ThienNhien.Net – Chiều 3/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu đã chủ trì phiên họp lần thứ VI của Ủy ban nhằm đẩy nhanh tiến trình triển khai, thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, thành viên của Ủy ban.
Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu, thời gian qua, chính sách pháp luật của Việt Nam về biến đổi khí hậu được xây dựng và hoàn thiện tương đối đồng bộ, tạo cơ sở quan trọng để các bộ, ngành, địa phương triển khai xây dựng, thực hiện công tác ứng phó với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, thu hút nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này. Năng lực cảnh báo, dự báo thiên tai đã được quan tâm đầu tư và bước đầu phát huy hiệu quả, đáp ứng cho yêu cầu chủ động phòng, tránh giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam ngày càng được mở rộng, đi vào chiều sâu kết hợp với việc chủ động tham gia đàm phán biến đổi khí hậu, nâng cao vị trí, vai trò của đất nước trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, nhận thức về tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu trong xã hội vẫn còn hạn chế trong hoạt động phát triển kinh tế-xã hội đôi khi mới chỉ chú trọng đến tăng trưởng hoặc tăng thu nhập ngắn hạn, mà chưa xem xét thấu đáo các yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm phát triển dài hạn và bền vững. Nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu đòi hỏi đầu tư rất lớn nhưng nguồn kinh phí thực hiện còn hạn chế chính sách để huy động nguồn lực từ cá nhân, doanh nghiệp trong nước và quốc tế chưa phát huy được hiệu quả.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, kết quả nghiên cứu của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu thiệt hại nặng nề từ biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
“Trong điều kiện đó, cần xác định mục tiêu chung sống với thực trạng này, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo phát triển bền vững,” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, mọi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước đều phải tính tới việc đảm bảo ứng phó với biến đổi khí hậu. Đó cũng là nội dung Nghị quyết 24- NQ/TW, cần được thực hiện đồng bộ ở mọi cấp, mọi ngành đây vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ cơ bản lâu dài, có trọng tâm trọng điểm. Ứng phó với biến đổi khí hậu cũng là công việc của toàn dân và phải xác định nguồn lực của đất nước là chủ đạo, Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận xét, thời gian qua, kết quả triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu bước đầu đã đạt được kết quả song, vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là trong nhận thức đối với nhiệm vụ này.
“Nhiều nơi, nhiều chỗ có tư tưởng coi biến đổi khí hậu còn xa vời. Công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch còn chưa có trọng tâm, trọng điểm. Nguồn lực đầu tư còn phân tán có dự án ứng phó với biến đổi khí hậu còn kém hiệu quả,” Thủ tướng chỉ rõ.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các thành viên trong Ủy ban, các bộ, ngành địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc và tích cực triển khai Nghị quyết 24-NQ/TW, đảm bảo mục tiêu phát triển đất nước bền vững, lâu dài. Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để không ngừng nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu ở mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các thành viên Chính phủ và Ủy ban chỉ đạo rà soát, cập nhật lại quy hoạch từng ngành, từng lĩnh vực, từng vùng, nhất là tại các vùng trọng điểm chịu thiệt hại nặng do biến đổi khí hậu như Đồng bằng sông Cửu Long, vùng ven biển để lồng ghép triển khai kế hoạch khắc phục, ứng phó với biến đổi khí hậu trong 5 năm tới. Từ đó, chọn lọc, ưu tiên những dự án trọng điểm để tập trung nguồn vốn, đầu tư triển khai thực hiện.
Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan nghiên cứu, dự báo sớm hoàn thiện kịch bản biến đổi khí hậu bằng các nghiên cứu khoa học chính xác, chi tiết chất lượng. Trước mắt, cần ưu tiên các chương trình, dự án chống xói lở bằng biện pháp đẩy mạnh trồng rừng phòng hộ và nâng cấp, hoàn thiện hệ thống đê biển xử lý tốt việc chống úng ngập khi nước biển dâng, nhất là các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và hai tỉnh Bến Tre, Cà Mau.
Trong ứng phó với biến đổi khí hậu, cần tập trung vận động, khuyến khích nguồn vốn tại chỗ, trong nhân dân, khai thác tốt nguồn lực của đất nước, song song với tích cực vận động tài trợ quốc tế bằng những dự án cụ thể, khả thi – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo.