và suy thoái rừng – tính hiệu quả – vẫn là câu hỏi khó đối với việc thực hiện chính sách này.
Để việc khai thác lâm sản mang tính chất bền vững, duy trì và phát triển được tài nguyên rừng đòi hỏi có những biện pháp kỹ thuật hiệu quả, phù hợp với các điều kiện sinh học, sinh thái của các loài động thực vật trong tự nhiên. Cả 3 cấp độ của ĐDSH là hệ sinh thái, loài và nguồn gen cần được chú ý đánh giá đầy đủ trước khi tiến hành khai thác. Những nghiên cứu về loài trong tự nhiên (sinh thái quần thể) do vậy là rất cần thiết, hỗ trợ cho quá trình chia sẻ lợi ích.
Hệ thống kiến thức bản địa của người dân địa phương về quản lý và sử dụng tài nguyên cần được chắt lọc áp dụng phù hợp để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả. Mặt khác, kiến thức bản địa và nguồn gen địa phương còn là “tài sản” có giá trị của cộng đồng. Điều này đã được luật pháp Việt Nam và quốc tế công nhận, như trong Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen trong khuôn khổ Công ước Đa dạng sinh học chính thức có hiệu lực kể từ ngày 12 tháng 10 năm 2014. Theo đó, Việt Nam cần nhanh chóng luật hóa và thể chế hóa các nội dung của Nghị định thư này, để đảm bảo rằng lợi ích của cộng đồng về tri thức và nguồn gen được pháp luật bảo hộ.
Bên cạnh yếu tố kỹ thuật của việc khai thác bền vững thì vấn đề quản lý, giám sát việc khai thác sử dụng lâm sản một khi mở ra cơ chế tiếp cận rộng rãi tại cộng đồng luôn là mối quan ngại của những chủ rừng và cơ quan thực thi pháp luật như kiểm lâm. Cơ chế tổ chức được thí điểm trong Quyết định 126/QĐ-TTg là áp dụng một Hội đồng quản lý nhiều thành phần, chủ trì bởi Ban quản lý KBT với quy trình đăng ký, phê duyệt, giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên, với hình thức tổ chức như vậy sẽ gặp phải vấn đề về hiệu suất khi vận hành. Nhiều khi chi phí cho hoạt động của Hội đồng quản lý, chi phí cho người dân đi đăng ký và phê duyệt khi tham gia chia sẻ lợi ích còn cao hơn giá trị mà người dân thu được từ khai thác những lâm sản phụ từ rừng.
Mô hình Hội đồng quản lý như trên cho phép chia sẻ thông tin, chia sẻ quyền quản lý và thúc đẩy phối hợp giữa các bên trong cơ chế chia sẻ lợi ích từ tài nguyên rừng. Tuy nhiên mô hình này lại không thích hợp cho việc vận hành và giám sát thực hiện cơ chế. Đặc điểm của việc khai thác lâm sản phụ là rải rác ở một phạm vị rừng rộng, không tập trung vào một thời điểm nhất định, do nhiều đối tượng người dân địa phương từ các khu vực thôn bản khác nhau khai thác. Cần phải nhìn nhận người dân khi tham gia cơ chế này cũng là những người có khả năng bảo vệ rừng hiệu quả nhất. Với tính chất như vậy cơ chế quản lý giám sát cần được tổ chức một cách linh hoạt hơn nữa, theo tính chất sự vụ (ad-hoc) hơn là hành chính kế hoạch. Bên cạnh Hội đồng quản lý cấp KBT, những tổ chức cấp xã, cấp thôn cần được thiết lập để phù hợp với việc quản lý, giám sát hoạt động khai thác lâm sản hàng ngày của người dân và tạo điều kiện cho sự tham gia rộng rãi của người dân trong quản lý bảo vệ rừng.
