Theo Viện Khoa học quốc gia Mỹ, đã đến lúc các nhà khoa học phải nghiên cứu kỹ lưỡng tính khả thi và mức độ rủi ro của các biện pháp kỹ thuật trước tình trạng khí hậu biến đổi quá nhanh chóng.
Trong hai báo cáo của Mỹ mới công bố tuần này, các nhà khoa học cho rằng, các trung tâm nghiên cứu nên phối hợp với nhau để tìm ra nhiều biện pháp nhằm điều hòa khí hậu.
Còn ở Anh, sau khi dành 18 tháng nghiên cứu, nhóm chuyên gia gồm 16 thành viên đã đưa ra một báo cáo, trong đó kêu gọi các chính phủ khẩn cấp xem xét các biện pháp can thiệp khí hậu.
Viện Khoa học quốc gia Mỹ vừa đề nghị giới chuyên môn phải nghiên cứu tính khả thi của các biện pháp kỹ thuật. Còn tỷ phú Bill Gates cho rằng, kỹ thuật luôn có tiềm năng to lớn và ông đã tài trợ cho dự án nghiên cứu về việc ứng dụng công nghệ để ứng phó với biến đổi khí hậu của Đại học Harvard. Có quan điểm giống như Bill Gates, nhiều người đánh giá ứng dụng kỹ thuật sẽ đem lại hiệu quả cao nhất và ít nguy hiểm nhất.
Chung quanh các biện pháp như: công nghệ địa cầu, hút khí thải các-bon đi-ô-xít ra khỏi khí quyển, sửa đổi suất phản chiếu, vẫn tồn tại rất nhiều tranh cãi. Hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh tính khả thi của chúng.
Nhiều chuyên gia không tán thành việc sử dụng biện pháp công nghệ địa cầu (geoengineering), tức là dùng công nghệ để trực tiếp cải tạo thực trạng của Trái đất cho phù hợp với sự sống của con người, vì họ cho rằng nó quá mạo hiểm. Trong báo cáo của nhóm chuyên gia của Anh, biện pháp này đã bị loại bỏ.
Bà Marcia McNutt, Cựu Giám đốc Trung tâm nghiên cứu địa chất Mỹ quan ngại rằng, việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật như sửa đổi suất phản chiếu (tức là bơm sun-phua đi-ô-xít để tăng số lượng các hạt phản xạ trong khí quyển và tăng lượng ánh sáng phản xạ trở lại không gian) có thể châm ngòi xung đột giữa các quốc gia có khí hậu khác nhau.