Giám sát ĐDSH trong lâm nghiệp: Thực trạng và thách thức

ThienNhien.Net- Quản lý, bảo tồn ĐDSH rừng là một trong những chiến lược quan trọng để duy trì nền kinh tế phát triển bền vững, đa dạng; đồng thời duy trì các lợi ích về xã hội và môi trường. Các hoạt động quản lý, sử dụng và bảo tồn bền vững ĐDSH rừng còn được hiểu là quản lý, sử dụng rừng bền vững, trong đó giám sát ĐDSH rừng là một hoạt động cần thiết để có cơ sở đưa ra các chính sách và các hoạt động hợp lý… (Gardner 2010). Bài viết dưới đây sẽ  lý giải tầm quan trọng của việc giám sát ĐDSH, thực trạng, thách thức và các giải pháp để thực hiện giám sát ĐDSH trong lâm nghiệp ở Việt Nam.

Tại sao phải giám sát ĐDSH?

ĐDSH được hiểu một cách đơn giản là sự da dạng về nguồn gen, đa dạng về loài và đa dạng về hệ sinh thái. Giám sát ĐDSH nói chung và giám sát ĐDSH trong lâm nghiệp nói riêng là những chu trình thu thập số liệu về ĐDSH thông qua các chỉ số để xác định hiện trạng và những xu hướng thay đổi ĐDSH nhằm mục đích đưa ra các quyết định quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên ĐDSH.

Các chỉ số giám sát ĐDSH trong lâm nghiệp được xác định dựa trên nhiều yếu tố, một trong những yếu tố quan trọng nhất là các mục tiêu quản lý rừng cụ thể. Chỉ số giám sát ĐDSH được chia thành ba nhóm chính bao gồm nhóm chỉ số về thực trạng ĐDSH, nhóm chỉ số về nguy cơ đe dọa, và nhóm chỉ số về các hoạt động giảm nguy cơ đe dọa và tính hiệu quả của nó (Trinh & Hoang 2014).

Thực hiện giám sát ĐDSH trong lâm nghiệp có thể giúp thực hiện đồng thời nhiều mục tiêu: i/ Cung cấp thông tin cho các chủ rừng về diễn biến tài nguyên rừng cũng như các yếu tố tác động để từ đó lập kế hoạch, thực hiện các hoạt động quản lý, bảo tồn và phát triển tài nguyên ĐDSH theo mục tiêu quản lý rừng; ii/ Dựa trên các thông tin về diễn biến và các yếu tố tác động tới tài nguyên ĐDSH, các cấp quản lý địa phương, trung ương có thể đánh giá và điều chỉnh các chiến lược, chính sách, kế hoạch để đạt mục tiêu quản lý ĐDSH. iii/ Cung cấp thông tin cho các báo cáo đã cam kết với các tổ chức quốc tế như báo cáo định kỳ bắt buộc về an toàn ĐDSH khi thực hiện chương trình REDD+ với Công Ước Khung của Liên Hợp Quốc (UNFCCC), báo cáo định kỳ với Công ước về ĐDSH (CBD) mà Việt Nam chính thức là thành viên từ năm 1994.

Ảnh minh họa: Đặng Xuân Trường/PanNature
Ảnh minh họa: Đặng Xuân Trường/PanNature

Thực trạng giám sát ĐDSH ở Việt Nam

Cho đến nay, Việt Nam chưa xây dựng chương trình giám sát ĐDSH Quốc gia, tuy nhiên trong hai thập kỷ qua đã có một số hoạt động giám sát ĐDSH được thực hiện ở một số khu RĐD, vùng đệm liền kề và các khu vực có rừng phòng hộ. Hầu hết các hoạt động giám sát ĐDSH này đều mang tính chất thí điểm với mục tiêu chủ yếu nhằm theo dõi các nguy cơ đe dọa, xu hướng chung của các loài và xu hướng của các loài bị đe dọa tuyệt chủng trên toàn cầu, sự thay đổi đối với môi trường sống, hệ sinh thái và việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên (Jensen et al 2012).

Các hoạt động giám sát ĐDSH đã được thực hiện từ trước tới nay chủ yếu do các dự án nước ngoài hỗ trợ, thực hiện riêng lẻ ở các khu vực khác nhau và khác nhau cả về quan điểm cũng như tính ứng dụng. Các hoạt động giám sát này được thực hiện rất rời rạc, không có tính liên kết với nhau và với các chương trình điều tra giám sát rừng khác. Hoạt động giám sát ĐDSH thường kết thúc hoặc bị gián đoạn khi nguồn tài trợ từ bên ngoài không còn (Jensen et al 2012).

