ThienNhien.Net – Đó là thông điệp mà dự án thí điểm sử dụng xe đạp, xe máy điện và năng lượng điện mặt trời kết hợp mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế cho người nghèo và khuyết tật tại Hà Nội (gọi tắt là dự án BK-Ebike) muốn gửi đến cộng đồng Việt Nam.
Dự án BK-Ebike do Caritas Thuỵ Sỹ và Đối tác năng lượng tái tạo và sử dụng hiệu quả năng lượng (REEEP) tài trợ, triển khai từ năm 2015 – 2019. Chủ dự án là Công ty TNHH Một Thành Viên Đầu tư và Phát triển Công nghệ Bách Khoa Hà Nội (BK-Holdings). Đơn vị chủ quản dự án là Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Dự án được thực hiện dưới sự phối hợp của các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội như: Sở Ngoại Vụ, Sở Giáo dục – Đào tạo; Sở Công thương; Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội…
Mục đích của dự án là: Cung cấp dịch vụ cho thuê xe đạp điện với tính chất năng lượng xanh, giao thông sạch; thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí CO2 và nâng cao nhận thức về năng lượng tái tạo, giải pháp giao thông sạch và bảo vệ môi trường cho cộng đồng; xây dựng mô hình doanh nghiệp xã hội hoạt động bền vững.
Cổng B8 Ký túc xá Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là địa điểm mà Trung tâm dịch vụ xe điện Bách khoa cho thuê xe điện và dịch vụ sửa chữa xe điện. Theo dự án thì số lượng xe cho thuê sẽ là 180 chiếc, tuy nhiên do Trung tâm mới thành lập từ ngày 12/2 và địa điểm tại Ký túc xá của trường còn nhỏ nên số lượng xe tính đến thời điểm hiện tại là 60 xe. Ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc dự án BK-Ebike cho biết, trong thời gian tới sẽ triển khai dịch vụ cho thuê xe đạp điện, xe máy điện tại một số địa điểm khác để tạo điều kiện cho sinh viên cũng như nhiều du khách thuận lợi trong việc thuê xe.
Theo ông Phạm Tuấn Hiệp thì đây là lần đầu tiên dự án sử dụng năng lượng mặt trời cho giao thông được thực hiện tại Việt Nam. “Nếu mô hình thí điểm này thành công sẽ làm giảm đáng kể lượng khí thải. Qua mô hình này, tôi mong muốn truyền tải thông điệp “Năng lượng xanh, giao thông sạch” tới cộng đồng để từ đó mọi người có thể quan sát, tiếp nhận, học tập và nhân rộng mô hình ra. Đồng thời, hi vọng rằng, trong tương lai không xa xe chạy điện sẽ dần thay thế được xe xăng để hạn chế ô nhiễm môi trường từ khí thải do các phương tiện như ô tô, xe máy thải ra”, Giám đốc dự án BK-Ebike chia sẻ.
Vẫn theo ông Phạm Tuấn Hiệp thì bên cạnh những lợi ích mang đến cho xã hội như giảm lượng phát thải khí CO2 gây ô nhiễm môi trường, tạo thêm việc làm cho người nghèo, người tàn tật cũng là mục đích mà Trung tâm dịch vụ xe điện Bách khoa mong muốn đạt được qua dự án. Hiện tại, Trung tâm có 11 nhân viên, trong đó có 4 nhân viên túc trực tại địa điểm cho thuê xe.
Em Đỗ Đại Lộc, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của trường Đại học Bách khoa hiện đang là nhân viên của Trung tâm chia sẻ: “Vì em làm theo ca (part-time) nên lương của em chỉ bằng một nửa lương của các anh chị nhân viên khác, tuy nhiên em muốn gắn bó với công việc này vì niềm đam mê cũng như mong muốn có được một phần kinh phí cho việc học tập. Ngoài ra, qua công việc này em hiểu hơn được ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là việc sử dụng phương tiện tiết kiệm năng lượng như năng lượng mặt trời. Từ đó, em cũng như nhiều anh chị nhân viên khác có những hành động thiết thực hơn để bảo vệ môi trường như: đi bộ đến trường nếu nhà gần và đi xe đạp điện đến trường nếu nhà xa thay vì đi xe máy như nhiều sinh viên khác…”.
Bên cạnh những mục đích chính thì dự án BK-Ebike cũng nhằm đạt được những mục tiêu quan trọng khác như: Nâng cao nhận thức về tình trạng và hậu quả của ô nhiễm môi trường đô thị, các nguyên nhân và giải pháp; nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, sử dụng các phương tiện giao thông xanh nhằm giảm ô nhiễm môi trường; thúc đẩy hành vi sử dụng xe đạp điện, xe máy điện nhằm giảm ô nhiễm môi trường đô thị. Qua những mục tiêu trên, Giám đốc truyền thông của BK-Holdings – ông Nguyễn Ngọc Tuấn hi vong, các chủ phương tiện tham gia giao thông sẽ có những lựa chọn thông minh đối với các loại xe giúp tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. “Tôi mong muốn dịch vụ BK-Ebike sẽ tạo ý thức cho người dân thay đổi thói quen sử dụng năng lượng, thay thế dần các phương tiện phát khí thải và gây tiếng ồn lớn sang loại phương tiện sử dụng pin năng lượng mặt trời…”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn bày tỏ.
Theo quan sát của phóng viên tainguyenmoitruong.com.vn thì mặc dù mới khai trương dịch vụ cho thuê xe điện chưa đầy một tháng nhưng trung tâm đã thu hút một số lượng khá lớn các bạn sinh viên đến thuê và sửa chữa xe điện. Thiết nghĩ, các bạn sinh viên cũng như nhiều du khách trong và ngoài nước đã phần nào hiểu được ý nghĩa của việc sử dụng “năng lượng xanh, giao thông sạch” để từ đó có những lựa chọn phương tiện tham gia giao thông phù hợp và nâng cao nhận thức bảo vệ không khí, bảo vệ môi trường.
Caritas Thuỵ Sỹ là thành viên của tổ chức Caritas Quốc tế, hiện đang tài trợ cho một số dự án tại Việt Nam như: chống đói nghèo; bảo vệ môi trường và nguồn nước thích nghi với biến đổi khí hậu và giảm thiểu thiệt hại thảm hoạ thiên tai…
REEEP hoạt động nhằm tiếp cận năng lượng, cải thiện cuộc sống và cơ hội kinh tế, xây dựng thị trường bền vững và chống lại biến đổi khí hậu. BK-Holdings là đơn vị trực thuộc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Đây là mô hình doanh nghiệp tập đoàn đầu tiên tại một trường đại học công lập ở Việt Nam |