ThienNhien.Net – Xuất phát từ việc tìm hiểu loài Cánh kiến đỏ, một loài động vật quý đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, nhóm sinh viên đến từ trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam đã nảy sinh ý tưởng thành lập dự án “Nuôi thả Cánh kiến đỏ” với số vốn dự kiến khoảng 668 triệu đồng.
Cánh kiến đỏ: Nhỏ bé nhưng giá trị
Cánh kiến đỏ có tên khoa học là Laccifer lacca Kerr, thuộc họ Lacciferideae và được coi là loài sinh vật đặc biệt của vùng nhiệt đới. Nhựa Cánh kiến đỏ là loại nhựa duy nhất do động vật tiết ra, có tính chất rất đặc biệt nên cho đến nay chưa có một chất dẻo nào thay thế được, thường dùng để pha màu sơn và vecni đánh bóng đồ gỗ nội thất và dùng trong keo xịt tóc, làm phẩm màu hay nhuộm thức ăn gam màu đỏ, tráng bóng trái cây hoặc dùng trong công nghiệp vecni….
Từ lâu đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc đã có nghề nuôi thả Cánh kiến đỏ để phục vụ cho đời sống và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Tuy nhiên, thị trường Kiến cánh đỏ của nước ta đang bị bị thu hẹp lại, nghề nuôi thả loài sinh vật này không được quan tâm phát triển nữa. Một vài năm trở lại đây, do nhu cầu sử dụng nhựa Kiến cánh đỏ tăng lên, nhiều địa phương lại quan tâm phát triển nghề này.
Khởi nghiệp với dự án “Nuôi thả Cánh kiến đỏ”
Nhận thấy rằng ở Việt Nam chưa có một công ty hay một doanh nghiệp nào đứng ra để nuôi thả loài Cánh kiến đỏ này theo mô hình công nghiệp, nhóm sinh viên đến từ trường Đại học Lâm Nghiệp đã nảy sinh ý tưởng xây dựng dự án nuôi Cánh kiến đỏ với mô hình công nghiệp. Đồng thời tự sản xuất sản phẩm là nhựa Cánh kiến đã qua sơ chế để tạo lập và khẳng định thương hiệu của mình với người dân Việt cũng như hướng tới việc xuất khẩu ra nước ngoài.
Dự án “Nuôi thả Cánh kiến đỏ” kêu gọi đầu tư với tổng số vốn dự kiến khoảng 668 triệu đồng, triển khai với mục đích sản xuất kinh doanh nhựa Cánh kiến đỏ và một số nông sản khác. Việc sản xuất có thể cho thu hoạch sau từ 5 – 6 tháng, và sẽ trải qua một quy trình chế biến để chuyển nhựa Cánh kiến đỏ từ dạng thô sang tinh.
Việc nuôi Cánh kiến đỏ để lấy nhựa sẽ giúp cho các ngành liên quan như công nghiệp sơn, công nghệ thực phẩm, nông sản, sản xuất bánh kẹo trong nước phát triển, đảm bảo giá cả và chất lượng cũng như nguồn cung nguyên liệu cho thị trường. Nếu được thực hiện, dự án góp phần bảo tồn nguồn gen quý Cánh kiến đỏ – một loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do sự tàn phá về môi trường sống. Các tác giả hy vọng dự án được đưa vào hoạt động sẽ đem lại hiệu quả to lớn về mặt xã hội, đặc biệt là hỗ trợ giúp tạo việc làm cho một bộ phận không nhỏ người lao động tại khu vực Xuân Mai – Chương Mỹ – Hà Nội.
Nhóm tác giả mong muốn dự án sẽ được tiếp thêm sức mạnh từ các nhà đầu tư thông qua các nguồn lực tài chính, công nghệ… nhằm giúp sản phẩm nhựa Cánh kiến đỏ có thể lan rộng khắp Việt Nam cũng như vươn ra tầm thế giới.