Hiện nay đã có rất nhiều chương trình giám sát rừng quốc gia được thực hiện ở trong nước như chương trình đánh giá, giám sát và điều tra rừng quốc gia, chương trình thống kê và điều tra rừng quốc gia, chương trình theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp… Tuy nhiên, các chương trình giám sát rừng này hiện vẫn chưa kết hợp dữ liệu hiện có về giám sát ĐDSH từ các chủ rừng; không xây dựng mối liên kết nào giữa chủ rừng với các chương trình kiểm kê và giám sát cấp quốc gia. Do đó, các chủ rừng không nắm bắt được các diễn biến về ĐDSH để có giải pháp quản lý hợp lý (Trinh & Hoang 2014).

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc các hoạt động giám sát ĐDSH trong lâm nghiệp chưa được quan tâm là phương thức quản lý rừng của các chủ rừng ở Việt Nam hiện còn rất thụ động. Thông thường, khi có giấy phép, lâm sản sẽ được khai thác để bán và khi rừng tự nhiên không còn sản phẩm để khai thác, rừng sẽ được trồng mới hoặc để tái sinh tự nhiên. Phần lớn các chủ rừng đều không có chiến lược quản lý rừng lâu dài cũng như không có mục tiêu quản lý rừng cụ thể. Nguyên nhân khác là chưa có cơ sở dữ liệu để lưu trữ, phân tích các chỉ số và dữ liệu ĐDSH một cách lâu dài và có hệ thống; các chỉ số về ĐDSH được thu thập rời rạc, không có định hướng. Điều này khiến các thông tin về ĐDSH không đóng góp nhiều cho việc lập kế hoạch và kết quả là giám sát ĐDSH chưa được quan tâm.

Thách thức và giải pháp đề xuất

Những năm gần đây, việc thực hiện giám sát ĐDSH trong lâm nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để có các chương trình giám sát có hệ thống, ngành lâm nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Các thách thức có thể kể đến gồm: i/ Khả năng tài chính và nguồn nhân lực có hạn để thực hiện một chương trình giám sát ĐDSH quốc gia; ii/ Năng lực của các đơn vị chủ rừng về giám sát ĐDSH còn thấp, chưa thể tự xây dựng chương trình giám sát, đặc biệt là xác định các chỉ số giám sát; iii/Các hoạt động giám sát ĐDSH thường được xem như một hoạt động phụ trong quản lý rừng và hầu như không được cung cấp ngân sách để thực hiện; iv/ Chưa thống nhất được một bộ chỉ số cơ bản có thể liên kết các hoạt động giám sát với nhau làm cơ sở để tổng hợp dữ liệu từ các cấp cơ sở lên cấp nhà nước; v/ Chưa có cơ chế để chia sẻ thông tin về ĐDSH giữa các đơn vị quản lý rừng, các trung tâm nghiên cứu, cơ quan hành chính.

Các hoạt động giám sát ĐDSH được thực hiện ở Việt Nam trong hai thập kỷ qua chưa thực sự có giá trị lớn trong việc xây dựng chính sách, lập kế hoạch quản lý ĐDSH. Trong khi đó, giám sát ĐDSH là một nhu cầu cấp thiết, và rất cần phải thực hiện một cách có hệ thống hơn, trên diện rộng hơn để có hệ thống thông tin bao quát về ĐDSH trong lâm nghiệp. Để đạt được điều này, một số điều kiện và giải pháp đề xuất sau đây nên được thực hiện: i/Cần có sự phối hợp đồng bộ giữa Tổng Cục Lâm Nghiệp và Cục Bảo Tồn thuộc Bộ TN&MT để xây dựng và thống nhất một số bộ chỉ số ĐDSH cơ bản, có khả năng tổng hợp được từ các cấp chủ rừng đến cấp nhà nước; ii/Xây dựng một quy trình lựa chọn các chỉ số giám sát ĐDSH đơn giản để các đơn vị quản lý rừng ở cấp cơ sở có thể xác định được các chỉ số giám sát ĐDSH phù hợp với bộ chỉ số cơ bản; iii/ Thiết lập mối liên kết giữa các chương trình giám sát ĐDSH với nhau từ chủ rừng, vùng sinh thái, cấp tỉnh, cấp quốc gia; iv/Kết hợp các chương trình giám sát rừng quốc gia để thu thập các chỉ số, dữ liệu về ĐDSH; v/Nâng cao năng lực giám sát ĐDSH cho các chủ rừng để họ có thể lồng ghép các hoạt động giám sát ĐDSH vào các hoạt động tuần tra, bảo vệ và điều tra rừng khác; và vi/Đề xuất một số chỉ số ĐDSH bắt buộc các đơn vị chủ rừng tham gia thực hiện chương trình quản lý rừng bền vững phải giám sát.

