ThienNhien.Net – Nghiên cứu tài nguyên khoáng sản ẩn sâu trong lòng đất và biển khơi là một trong những nhiệm vụ quan trọng đã được Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định là chủ trương lớn để duy trì và phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn, cũng như phục vụ cho việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của tổ quốc.
Trao đổi với phóng viên Vietnam+ nhân dịp đầu năm mới, ông Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng những kết quả thu được từ công tác nghiên cứu sẽ giúp Việt Nam giảm bớt mối lo “đói” tài nguyên trong vài thập kỷ tới.
– Được đánh giá là Viện nghiên cứu đầu ngành về địa chất và khoáng sản, ông đánh giá như thế nào về tiềm năng tài nguyên khoáng sản ở nước ta, cũng như vai trò của khoáng sản đối với yêu cầu phát triển của đất nước?
Ông Trần Tân Văn: Từ trước tới nay dư luận vẫn cho rằng Việt Nam là nước rất giàu khoáng sản, thậm chí là quốc gia có rừng vàng biển bạc. Thế nhưng, là người nghiên cứu lâu năm về địa chất, tôi cho rằng tài nguyên khoáng sản nước ta không nhiều và vì thế không thể phung phí chúng.
Là quốc gia có dân số lớn đứng thứ 13 trên thế giới, nhưng diện tích lãnh thổ nước ta lại không lớn. Khoáng sản cũng có thể là đa dạng về kiểu loại, nguồn gốc, nhưng nếu đem chia theo đầu người thì lại không nhiều, và không nên kỳ vọng khai khoáng có thể trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn hay chủ lực để phát triển kinh tế-xã hội.
Một điều cần lưu ý là đặc điểm địa chất của nước ta khá biến động với nhiều bối cảnh khác nhau. Phần lớn các kiểu loại khoáng sản có trữ lượng không nhiều, nhất là các loại khoáng sản quý, hiếm như vàng… Do đó, chúng ta cần phải khai thác khoáng sản hợp lý và hướng tới chế biến sâu.
– Với vai trò là cơ quan nghiên cứu địa chất, trong những năm qua, hoạt động “tìm kiếm, đánh giá” tài nguyên khoáng sản đã đã được Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản triển khai như thế nào, và cho đến nay đã phát hiện được những gì?
Ông Trần Tân Văn: Trong những năm qua, Viện chúng tôi đã cố gắng “đi bằng hai chân.” Trong đó, một hướng truyền thống chuyên sâu vào nghiên cứu khoáng sản, một hướng mới hơn đi vào nghiên cứu phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường và bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản địa chất (công viên địa chất).
Những hoạt động này của Viện trong những năm gần đây là khá toàn diện. Ví dụ, thời gian gần đây Viện đang triển khai hai đề án lớn của Chính phủ như: Đề án đánh giá tiềm năng tài nguyên urani của Việt Nam; Đề án điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá ở các vùng miền núi của Việt Nam.
Trong năm 2014, Chính phủ cũng đã phê duyệt thêm đề án về bảo tồn di sản địa chất, phát triển và quản lý mạng lưới công viên địa chất ở Việt Nam. Ngoài việc tập trung triển khai các đề án Chính phủ kể trên, Viện cũng đang thực hiện một số đề tài rất mới liên quan đến khí hóa than, khí đá phiến, hoặc cất giữ CO2 góp phần giảm phát thải khí nhà kính…
– Hiện nay, một trong những công việc được Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm là nghiên cứu khoáng sản ẩn sâu trong lòng đất và ở ngoài biển phục vụ cho phát triển kinh tế và xã hội của đất nước. Là đơn vị được giao phụ trách, ông đánh giá như thế nào về hoạt động này?
Ông Trần Tân Văn: Về đại thể, các loại khoáng sản lộ thiên hoặc nằm gần mặt đất do ngành địa chất Việt Nam nghiên cứu, đánh giá trong gần 70 năm qua và trước đó nữa từ thời thực dân Pháp nay đã được cấp phép khai thác gần hết. Trong khi đó, nhu cầu về nguyên liệu khoáng ngày càng tăng lên, thực tế này đòi hỏi chúng ta phải tính đến việc nghiên cứu, tìm kiếm khoáng sản dưới sâu để có kế hoạch khai thác về lâu dài.
Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định đây là chiến lược dài hơi và chúng tôi cũng nhận thức được rằng đây là một công việc vô cùng quan trọng, vì trong một tương lai ngắn sắp tới, những mỏ khoáng sản lộ thiên hoặc gần mặt đất được dự báo sẽ khai thác cạn kiệt và nước ta sẽ “đói” nguyên liệu.
Trước thực tế trên, việc nghiên cứu, đánh giá, dự báo khoáng sản ẩn sâu trong lòng đất sẽ góp phần giúp cơ quan quản lý nắm bắt được tiềm năng, triển vọng tài nguyên khoáng sản. Và để có thể khai thác được khoáng sản ẩn sâu thì việc nghiên cứu, điều tra cơ bản cần phải triển khai từ bây giờ.
Riêng với khoáng sản ở ngoài biển khơi, Chính phủ xác định đây là một chủ trương lớn, bởi lãnh hải của nước ta rộng gấp nhiều lần lãnh thổ. Việc nghiên cứu này không chỉ giúp cơ quan quản lý đánh giá được tài nguyên khoáng sản, mà còn hiểu thêm đặc điểm, sự tiến hóa địa chất của Biển Đông, cũng như nắm bắt được thông tin tài nguyên dưới đáy biển để góp phần phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và đấu tranh bảo vệ chủ quyền của tổ quốc.
– Ngoài công tác “tìm kiếm” khoáng sản ẩn sâu trong lòng đất và biển khơi, thời gian qua công tác bảo tồn di sản địa chất, phát triển và quản lý mạng lưới công viên địa chất ở Việt Nam cũng đã được Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản tập trung nghiên cứu, qua đó đã đạt được một số kết quả nhất định. Ông có thể chia sẻ những kết quả này?
Ông Trần Tân Văn: Đúng là trong khoảng hơn hai chục năm trở lại đây Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã tích cực hội nhập quốc tế, đẩy mạnh công tác điều tra, nghiên cứu địa chất các vùng đá vôi cũng như di sản địa chất với mong muốn giúp các địa phương bảo tồn và phát huy giá trị các di sản địa chất một cách, bền vững, tổng thể cùng với các giá trị di sản văn hóa, lịch sử, khảo cổ, đa dạng sinh học khác.
Năm 2009, trong khuôn khổ các đề tài khoa học và công nghệ cấp nhà nước và các dự án hợp tác quốc tế Việt Nam và Vương quốc Bỉ, Viện đã giúp UBND tỉnh Hà Giang thành lập Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn, giúp xây dựng hồ sơ giúp khu vực này được công nhận năm 2010, và tái công nhận năm 2014, là Công viên Địa chất Toàn cầu của UNESCO.
Trên cơ sở đó, năm 2014 Chính phủ đã phê duyệt đề án bảo tồn di sản địa chất, phát triển và quản lý mạng lưới công viên địa chất ở Việt Nam kể trên, mục tiêu đến năm 2020 sẽ có khoảng 5-7 công viên địa chất nữa sẽ được thành lập và công nhận.
Cũng theo hướng đi đó, từ cuối năm 2011 đến nay Viện đã chủ trì, phối hợp với một số tổ chức, cá nhân và trong nước và quốc tế, giúp Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình xây dựng và bảo vệ hồ sơ Quần thể Danh thắng Tràng An là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới của UNESCO./.
– Xin chân thành cảm ơn ông!