ThienNhien.Net – Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ cho biết, hiện nay nước mặn đang xâm nhập rất nhanh vào toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long và độ mặn trong nước ở mức rất cao. Điều này có thể dẫn đến các hậu quả về thoái hóa chất lượng đất, giảm năng suất nông nghiệp, ảnh hưởng đời sống người dân và tăng giá nước sinh hoạt.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, mức độ xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long vào sâu khu vực nội đồng dao động ở mức 40 – 60 km. Tỉ lệ nước mặn xâm nhập ở mức từ 1-3 phần nghìn, cá biệt có những nơi lên đến mức 5- 6 phần nghìn độ mặn và dự báo mức nhiễm mặn của đồng bằng sông Cửu Long sẽ cao nhất vào giữa tháng 3/2015. Mức nhiễm mặn cao nhất sẽ tập trung ở các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Sóc Trăng bởi ảnh hưởng thủy triều từ biển Tây theo kênh Long Xuyên – Rạch Giá và kênh Vĩnh Tế đổ vào vùng Thoại Sơn (tỉnh An Giang) và khu vực Đông Hồ (tỉnh Kiên Giang) dù trước đó các cửa đập ngăn mặn của vùng tứ giác Long Xuyên đã đóng lại.
Tỉnh Bến Tre có những cửa sông lớn thuộc sông Cửu Long như Cửa Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên… nên bị nước mặn xâm nhập khá nhanh. Nước mặn đã xâm nhập vào khu vực nội đồng khoảng 55- 60 km bao gồm các huyện Ba Tri, Chợ Lách, Châu Thành. Huyện Châu Thành chịu ảnh hưởng nặng nhất với hai xã Quới Sơn và Tân Thạch (tỉ lệ 4 phần nghìn độ mặn, 60 km cách cửa biển).
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, tình hình nhiễm mặn tại đồng bằng sông Cửu Long dự kiến sẽ kéo dài đến giữa tháng 5/2015 và chỉ giảm xuống dần khi mùa mưa bắt đầu. Trước tình hình trên, các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai khẩn cấp các biện pháp để chống và ngừa nhiễm mặn thêm nữa bằng cách hạn chế xâm mặn các khu vực lúa và nông sản có nguy cơ bị ảnh hưởng và bơm nước giảm nhiễm mặn cho các khu vực bị nước mặn xâm nhập. Hệ thống cống hở, cống thoát nước được đóng lại và dự kiến sẽ có một số khu vực phải đắp đập tạm thời để hạn chế nước mặn xâm nhập.