ThienNhien.Net – Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có gần 30 hồ chứa đã xuống cấp trầm trọng, cần nâng cấp, sửa chữa để đảm bảo phục vụ tưới tiêu cho hàng chục nghìn hécta đất nông nghiệp cũng như nước sinh hoạt của người dân trên địa bàn.
Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam, toàn tỉnh hiện có 73 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích hữu ích xấp xỉ 500 triệu m3 nước (trong đó hồ chứa nước thủy lợi Phú Ninh có dung tích lớn nhất 344 triệu m3).
Các hồ chứa, hệ thống công trình thủy lợi đã đưa vào khai thác, đa số được xây dựng từ năm 1990 trở về trước.
Trong số 30 hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng cần được ưu tiên sửa chữa, nâng cấp phải kể đến hồ chứa Chấn Sơn (huyện Đại Lộc) đỉnh đập đã bị biến dạng mạnh, sụt lún, tràn xả lũ xuống cấp trầm trọng, không đảm bảo thoát lũ. Lòng hồ chứa bị bồi lấp gần hết mực nước chết.
Tại hồ chứa Chủ Bò (huyện Tiên Phước) thì sân tràn bằng đá xây đã xuống cấp, cần đựơc nâng cấp; hồ chứa Cửu Kiến (Đại Lộc) thì mái thượng, hạ lưu đập, đỉnh đập bị lún, sụt, thấm lòng hồ bị bồi lấp, tràn xả lũ bị bong, nứt, thấm…
Nguyên nhân các hồ chứa, công trình thủy lợi trên địa bàn Quảng Nam xuống cấp trầm trọng là do phần lớn các công trình xây dựng trước đây theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm hoặc nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ” được đầu tư chưa đồng bộ, chưa kiên cố và thi công thủ công nên công trình không đảm bảo chất lượng; kinh phí bố trí cho bảo trì, duy tu sửa chữa thường xuyên các công trình thủy lợi còn nhiều hạn chế nên công trình nhanh bị hư hỏng, xuống cấp; đa số các hồ chứa địa phương quản lý, hệ thống đường quản lý đi lại khó khăn, xa khu dân cư, gây trở ngại cho công tác ứng cứu công trình khi bị sự cố, nhất là trong mùa lụt, bão…
Ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam, cho biết để đảm bảo an toàn cho công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ và nâng cao năng lực khai thác phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt, Quảng Nam đề nghị trung ương hỗ trợ nguồn vốn đầu tư để sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn hồ chứa cho 29 hồ chứa nước đã bị hư hỏng, xuống cấp, với tổng kinh phí là 785 tỷ đồng.
Đồng thời, tỉnh xây dựng các cơ chế, chính sách giúp địa phương (cấp huyện, xã) quản lý, nhằm đảm bảo an toàn cho công trình đúng qui định của Nhà nước trong giai đoạn hiện nay và các năm tiếp theo.
Tỉnh sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn bảo trì công trình thủy lợi để có cơ sở bố trí kinh phí thực hiện bảo trì, duy tu bảo dưỡng hằng năm nhằm đảm bảo tuổi thọ công trìnhl; quy định cụ thể cấp thẩm quyền phê duyệt kết quả kiểm định an toàn đập các hồ chứa nước có dung tích từ 10 triệu m3 trở lên để có cơ sở thực hiện.
Tuy nhiên, do điều kiện địa hình, thời tiết khí hậu của khu vực miền Trung diễn biến phức tạp, thường gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp và cho các công trình thủy lợi, Quảng Nam cũng cần thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý nhà nước cấp huyện, cấp xã, đội ngũ công nhân kỹ thuật làm công tác quản lý, vận hành công trình thủy lợi trên địa bàn.