ThienNhien.Net – Việc bảo vệ tài nguyên nước đang đặt ra câu hỏi: Tại sao nguy cơ ô nhiễm nặng bởi nước thải, rác thải sinh hoạt và các khu công nghiệp đang đẩy nguồn tài nguyên quý giá này tới nguy cơ ô nhiễm nặng nề mà ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng còn nửa vời?
Xả thẳng ra môi trường
Khu đô thị Ciputra (quận Tây Hồ, Hà Nội) được xem là khu đô thị kiểu mẫu xuất hiện sớm tại Hà Nội đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có nơi xử lý nước thải dù trong quy hoạch được phê duyệt có. Nhiều khu đô thị khác ở Hà Nội như Trung Hòa – Nhân Chính (Thanh Xuân), Linh Đàm (Hoàng Mai)… cũng vậy. Toàn bộ nước thải khu đô thị đều xả thẳng ra môi trường không qua xử lý.
Có lý do là mức phạt cao nhất các khu đô thị xả thẳng nước thải ra môi trường, như Khu đô thị Mỹ Đình – Mễ Trì, Khu đô thị Văn Khê, Khu đô thị Yên Hòa…, cũng chỉ 50 triệu đồng, nên mọi chuyện phạt xong đâu lại vào đấy. Nhưng nước ngầm hay nước mặt nhiễm độc đều ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người dân. Trong khi chủ đầu tư không chịu “bỏ tiền túi” để đầu tư một công trình không đem lại lợi nhuận thì vẫn chưa có chế tài xử phạt họ làm đúng cam kết.
Trên 150 khu đô thị mới, hàng nghìn chung cư cao tầng ở Hà Nội nhưng chưa có thống kê bao nhiêu khu xả thẳng vào hệ thống thoát nước chung của thành phố. Nước thải như vậy, tất yếu ảnh hưởng tới nước ngầm nhiễm độc, thậm chí cả nước cấp tới các hộ dân cũng nhiễm độc. Một minh chứng cụ thể khi trong năm 2014, các kết quả phân tích cho thấy hầu hết giếng khoan có phép hoặc không phép ở Hà Nội đều có amoni, đặc biệt là các giếng khoan do người dân tự thuê làm tại địa bàn quận Hoàng Mai, Gia Lâm, Hai Bà Trưng. Gần một vạn dân tại Khu đô thị Mỹ Đình 2 giữa năm 2014 hết sức hoang mang khi được biết nguồn nước sinh hoạt hàng ngày của họ nhiều năm qua có hàm lượng asen cao gấp nhiều lần cho phép.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến chỉ đạo về việc phê duyệt đề án Quy hoạch tài nguyên nước các lưu vực sông liên tỉnh. Phó Thủ tướng giao Bộ TN&MT tập trung tổ chức thực hiện việc rà soát, điều tra cơ bản tài nguyên nước của cả nước, hướng dẫn các địa phương thực hiện điều tra cơ bản về tài nguyên nước trên phạm vi địa bàn. Lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước chung của cả nước theo đúng quy định của Luật Tài nguyên nước. |
Nước sông cũng bốc mùi
Tình trạng ô nhiễm và suy thoái nước ngầm phổ biến ở các khu đô thị rất đáng báo động khi 35 – 40% lượng nước sinh hoạt của người dân Hà Nội từ nguồn nước ngầm. Nhưng ngay ở Kon Tum thì nước mặt ở dòng sông Pôkô từ đầu tuần tới ngày 10-2, vừa đục ngầu vừa bốc mùi hôi nồng nặc do ô nhiễm nặng, đang khiến người dân vô cùng hoang mang lo lắng nhất là khi ngày Tết tới rất gần.
Người dân ở xã Tân Cảnh, huyện Đắc Tô, tỉnh Kon Tum cho hay nước sông Pô Kô cuốn theo rác thải từ củ sắn, bám chặt vào đầu hút máy bơm tưới của bà con, do 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn phía thượng lưu ở các huyện Ngọc Hồi và Đắc Glei gây ra.
Ít ai nghĩ rằng hàng ngày hàng giờ chính các cư dân – công nhân ở những nhà máy, những khu công nghiệp ven sông đã đẩy nguồn nước, sự sống còn của họ – đi vào cõi chết.
Xử phạt vi phạm môi trường rất khó vì cần bắt quả tang mới lập biên bản xử phạt được. Trong khi đó hệ thống giám sát của cơ quan nhà nước còn hạn chế, cả về trang thiết bị và nhân lực. Ngay như mức phạt hiện tại tối đa 2 tỷ đồng với doanh nghiệp, 1 tỷ với cá nhân theo Nghị định 117 của Chính phủ vẫn chưa đủ sức răn đe. Nên số vụ việc bị phát hiện và xử lý không tương xứng với tình trạng ô nhiễm, cũng không khắc phục được bao nhiêu.
Hy vọng Luật Kiểm soát ô nhiễm nước
Để khắc tình trạng ô nhiễm nước nghiêm trọng, hôm 9-2 tại Hà Nội, Liên minh nước sạch tổ chức Hội thảo chuyên gia thảo luận xây dựng hồ sơ đề xuất “Luật Kiểm soát ô nhiễm nước”. Bộ TN&MT, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT cùng nhiều chuyên gia kiểm soát ô nhiễm nước tham dự.
Nhiều đại biểu tán thành đề xuất xây dựng Luật này hướng tới bảo vệ nguồn nước sạch theo quy trình: Nguồn nước sạch – sử dụng nước – kiểm soát nước thải, các nguồn chất thải gây ô nhiễm nước – kiểm soát sự cố gây ô nhiễm nước – bồi thường ô nhiễm nước – làm sạch nước, để lại có nguồn nước sạch đáp ứng mục tiêu. Nguồn nước được khôi phục chính là nền tảng sinh thái quan trọng bậc nhất cho đời sống sản xuất, dịch vụ…, khắc phục xung đột lợi ích trên nhiều dòng sông.
Để không uống nước oán nguồn, Luật cần quy định cụ thể trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, sự tham gia của cộng đồng, trường đại học với quy trình tiếp cận từ dưới lên, tức từ đối tượng quản lý – địa phương, cộng đồng, trường đại học tới cấp trung ương. Đề cao ý thức cộng đồng kiểm soát, bảo vệ môi trường nguồn nước.
Các đại biểu cũng chỉ ra thực trạng nguồn nước bị ô nhiễm hiện nay có nguy cơ không kiểm soát được, là do còn những bất cập trong văn bản luật pháp về nguồn nước và kiểm soát ô nhiễm nước. Vì thế Liên minh nước sạch đề xuất Luật trình Tổng cục Môi trường với hy vọng Quốc hội sẽ thông qua trong kỳ họp tới.