ThienNhien.Net – Người kiểm lâm coi rừng như nhà của mình. Chúng tôi rất vui khi thấy rừng ngày một thêm xanh, thấy những chính sách khuyến khích, đầu tư phát triển vốn rừng của Đảng, Nhà nước. Mỗi khi thấy rừng bị tàn phá, chúng tôi cũng đau như một phần tài sản của mình đang bị mất đi”.
Đó là tâm sự của ông Phạm Ngọc Cừ – Bí thư Đảng ủy, Phó Chi cục trưởng chi cục Kiểm lâm Sơn La, khi trao đổi với phóng viên Dân Việt về nhiệm vụ bảo vệ rừng mà Nhà nước giao phó.
Có đến thì mới hiểu…
Là tỉnh có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhất miền Tây Bắc (hơn 900.000ha), trong đó có hơn 600.000ha đất rừng, đó là lợi thế của Sơn La. Nhưng lợi thế ấy đến hôm nay vẫn chỉ là “lợi thế tiềm năng”, chứ nếu nhìn ở góc độ rừng với bát cơm manh áo hàng ngày của nông dân thì còn nhiều việc phải bàn. Nói cách khác, người nông dân Sơn La gặp khó khăn trong sự mưu sinh chính bởi từ lợi thế đất rừng ấy vì vùng sơn cước hơn 1 triệu dân này có diện tích đất sản xuất khá chật hẹp.
Trong khi có những bản “không hề có lấy mét vuông đất sản xuất nào, nhưng nếu đụng đến đất rừng là vi phạm pháp luật, đi tù như chơi, nên chúng tôi chỉ biết đi làm thuê, làm mướn để kiếm sống qua ngày” –ông Hà Văn Hợp, dân bản Tường Cơi, xã Mường Cơi, huyện Phù Yên, Sơn La chia sẻ.
Với nhiều nông dân khác, tuy đất sản xuất không phải là quá cấp thiết nhưng với nhu cầu phát triển của cuộc sống, diện tích đất sản xuất hiện có cũng chỉ đủ để họ duy trì mức sống khỏi đói. Anh Giàng A Nua, dân bản Săn Cài, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ bảo: Nếu mỗi hộ khoảng 5-6 nhân khẩu mà có 1-2ha đất nương, không có vốn và kiến thức để làm kinh tế trang trại, thì làm tốt cũng chỉ khỏi đói. Dân ở đây hầu hết đều lao động nông nghiệp thuần túy nên chỉ biết trồng cây ngô, sắn, dong rềng thôi. Vì thế muốn khá lên, mỗ hộ phải có từ 3-5ha đất nương…”
Khát vọng có nhiều đất sản xuất luôn đặt ra thách thức với những người kiểm lâm và thật sự không dễ giải quyết bởi sự xâm lấn đất rừng ấy diễn ra một cách lẻ tẻ với số lượng nhỏ, rất khó kiểm soát. Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Mộc Châu – anh Đào Mạnh Phong từng tâm sự: Tôi không sợ lâm tặc cầm cưa bằng nông dân lấn rừng bằng dao, cuốc. Bởi một lẽ đơn giản: Phát hiện và xử lý lâm tặc dễ hơn, được sự ủng hộ của người dân cao hơn, hiệu quả xử lý cũng nhanh hơn…”.
Tại huyện Mai Sơn, khi nói về việc xử lý người dân vi phạm đất rừng, ông Nguyễn Văn Kỳ – Hạt trưởng kiểm lâm cho biết: Trong những năm qua chúng tôi đã xử lý rất nhiều vụ vi phạm đất rừng nhưng việc thu hồi tiền phạt thì vướng lắm bơi dân nghèo, lấy gì mà thu, lấy gì mà cưỡng chế…
Không chỉ chuyện dân phá rừng làm nương, những hành vi đe dọa đến rừng ở Sơn La rất đa dạng và phức tạp: Khai thác, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán lâm sản, động vật rừng trái phép, săn bắn trộm; thách thức, trực tiếp hoặc gián tieps đe dọa, chống lại kiểm lâm vẫn thường xuyên xảy ra. Rồi đến mưa bão, gió Lào nắng nóng, cháy rừng do đốt nương… Bởi thế, việc canh giữ an toàn những cánh rừng ở Sơn La là gánh nặng không nhỏ với lực lượng kiểm lâm trong điều kiện thiếu cả về con người và phương tiện, trang thiết bị.
