ThienNhien.Net – Cũng như nhiều tỉnh Tây Nguyên khác, Lâm Đồng trong nhiều năm qua luôn đối mặt với nạn lấn chiếm đất rừng để làm rẫy, trồng hoa màu, trồng cây công nghiệp… khiến cho hàng ngàn ha rừng phải “chết oan”.
Tại hội nghị tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 41 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng vừa được tổ chức, nhiều đại biểu đã thống nhất cao về chủ trương của tỉnh trong việc đưa ra giải pháp đối với nạn lấn chiếm đất rừng để canh tác nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Cũng như nhiều tỉnh Tây Nguyên khác, Lâm Đồng trong nhiều năm qua luôn đối mặt với nạn lấn chiếm đất rừng để làm rẫy, trồng hoa màu, trồng cây công nghiệp… khiến cho hàng ngàn ha rừng phải “chết oan”.
Cũng trong nhiều năm qua, do buông lỏng quản lý hoặc do xử lý không kiên quyết, không triệt để nên nạn lấn chiếm đất rừng không những không chấm dứt mà còn có nguy cơ tiếp tục gia tăng; đặc biệt, nạn tái lấn chiếm có nguy cơ trở thành một căn bệnh trầm kha.
Cũng về vấn đề giải tỏa đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, lại có lúc cơ quan chức năng “ra tay” quá mạnh (nếu không muốn nói là thô bạo) trong thực thi công quyền nên tính thuyết phục chưa thật cao, chưa nhận được sự đồng tình của người dân. Bởi vậy, dường như một nghịch lý hiện hữu mà ai ai cũng nhìn thấy khá rõ là giải tỏa cứ giải tỏa, lấn chiếm cứ lấn chiếm!
Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, hằng năm, hầu như không huyện nào không xảy ra tình trạng lấn chiếm đất rừng và, hằng năm cũng không huyện nào không tiến hành giải tỏa đất rừng bị lấn chiếm. Địa phương ít thì cũng trên dưới 100 ha bị lấn chiếm, nhiều thì vài trăm ha.
Đối với diện tích rừng dọc theo tuyến lộ 723 (Đà Lạt – Nha Trang) thuộc huyện Lạc Dương, nạn lấn chiếm đất rừng làm đau đầu nhà chức trách từ rất nhiều năm qua. Nhiều biện pháp mạnh đã được đưa ra để áp dụng nhưng năm nào Lạc Dương cũng đều có con số báo cáo đã giải tỏa được từ 50-70 ha trong tổng số hơn 100 ha bị lấn chiếm của năm trước, rồi năm sau đó cũng vậy.
Tương tự, tại Đạ Huoai, hàng năm huyện đều báo cáo đã giải tỏa hơn 200 ha trong tổng số khoảng 300 ha bị lấn chiếm. Mỗi lần đọc được con số giải tỏa, những tưởng sau đó, nạn lấn chiếm sẽ giảm hẳn; nhưng không, thậm chí con số này còn tăng cao hơn.
Trong hội nghị nói trên, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép đã trồng cây công nghiệp dài ngày (cà phê, chè…) trên 2 năm để xây dựng phương án xử lý theo hướng: Yêu cầu các hộ dân phải trồng xen trong vườn cà phê hoặc chè, các loại cây lâm nghiệp theo chủng loại phù hợp với mật độ đúng theo quy định để 3-4 năm sau, khi cây lâm nghiệp bắt đầu khép tán thì phá bỏ toàn bộ diện tích cây công nghiệp; sau đó làm thủ tục giao khoán diện tích rừng trồng cho chính các hộ dân đó. Còn đối với diện tích đất rừng bị lấn chiếm để trồng cây công nghiệp từ 2 năm trở lại đây, lực lượng chức năng cần kiên quyết giải tỏa, thu hồi để trồng lại rừng.
Với cách làm nêu trên, hy vọng trong năm 2015 này và những năm tiếp theo, nạn lấn chiếm đất rừng ở Lâm Đồng không còn “nóng” như những năm qua!