Bộ trưởng TN&MT: Cải cách TTHC lĩnh vực đất đai là rất quan trọng

Là Bộ “trẻ” nhất trong Chính phủ, Bộ TN&MT đã có nhiều giải pháp đột phá, quyết liệt để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, trong đó, thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai được hết sức quan tâm.

Sau một năm với nhiều sự kiện đáng nhớ, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đã chia sẻ với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ những băn khoăn, trăn trở về vấn đề cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai, khai thác khoáng sản và những kế hoạch, dự định của ngành trong năm Ất Mùi.

Thưa Bộ trưởng, với cương vị là Tư lệnh của ngành quản lý 8 lĩnh vực “nóng”, được dư luận quan tâm như đất đai, khoáng sản, môi trường…, Bộ trưởng có thể cho biết những điểm nhấn của ngành TN&MT trong năm 2014? Điều gì trong quản lý, điều hành khiến Bộ trưởng trăn trở nhất trong năm vừa qua?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Tôi cho rằng, công tác quản lý Nhà nước về TN&MT trong năm qua đã có những chuyển biến rõ rệt. Hệ thống chính sách, pháp luật về TN&MT tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện và tổ chức triển khai có hiệu quả, góp phần phát huy nguồn lực TN&MT cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước theo hướng bền vững.

Bộ đã tập trung tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường; cho ý kiến dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; trình ban hành và ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2013 đúng tiến độ.

Lần đầu tiên Luật Đất đai và các nghị định hướng dẫn có hiệu lực song hành đi vào cuộc sống. Đến nay, các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) các cấp.

Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa lũ trên các lưu vực sông; tham mưu cho Chính phủ giải quyết tốt các vấn đề nóng của hợp tác sông Mekong. Chấn chỉnh công tác cấp phép hoạt động khoáng sản; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và đình chỉ nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng…

Đặc biệt, công tác cải cách hành chính đã được thực hiện hiệu quả hơn, tạo thuận lợi cho nhân dân và doanh nghiệp.

Mặc dù đạt được những kết quả, song công tác quản lý Nhà nước về TN&MT vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Điều tôi trăn trở nhất là việc quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vẫn còn là vấn đề bức xúc ở một số nơi. Bên cạnh đó, khiếu kiện về đất đai tuy có giảm, nhưng vẫn phức tạp ở nhiều địa phương. Công tác quản lý, cấp phép khoáng sản còn nhiều tồn tại, đặc biệt là khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường.

Bộ trưởng vừa đề cập đến một điểm nhấn là cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) được thực hiện hiệu quả. Vậy với riêng đất đai, lĩnh vực nhận được nhiều phản hồi nhất đã được CCTTHC như thế nào để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Đất đai tham gia vào hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nên các quy định về TTHC trong lĩnh vực này có tác động trực tiếp hoặc liên quan nhiều đến các quan hệ về kinh tế, xã hội cũng như quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.

Tôi cho rằng, CCTTHC trong lĩnh vực đất đai là rất quan trọng. Bộ đã công bố Bộ TTHC trong lĩnh vực đất đai với nhiều điểm tiến bộ.

Cụ thể, số lượng thủ tục nơi đã thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp còn 41 thủ tục, giảm 30 thủ tục so với trước đây; đối với nơi chưa thành lập văn phòng này còn 62 thủ tục, giảm 9 thủ tục. Thời gian thực hiện thủ tục giảm nhiều so với quy định trước đây.

Đặc biệt, đã giảm số bộ hồ sơ phải nộp, bỏ một số loại giấy tờ, bổ sung quy định hồ sơ thủ tục đăng ký lập dạng số với địa phương đã triển khai thực hiện đăng ký điện tử.

Điểm đổi mới rất quan trọng là luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đã bổ sung quy định giao dịch, đăng ký điện tử, làm cơ sở pháp lý thực hiện các TTHC về đất đai; quy định cụ thể việc cung cấp thông tin, luân chuyển hồ sơ giữa văn phòng đăng ký đất đai, cơ quan thuế và kho bạc trong thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất.