Quản lý dữ liệu ĐDSH trong lâm nghiệpTổng Cục Lâm Nghiệp Việt Nam dưới sự hỗ trợ của dự án FORMIS đang xây dựng hệ thống thông tin và quản lý rừng Quốc gia, hệ thống này cung cấp thông tin từ cấp chủ rừng đến cấp Quốc gia, cho phép nhập và cập nhật dữ liệu về rừng của các chủ rừng, địa phương vào trong hệ thống. Theo dự kiến, hệ thống này sẽ thiết lập cơ sở cho việc cập nhật, quản lý các dữ liệu về ĐDSH, tuy nhiên đến nay chưa thống nhất những loại chỉ số, dữ liệu ĐDSH nào có thể nhập vào cơ sở dự liệu này.Cục Bảo Tồn thuộc Bộ TNMT dưới sự hỗ trợ của dự án JICA đang xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu ĐDSH Quốc gia cùng với bộ chỉ số ĐDSH từ cấp chủ rừng đến cấp quốc gia. Các chỉ số ĐDSH ở các cấp cơ sở được chia thành năm nhóm bao gồm nhóm chỉ số về thực trạng ĐDSH; nhóm chỉ số về nguy cơ đe dọa; nhóm chỉ số về các hoạt động làm giảm nguy cơ đe dọa; nhóm chỉ số về tính hiệu quả của các hoạt động làm giảm nguy cơ đe dọa; và nhóm chỉ số về giá trị ĐDSH. Có 129 chỉ số ĐDSH ở cấp quốc gia được đề xuất trong đó có 50 chỉ số sẽ được thiết lập trong hệ thống quản lý dữ liệu ĐDSH Quốc gia. Hiện nay dự án đang thí điểm thu thập số liệu theo năm nhóm chỉ số trên ở VQG Xuân Thủy, tỉnh Nam Định. Theo dự kiến, hệ thống quản lý dữ liệu Quốc gia sẽ cho phép các đơn vị chủ rừng trên toàn Quốc nhập, cập nhật dữ liệu ĐDSH của mình vào hệ thống để từ đó theo dõi diễn biến ĐDSH từ cấp chủ rừng đến cấp nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay chưa có cơ chế để các chủ rừng nhập và cập nhật dữ liệu vào hệ thống quản lý dữ liệu ĐDSH Quốc gia. Mặt khác bộ chỉ số này cũng chưa đồng nhất với các chỉ số ĐDSH mà các chủ rừng cũng như Tổng Cục Lâm Nghiệp Việt Nam đang sử dụng nên việc nhập và cập nhật sẽ còn nhiều khó khăn.

 


Tài liệu tham khảo:

CDB 2010. Ecosystem service 2010. Factsheet published by Convention on Biological Diversity. Available from: http://www.cbd.int/iyb/doc/prints/factsheets/iyb-cbd-factsheet-ecoservices-en.pdf_Accessed: 02/10/ 2014

CEPF 2011. Ecosystem Profile: Indo-Burma Biodiversity Hotspot. 2011 Update. Critical Ecosystem Partnership Fund. Available from: http://www.cepf.net/SiteCollectionDocuments/indo_burma/IndoBurma_ecosystemprofile_2011_update.pdf. Accessed: 02/10/ 2014

Gardner, T. A. 2010. Monitoring Forest Biodiversity: improving conservation through ecologically responsible management. Earthscan, London, 360pp..

Jensen A., Lai T. Q. and Swan S. 2012. Participatory Biodiversity Monitoring:  Lessons Learnt from Vietnam and Potential REDD+ Applications. SNV Consultancy report

Newton, A. C. and Kapos, V. 2002. Biodiversity indicators in national forest inventories. Food and Agriculture Organization of the United Nations. Available from: http://www.fao.org/docrep/005/y4001e/Y4001E09. Accessed: 02/10/ 2014

Trinh T. L. and Hoang V. A. 2014 . Participatory miodiversity monitoring methodology. SNV Consultancy report WWF Global 2014. List of Ecoregions. Available from: http://wwf.panda.org/about_our_earth/ecoregions/ecoregion_list/. Accessed: 02/10/ 2014

Ths. Trịnh Thăng Long