ThienNhien.Net – Nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân gần khu công nghiệp (KCN) An Nghiệp, xã An Hiệp (Châu Thành, Sóc Trăng) phải sống chung môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, mùi hôi thối, xú uế nồng nặc phát ra từ nhà máy xử lý nước thải của Công ty Phát triển hạ tầng KCN An Nghiệp.
Nhà máy xử lý nước thải trong KCN An Nghiệp hoạt động từ cuối năm 2009, với công suất thiết kế 4.000m3/ngày đêm. Hiện có 11 doanh nghiệp đấu nối nước thải vào hệ thống để nhà máy xử lý trước khi thải ra môi trường. Một số doanh nghiệp trong KCN chưa xử lý sơ bộ nước thải qua lưới chắn rác, xả thẳng vào hệ thống thu gom rồi đưa về nhà máy. Sau nhiều năm hoạt động, các thiết bị tại nhà máy đã hết hạn bảo hành và hư hỏng nhiều. Hiện nay, nhà máy chỉ xử lý nước thải được khoảng 2.800 m3/ngày đêm, trong khi đó, đang tiếp nhận nước thải từ các doanh nghiệp trung bình từ 3.300 – 3.800 m3/ngày đêm. Số lượng nước thải vượt so với công suất xử lý, nhà máy xả thẳng qua các ao chứa nước thải trong KCN, rồi thải ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng cuộc sống, sinh hoạt của người dân chung quanh.
Ðiều đáng nói là nhà máy xử lý nước thải có công suất thiết kế 4.000 m3/ngày đêm, nhưng hiện chỉ xử lý chưa tới 3/4 công suất thiết kế thì đã xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Vấn đề này cho thấy, Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp An Nghiệp chưa thực hiện tốt quản lý, bảo trì nhà máy xử lý nước thải; công tác duy tu bảo dưỡng, nạo vét hồ chứa không được thực hiện đúng quy định; vận hành chưa đúng mức, đúng quy trình dẫn đến hệ thống xử lý nước thải hoạt động không đạt theo công suất thiết kế. Lượng bùn lắng xuống hồ làm giảm thể tích của bể xử lý, kéo theo tình trạng giảm công suất xử lý. Hệ thống xử lý của nhà máy chưa được đầu tư mở rộng, nhưng đơn vị vẫn cho doanh nghiệp đấu nối xả thải vào với mức độ lớn, gây ảnh hưởng chất lượng xử lý, công suất của nhà máy. Ban Quản lý KCN quản lý việc xử lý nước thải của các doanh nghiệp trước khi xả vào khu tập trung thu gom của nhà máy chưa chặt chẽ, khiến đầu tôm, tép, rác các loại cùng nước thải tuồn hết vào, làm tăng thêm áp lực xử lý cho nhà máy.
Các ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng đã nhiều lần họp bàn, tìm giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường tại KCN An Nghiệp. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn. Hiện nay, không chỉ ô nhiễm tại KCN mà các dòng kênh gần đó như: kênh Thẻ 25, kênh Hậu… cũng bị ảnh hưởng, dòng nước đen ngòm, đặc quánh, tràn ra môi trường chung quanh, ảnh hưởng sức khỏe, đời sống và sản xuất của nhân dân tại địa phương. Người dân sinh sống gần KCN An Nghiệp mong mỏi cấp có thẩm quyền tỉnh Sóc Trăng khẩn trương xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường, để bà con ổn định cuộc sống.