Không để nông dân thành tiều phu
Vượt lên những khó khăn đó, lực lượng kiểm lâm Sơn La không chỉ gắng sức bảo vệ rừng mà còn tích cực nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo ngành và địa phương để có những cơ chế, chính sách thiết thực giúp nông dân vượt khó.
Ông Sòi Ngọc Dũng – Chi cục trưởng kiểm lâm Sơn La cho biết: Với trong ngành, để khắc phục tình trạng thiếu biên chế, thiếu phương tiện, chúng tôi áp dụng biện pháp động viên, khích lệ đi kèm với tuyên truyền, hướng dẫn và kiểm tra đánh giá năng lực cán bộ, kiểm lâm viên một cách nghiêm túc. Từ đó tạo ra động lực cho toàn thể anh em vươn lên. Với hơn 64.000 chủ rừng, hàu hết là nông dân thì chúng tôi cũng nghiên cứu để đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho họ. Chúng tôi hiểu gánh nặng mưu sinh của nông dân và trách nhiệm của mình. Vì vậy, đi đôi với tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử phạt thì chúng tôi cũng đã có nhiều đề xuất với cấp trên gỡ khó cho nông dân: Thực hiện cấp gạo hỗ trợ trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng, thực hiện nghiêm việc chi trả phí dịch vụ môi trường rừng, thực hiện trồng rừng kinh tế, rừng sản xuất.
Ông Đào Mạnh Phong – Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Mộc Châu
Tôi không sợ lâm tặc cầm cưa bằng nông dân lấn rừng bằng dao, cuốc. Bởi một lẽ đơn giản: Phát hiện và xử lý lâm tặc dễ hơn, được sự ủng hộ của người dân cao hơn, hiệu quả xử lý cũng nhanh hơn… |
Nói về việc trồng và bảo vệ rừng, ông Phạm Văn Hợi – Chủ tịch UBND xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu cho biết: Đến nay, hầu hết các cán bộ xã, bản và người dân trong xã đều đã ý thức được rừng là của mình, mình là chủ rừng. Vì thế trong 2 năm vừa qua, người dân trong xã chúng tôi đã tham gia trả lại những diện tích đất rừng bị xâm chiếm làm nương và đóng góp công sức trồng mới hàng trăm ha rừng.
Việc trồng rừng này theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng trồng, nhà nước hỗ trợ cây giống, đo đạc, thiết kế và hướng dẫn kỹ thuật. Dân chúng tôi lấy đất nương của mình, bỏ công ra trồng và chăm sóc. Khi cây cho thu gỗ, chúng tôi có quyền thu hoạch và bán những sản phẩm này dưới sự cho phép và hướng dẫn của kiểm lâm.
Việc làm này giúp nông dân chúng tôi không mắc nợ với rừng, giúp tăng độ che phủ của rừng và mang lại cho nông dân trồng rừng lợi ích chính đáng, có nguồn thu cụ thể với số lượng lớn. Khi rừng là của dân thì dân cũng không còn phải nhăm nhe chặt trộm cây gỗ, kiếm mấy cành củi như xưa nữa.
Chỉ vài ba năm nữa, nhà ai muốn làm cả cái nhà gỗ to cũng không còn phải lo tiền trăm, tiền tỷ đi mua gỗ lậu. Khi ấy gỗ, củi đều lấy từ rừng của nhà mình. Dân khai thác lâm sản trên rừng với tư cách chủ rừng chứ không phải tiều phu, lâm tặc. Vì thế nhiều hộ trồng hét diện tích đã đăng ký, lại xin cây giống trồng tiếp làm công ty cung ứng cây giống “cháy cả giáo án” đấy.