ThienNhien.Net – Từ ngày 23/1 đến nay, hạ du sông Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam mặn xâm nhập với nồng độ lớn.
Để cung cấp đủ nước cho lúa ĐX, trạm bơm phải “rình” thủy triều rút để bơm nước ngọt. Tỉnh Quảng Nam cũng đang tiến hành đắp đập ngăn mặn cứu lúa sớm hơn mọi năm.
Mặn xâm nhập nặng
Mặc dù chưa đến mùa hạn nhưng trên nhiều con sông phía bắc tỉnh Quảng Nam nước mặn xâm nhập với nồng độ cao khiến nhiều trạm bơm treo máy.
Để có nước bơm, cứ 1 tiếng đồng hồ, anh Lương Lê Trúc, cán bộ trạm bơm Tứ Câu, đóng tại xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn lại ra sông múc nước một lần kiểm tra nồng độ mặn. Vào lúc 10h ngày 2/3, anh đưa một cốc nước lấy từ sông lên và cho vào máy đo nồng độ, kết quả nước mặn chiếm đến 4,9 phần nghìn.
Anh Trúc cho hay: “Với nồng độ này, bơm nước lên lúa sẽ chết liền. Thường nồng độ mặn bằng hoặc dưới 0,8 phần nghìn mới bơm được, còn như hiện nay phải ngồi chờ khi nào nồng độ mặn giảm mới tiến hành bơm”.
Theo anh Trúc, từ ngày 23/1 đến nay, mặn xâm nhập vào cửa trạm bơm liên tục. Do đó, phải trực 24/24 để bơm nước cho lúa. “Ngày ít thì trạm bơm hoạt động được khoảng 6 tiếng, ngày nhiều 20 tiếng, do đó, ruộng chưa thiếu nước nghiêm trọng. Nhưng mặn xâm nhập ngày càng mạnh hơn, nếu không có biện pháp ngăn mặn, lúc đó ruộng đồng sẽ thiếu nước”, anh Trúc nói.
Chẳng khác gì trạm bơm Tứ Câu, trạm bơm Cẩm Sa phục vụ nước tưới cho 117 ha lúa của xã Điện Nam Bắc và trạm bơm Thanh Quýt phục vụ tưới cho 190 ha của xã Điện Ngọc, Điện Thắng Trung và Điện Thắng Bắc cũng đã xuất hiện tình trạng xâm nhập mặn. Nhân viên của trạm luôn túc trực bên sông liên tục đo nồng độ mặn cho máy bơm hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Chi nhánh Thủy lợi Điện Bàn cho biết, năm nay mặn xâm nhập rất sớm. Để có nước ngọt, trạm bơm liên tục đo nồng độ mặn để bơm lên phục vụ lúa, cứ thời gian nào không có mặn phải tranh thủ bơm liền.
“Nếu không có biện pháp ngăn mặn nguy cơ mất mùa xảy ra rất cao, bởi có những ngày nồng độ mặn lên đến 5 phần nghìn, thậm chí có những lúc 15 phần nghìn. Do đó phải nhanh chóng ngăn sông Vĩnh Điện”, ông Đức cho hay.
Ngăn sông lấy nước ngọt
Trước tình trạng mặn xâm nhập với nồng độ lớn, để đảm bảo nguồn nước ngọt cung cấp cho ruộng đồng, ngày 28/2, Sở NN-PTNT Quảng Nam đã khởi công đắp đập ngăn mặn tạm thời trên sông Vĩnh Điện (một nhánh sông Thu Bồn). Con đập cách trạm bơm Tứ Câu khoảng 100m, tổng kinh phí đầu tư xây dựng hết 1,2 tỷ đồng, trích từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.
Tuyến đập có chiều dài 95 m, chiều cao 5-7 m, bề rộng mặt đập 3 m, được bọc vải địa kỹ thuật và đắp một lớp bao cát ngăn nước chảy tràn. Thân đập được đắp bằng đất cát hút từ sông lên, mái đập gia cố bằng cọc bạch đàn kết hợp với các tấm phên làm bằng tre, vải bạt ni-lông chống thấm.
Ông Võ Văn Điềm, PGĐ Sở NN-PTNT Quảng Nam cho rằng, năm 2015 tình hình thời tiết diễn biến hết sức phức tạp, việc cung cấp nước tưới phục vụ SX đang đứng trước nhiều khó khăn.
Vì vậy, để đối phó hiệu quả với tình trạng khô hạn, ngay từ bây giờ ngành liên quan và chính quyền các địa phương phải chủ động xây dựng phương án phòng chống hạn, triển khai đồng bộ các giải pháp chống nhiễm mặn.
Đồng thời tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện chế độ tưới nước tiết kiệm, nhất là tại các khu vực đang bị thiếu hụt.
Bên cạnh đó, vận động người dân tích cực ra quân nạo vét các tuyến kênh mương chính, nội đồng và đắp bờ vùng bờ thửa. Đặc biệt, nhất thiết phải sớm củng cố, kiện toàn đội ngũ thủy nông viên cơ sở, tăng cường khâu quản lý điều hành, phân phối nước thông qua hoạt động của các tổ chức sử dụng nước ở địa phương.
Riêng về việc xây dựng công trình đập thời vụ trên tuyến sông Vĩnh Điện, ông Điềm yêu cầu đơn vị thi công phải đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đúng thời gian quy định, đảm bảo chất lượng công trình, kịp thời đưa vào phục vụ SX, trước mắt là trong vụ ĐX 2014-2015 này.
Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành trong vòng 15 ngày từ ngày khởi công để cung cấp nước cho hơn 2.000 ha lúa của huyện Điện Bàn. Ngoài ra phục vụ cho 70-80 ha lúa của phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng và 200-300 ha lúa của TP Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Để đảm bảo nguồn nước, Sở NN-PTNT Quảng Nam đã có văn bản đề nghị các nhà máy thủy điện điều tiết, vận hành nước qua phát điện. Theo đó, trên sông Vu Gia, các nhà máy thủy điện A Vương, Sông Bung 4 vận hành liên tục tối thiểu 15 giờ/ngày, lưu lượng trung bình 40 m3/s; thủy điện Sông Côn, Sông Bung 5, 6 vận hành theo lưu lượng nước về để duy trì dòng chảy cho hạ lưu. Còn trên sông Thu Bồn, thủy điện Sông Tranh 2, Đắk Mi 4, cứ 6 ngày vận hành, 4 ngày nghỉ, tối thiếu 15 giờ/ngày, với lưu lượng trung bình 70 m3/s. |