Quyết định 126/QĐ-TTg đã nêu và cho phép thí điểm một số quyền đối với người dân (cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân) sống trong và xung quanh các KBT đối với RĐD. Quyền của người dân trong cơ chế này nằm ở 2 lĩnh vực. Thứ nhất là người dân có đại diện trong Hội đồng quản lý, tham gia vào việc thảo luận và ra các quyết định về chia sẻ lợi ích (Thỏa thuận chia sẻ lợi ích), cũng như tham gia việc giám sát thực hiện cơ chế. Thứ hai, theo Quyết định, người dân có “quyền được khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên, nuôi trồng các loài động vật, thực vật tại danh mục các loài được phép khai thác, sử dụng, nuôi trồng được quy định trong thỏa thuận”. Đây là một điểm nổi bật khác biệt của Quyết định này so với các quy chế quản lý nghiêm ngặt RĐD hiện hành, tiến tới hình thành những cơ chế công bằng hơn trong chia sẻ lợi ích từ RĐD.
Trong một cơ chế công bằng, bên cạnh quyền lợi, các bên tham gia, gồm cả người dân, cần có trách nhiệm đối với việc quản lý bảo vệ rừng. Làm thế nào để cộng đồng dân cư đông đảo sống xung quanh KBT tìm, cử được đại diện thích hợp cho mình tham gia vào quá trình quản lý, ra quyết định và giám sát, cũng như làm thế nào để xác định được ai có quyền khai thác sử dụng lâm sản và trách nhiệm của những người này trong quản lý bảo vệ rừng vẫn là những vấn đề chưa được giải quyết đầy đủ trong cơ chế thí điểm vừa qua.
Cuộc sống của cộng đồng địa phương sống trong và quanh RĐD phụ thuộc lớn vào nguồn lâm sản từ rừng nên việc chuyển từ hình thức bảo vệ nghiêm ngặt sang nới rộng các quyền tiếp cận với tài nguyên rừng thông qua cơ chế chia sẻ lợi ích là vấn đề cấp thiết đối với quản lý bảo vệ rừng ở mỗi khu RĐD. Những lợi ích từ chi trả dịch vụ môi trường rừng hay khoán bảo vệ rừng tuy có tác dụng tích cực đối với sự tham gia của cộng đồng trong quản lý bảo vệ rừng nhưng sẽ không thể thay thế, bù đắp được hoàn toàn nhu cầu của người dân đối với lâm sản. Vì thế cơ chế chia sẻ lợi ích cần được tiếp tục thí điểm mở rộng, hoàn thiện hơn. Để kết hợp được cả hai mục tiêu bảo tồn ĐDSH và sinh kế cho người dân thì những vấn đề như quy hoạch sử dụng rừng, tổ chức phối hợp và thúc đẩy sự tham gia của người dân với các lực lượng chức năng, nghiên cứu và thực hành các biện pháp kỹ thuật cho khai thác lâm sản bền vững là những ưu tiên gắn liền với cơ chế chia sẻ lợi ích ở mỗi khu RĐD.
Có thể thấy việc chia sẻ lợi ích đa dạng sinh học trong RĐD không thể tách rời khỏi mô hình đồng quản lý rừng mà trong đó quyền lợi và trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng được chia sẻ, phân công, phối hợp một cách hài hòa giữa các bên liên quan. Nói cách khác, phát triển các mô hình đồng quản lý rừng hay xây dựng các khu vực rừng do cộng đồng quản lý trong RĐD cần kết hợp với thực hành chia sẻ lợi ích để có thể đảm bảo được cả hai mục tiêu bảo tồn và phát triển tài nguyên rừng gắn với cải thiện đời sống người dân sống trong và xung quanh các KBT.
Tài liệu tham khảo
Pham, T.T., Brockhaus, M., Wong, G., Dung, L.N., Tjajadi, J.S., Loft, L., Luttrell C. and Assembe Mvondo, S. 2013 Approaches to benefit sharing: A preliminary comparative analysis of 13 REDD+ countries. Working Paper 108. CIFOR, Bogor, Indonesia, 2013.
Ths. Nguyễn Đức Tố Lưu, Trung tâm Con người và Thiên nhiên