Mặt khác, nhằm đảm bảo thuận lợi cho nhà đầu tư tiếp cận đất, rút ngắn thời gian thực hiện dự án đầu tư, pháp luật đất đai cũng quy định theo hướng chủ yếu thực hiện cơ chế Nhà nước chủ động tạo quỹ đất sạch; quy hoạch phát triển các KCN, KKT để nhà đầu tư tham gia đấu giá quyền sử dụng đất.

Tôi đánh giá, đây là những đổi mới quan trọng nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Năm 2014, ngành TN&MT đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. (Ảnh minh họa)
Năm 2014, ngành TN&MT đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. (Ảnh minh họa)


Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang:
Có thể nói, hệ thống pháp luật về khoáng sản cơ bản đã hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý để quản lý chặt chẽ hơn, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên. Năm qua, lần đầu tiên các địa phương tính và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản, thu 5.000 tỷ đồng, góp phần tăng thu cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, con số trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về điều này, làm thế nào để thực hiện hiệu quả?


Tình trạng cấp phép khai thác khoáng sản tràn lan trước đây ở nhiều địa phương bước đầu được khắc phục. Để chấn chỉnh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản.

Nếu trước thời điểm Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực, trung bình mỗi năm có trên 800 giấy phép khai thác khoáng sản do UBND các tỉnh, thành phố cấp, thì năm 2013 chỉ còn khoảng gần 500 giấy phép cấp mới, gia hạn. Năm 2014 cũng đã giảm gần một nửa so với con số trung bình các năm trước.

Theo tôi, hoạt động khoáng sản, nhất là khai thác khoáng sản đã bắt đầu chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu.

Sau gần 4 năm thực hiện Luật Khoáng sản, với quy định chặt chẽ trong khâu cấp phép mới cũng như khi chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản; quy định về trách nhiệm nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; quy định chặt chẽ hơn về thẩm quyền cấp phép hoạt động khoáng sản của cấp tỉnh; khi cấp phép khai thác phải gắn với địa chỉ chế biến đã buộc các doanh nghiệp không có đủ năng lực về vốn, công nghệ phải “tự rút lui”. Nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng đầu tư công nghệ khai thác, chế biến sâu, thăm dò xác định trữ lượng…

Trong năm 2014, việc tính và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được triển khai đồng bộ trên cả nước.

Cụ thể đã triển khai tính và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản gần 500 khu vực cấp phép trước ngày Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực và gần 100 khu vực đề nghị cấp phép khai thác mới trong năm 2014.

Tôi cho rằng, việc các tổ chức, cá nhân nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã góp phần tăng thêm cho thu ngân sách Trung ương và địa phương trong năm 2014, đồng thời tăng trách nhiệm trong khai thác, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, loại bỏ các tổ chức, cá nhân không có năng lực về vốn, công nghệ  đề nghị cấp phép khai thác khoáng sản để trục lợi.

Hiện nay, Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chỉ thị về việc tăng cường hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản dự kiến sẽ ban hành trong quý I này.

Theo đó, nhiều giải pháp cụ thể, quyết liệt sẽ được triển khai góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về khoáng sản thời gian tới.

Bước sang năm 2015, ngành TN&MT sẽ chọn lĩnh vực nào là trọng tâm công tác, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Trong năm 2015, Bộ vẫn tiếp tục xác định nhiệm vụ trọng tâm là “Đẩy mạnh thực thi pháp luật, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong toàn ngành TN&MT”.

Đặc biệt, sẽ chú trọng việc đổi mới trong công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo.

Ngành TN&MT sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; giao đất, cho thuê đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc thực hiện nghĩa vụ tài chính; hoạt động của các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng…

Các địa phương căn cứ nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra năm 2015 của Bộ để cụ thể hóa trong quá trình xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra của địa phương mình về lĩnh vực TN&MT.

Nếu làm tốt hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, tôi tin rằng hoạt động quản lý Nhà nước về TN&MT sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn.

Chúng ta đã ban hành nhiều luật, nghị định, thông tư mới, để chủ trương chính sách, pháp luật về quản lý TN&MT đi vào cuộc sống, công tác kiểm tra, thanh tra giúp các cơ quan quản lý thấy rõ mặt mạnh, yếu để từ đó có các biện pháp tháo gỡ, giải quyết kịp thời.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!