ThienNhien.Net – Trong thông điệp nhân “Ngày động vật hoang dã thế giới” (3/3), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon khẳng định việc buôn bán trái phép động vật hoang dã đã làm thoái hóa hệ sinh thái và cản trở nghiêm trọng các nỗ lực của cộng đồng trong việc quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Với chủ đề của ngày kỷ niệm năm nay là “Đã đến lúc phải nghiêm khắc với tội phạm buôn bán động vật hoang dã”, thông điệp của Tổng Thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh việc chống lại loại tội phạm này không chỉ cần thiết cho công tác bảo tồn và phát triển bền vững, mà còn đóng góp đảm bảo hòa bình và an ninh ở những khu vực nảy sinh xung đột từ các loại tội phạm này.
Theo người đứng đầu Liên hợp quốc, việc nghiêm khắc với tội phạm buôn bán động vật hoang dã đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của tất cả các ngành và thành phần trong xã hội để ngăn chặn mọi hoạt động từ chế biến, tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã đến sản xuất thuốc từ động vật hoang dã.
Nhân ngày này, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Sam Kutesa đã chủ trì phiên họp đặc biệt để thảo luận các thách thức và cơ hội tăng cường nỗ lực quốc tế chống tội phạm buôn bán động vật hoang dã ở cấp độ toàn cầu.
Năm 2013, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chính thức chọn ngày 3/3 làm “Ngày động vật hoang dã thế giới” nhân dịp tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh phê chuẩn Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (CITES).
Số liệu của Liên hợp quốc cho biết từ năm 2010-2012 đã có khoảng 100.000 cá thể voi châu Phi bị sát hại để lấy ngà. Số lượng voi rừng cũng giảm khoảng 62% trong khoảng thời gian từ năm 2002-2011.
Theo CITES, trong năm 2014, chỉ tính riêng ở Nam Phi đã có 1.215 cá thể tê giác bị săn bắt, đồng nghĩa với việc cứ 8 giờ thì có một con tê giác bị giết hại.