ThienNhien.Net – Thời gian qua, việc nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã và đang phát triển mạnh mẽ với số lượng lồng được nuôi tăng theo từng năm. Việc nuôi cá lồng đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của các xã ven hồ thủy điện Hòa Bình; giải quyết việc làm và cải thiện đời sống của người nuôi thủy sản.
Chi cục trưởng Thủy sản tỉnh Hòa Bình Hoàng Văn Son cho biết, nghề nuôi cá lồng bè trên hồ thủy điện đã phát triển mạnh từ trước năm 1995, sau đó giảm dần do cá thường bị dịch bệnh. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, do nguồn lợi thủy sản trong hồ giảm sút mạnh cho nên việc chuyển đổi từ khai thác sang nuôi trồng thủy sản đã làm tăng nhanh về số lượng lồng nuôi và sản lượng cá nuôi. Qua đó đã khai thác hợp lý tiềm năng diện tích mặt nước phục vụ nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, cư dân ven hồ chuyển sang sản xuất thủy sản có hiệu quả hơn. Ðồng thời, nhiều hoạt động dịch vụ nuôi trồng thủy sản ra đời như dịch vụ giống, tiêu thụ sản phẩm, thức ăn đã tạo thêm nhiều việc làm cho người dân.
Qua thống kê, hiện nay số lồng cá được nuôi trên địa bàn tỉnh khoảng 1.700 lồng với sản lượng cá đạt 1.600 tấn/năm, mang lại thu nhập trung bình hơn 100 triệu đồng/hộ/năm. Nghề nuôi cá lồng trên sông đang có xu hướng phát triển vì các hộ nuôi đã áp dụng công nghệ nuôi mới, thường xuyên sử dụng các biện pháp phòng trị bệnh tổng hợp trong quá trình nuôi cho nên cá lớn nhanh, dễ thu hoạch, giá bán cao, tạo được sản lượng hàng hóa tập trung. Có thể nói, nghề nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh đang phát triển nhanh và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của các xã ven hồ; giải quyết việc làm và cải thiện đời sống của người nuôi thủy sản.
Mặc dù vậy, nghề nuôi cá lồng tại tỉnh Hòa Bình vẫn chủ yếu tập trung ở gia đình các xã ven hồ và được nuôi theo hình thức quảng canh hoặc bán thâm canh với những loài cá truyền thống có giá trị kinh tế cao như cá trắm cỏ, trê lai, chim trắng, rô-phi đơn tính…
Gần đây, có một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã đầu tư để xây dựng hệ thống lồng bè nuôi tiên tiến, nuôi chủ yếu theo hình thức thâm canh và bán thâm canh một số loài cá đặc sản như cá trắm đen, bống, ngạnh, chiên, lăng chấm, tầm… Ðiển hình như Công ty TNHH Cường Thịnh tại xã Thái Thịnh có số lượng 20 lồng; HTX Thống Nhất tại xã Thái Thịnh 36 lồng; HTX dịch vụ sản xuất kinh doanh nông, lâm nghiệp Hiền Lương tại xã Hiền Lương, huyện Ðà Bắc có số lượng 120 lồng; tổ hợp tác xóm Bãi Sang, xã Phúc Sạn, huyện Mai Châu với số lượng 40 lồng. Ðặc biệt, Công ty TNHH một thành viên Minh Tín, xã Thung Nai, huyện Cao Phong có số lượng 170 lồng, trong đó 130 lồng đang nuôi và 40 lồng mới đóng, thể tích lồng đạt khoảng 100 m3. Ðối tượng nuôi gồm cá chép, trắm đen, lăng nha, lăng vàng, điêu hồng; sản lượng mỗi năm đạt 300 tấn.
Ðiều đáng nói, đây là cơ sở nuôi có hệ thống bè áp dụng công nghệ cao, được lắp ráp và hạ thủy từ năm 2012, có quy trình sản xuất khép kín từ khâu ương nuôi giống đến nuôi thương phẩm, sản phẩm sản xuất ra đạt chất lượng cao. Các sản phẩm ở đây chủ yếu cung cấp cho thị trường Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Anh Phạm Minh Tuấn, nhân viên Công ty cho biết: “Công ty bắt đầu nuôi cá lồng từ năm 2012 với 170 lồng cá, chủ yếu là các giống lăng vàng, trắm đen, điêu hồng. Chúng tôi tận dụng những tiềm năng sẵn có của vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình để nuôi cá cho nên rất thuận lợi. Mỗi lồng cho thu hoạch từ ba đến bốn tấn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/lồng. Nhất là, chúng tôi tận dụng các loại cá nhỏ trong tự nhiên làm nguồn thức ăn cho cá nuôi, giữ gìn môi trường nước, vệ sinh lồng bè sạch sẽ để bảo đảm năng suất cao cũng như chất lượng của sản phẩm”.
Mặc dù số lượng lồng cá trên địa bàn tỉnh Hòa Bình tăng theo các năm, nhưng sản lượng chưa ổn định. Nguyên nhân do vào đầu mùa mưa lượng mùn bã hữu cơ và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật bị rửa trôi, chảy xuống làm nước đục môi trường biến động nhanh, cá không thích ứng kịp, dễ bị nhiễm bệnh làm nhiều lồng nuôi cá bị chết dẫn đến việc số lượng lồng nuôi và sản lượng bị giảm. Hơn nữa, nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh vẫn ở trình độ phát triển thấp, phần lớn mới đạt mức quảng canh, một tỷ lệ nhỏ mới đạt mức bán thâm canh. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, mang nặng tính tự phát, chưa tập trung thành những vùng có quy mô lớn cho nên năng lực sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều hạn chế. Ngoài ra, việc chuyển giao khoa học kỹ thuật còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất và trang thiết bị còn thiếu, không đáp ứng được yêu cầu ứng dụng những công nghệ cao, công nghệ tiên tiến. Một số cơ chế chính sách chưa đáp ứng kịp thời với điều kiện thực tiễn; sự liên kết giữa nông dân với nông dân và doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh còn hạn chế, rời rạc, thiếu bền vững; diện tích nuôi thủy sản các vùng nuôi hiện nay phát triển chưa tuân thủ theo quy hoạch; khả năng tích lũy vốn khó khăn cho nên người dân không có tiền để đầu tư cơ sở hạ tầng, mua trang thiết bị, con giống, thức ăn. Vì vậy việc áp dụng công nghệ nuôi không được đồng bộ, khả năng rủi ro cao, dẫn đến phát triển thủy sản thiếu tính ổn định và không bền vững.
Trong thời gian tới, tỉnh Hòa Bình phấn đấu phát triển thủy sản theo hướng bền vững, trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới nhằm đa dạng sản phẩm; tăng năng suất trên đơn vị diện tích, tăng giá trị thu nhập; duy trì và mở rộng hình thức nuôi, khai thác tạo việc làm thu hút lao động. Phát triển hợp lý nghề nuôi cá lồng trong các thủy vực lớn, đặc biệt là trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình; tăng cường công tác dự báo phòng ngừa dịch bệnh cho thủy sản trong quá trình sản xuất. Ðồng thời, phát huy thế mạnh tiềm năng mặt nước nuôi trồng thủy sản; tập trung đầu tư để ngành thủy sản phát triển tương xứng, cân đối trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp; tổ chức chuyển những diện tích sản xuất khác kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản tạo sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao; phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng hóa giống loài, hình thức nuôi để đáp ứng nhu cầu thị trường và tránh rủi ro do thiên tai và dịch bệnh; tận dụng một số vùng phù hợp để nuôi thủy đặc sản như cá lăng, chiên, bống và cá nước lạnh.