ThienNhien.Net – Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cảnh báo, hiện có 10 địa phương cháy rừng ở cấp 5. Theo đó, các địa phương này cần nhanh chóng dự phòng các biện pháp phòng chống cháy rừng (PCCR) để tránh những nguy cơ đáng tiếc có thể xảy ra.
Ông Bành Thanh Hùng, trưởng phòng Bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm An Giang cho biết, mùa khô năm 2015 được dự báo diễn biến phức tạp hơn mọi năm. Do tổng lượng mưa năm qua đạt thấp, mức độ khô hanh cao, nhiệt độ không khí sẽ tăng, dễ dẫn đến hiện tượng bốc hơi, bén lửa. Bên cạnh đó, lượng khách tham quan, du lịch, hành hương trên các đồi núi trong tỉnh ngày càng tăng trong khi tình hình chặt phá rừng phòng hộ đồi núi vẫn còn diễn biến phức tạp… Vì thế, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất lớn. Hiện diện tích rừng trọng điểm khoanh vùng có khả năng cháy (cấp độ 5) của An Giang khoảng 7.100 héc-ta, chiếm 48,25%. Ông Hùng cho biết, Ban Chỉ đạo về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh An Giang đã đề ra mục tiêu và phương án bảo vệ “lá phổi xanh”: Quyết tâm phòng cháy tốt, chữa cháy kịp thời, hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra theo phương châm 4 tại chỗ. “Ngành kiểm lâm cùng các ngành liên quan hạ quyết tâm, cố gắng bảo vệ thành quả 3 năm qua không để thiệt hại rừng, cháy rừng. Ngoài sự nỗ lực của chúng tôi, rất cần sự chung tay của người dân. Do đó, chúng tôi tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không chặt phá rừng bừa bãi; du khách và người dân địa phương thực hiện nghiêm các quy định về sử dụng lửa, thắp hương cúng bái ở dọc đường, hốc đá khi vào rừng hành hương, du lịch…”, ông Hùng thông tin thêm.
Tỉnh Đắk Nông cũng có 264.596 ha nằm trong phương án phòng chống cháy rừng. Tổng diện tích vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao của tỉnh này là hơn 54.000 ha. Chi cục Kiểm lâm phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức làm mới và đóng hơn 1.000 biển cấm lửa, hơn 300 nội quy, 17 bảng cấp dự báo… Đồng thời, Chi cục tổ chức ký hơn 2.000 bản cam kết không gây cháy rừng và tham gia phòng cháy chữa cháy. Đặc biệt, khu vực báo động cháy rừng trên địa bàn tỉnh là xã Quảng Sơn (huyện Đắk G’long), Trường Xuân, Nâm N’jang, Đắk Hòa, Đắk Mol (huyện Đắk Song), Quảng Trực (huyện Tuy Đức), Đắk Wil (huyện Cư Jút), xã Quảng Thành (thị xã Gia Nghĩa), Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung… được phân công lực lượng theo dõi 24/24 để nắm bắt và thông tin kịp thời hàng ngày dự báo, cảnh báo nguy cơ xảy ra cháy rừng. Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông Hà Công Tài nói: Chi cục Kiểm lâm tỉnh chủ động phối hợp với các Hạt kiểm lâm huyện, chính quyền địa phương, chủ rừng tăng cường công tác bảo vệ rừng, ngăn chặn các vụ phá rừng trái phép, xử lý tình huống kịp thời tại chỗ không để xảy ra cháy và cháy lớn.
Còn với tỉnh Bình Thuận nơi có tổng diện tích rừng 371.072ha, thì hiện có trên 200.000ha có nguy cơ cháy cao. Các cơ quan chức năng của Bình Thuận vì thế đã chủ động thành lập Ban chỉ đạo bảo vệ và PCCR, trang bị máy thổi gió, xe cơ giới và hơn 2.500 dụng cụ dập lửa của các tập thể, cá nhân sẵn sàng ứng chiến khi có tình huống xảy ra. Dù vậy, ông Mai Văn Quỳnh, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) cho biết, công tác PCCR còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài việc bất lợi về điều kiện tự nhiên và thời tiết, kinh phí đầu tư cho PCCC rừng hiện còn thấp, phương tiện và điều kiện chống cháy rừng còn thiếu và yếu.