ThienNhien.Net – Hàng trăm người ở huyện miền núi Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa đổ xô đi tìm đá quý nhưng cơ hội mong manh trong khi mạng sống luôn bị đe dọa
Ngày 8-2, tại vùng núi Tỷ, xã Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, xảy ra một vụ sập hầm khai thác đá trái phép khiến 3 người bị vùi chết là anh Cầm Bá Tài (SN 1989), Cầm Bá Huế (SN 1988) và Cầm Bá Thu (SN 1995). Trong ngày 9-2, lực lượng chức năng đã khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và bàn giao xác nạn nhân về cho gia đình lo hậu sự. Nguyên nhân 3 thanh niên trên tử vong bước đầu được xác định do sập hầm khai thác đá. Hầm này được những người khai thác trước bỏ lại, khi nhóm thanh niên này vào đào lại thì gặp sự cố.
Nguy hiểm tính mạng
Trong 5 năm trở lại đây, tại khu vực rừng sau giáp ranh giữa tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa rộ lên tình trạng khai thác đá quý (đá thạch anh, đá xanh…) trái phép. Có thời điểm, ở khu vực núi Tỷ có cả trăm người vào xới tung rừng già để tìm đá quý. Trong số đó cũng có người tìm được đá quý bán với giá hàng tỉ đồng càng thu hút nhiều người đến tìm cơ hội đổi đời. Việc khai thác đá “chui” không chỉ nguy hiểm đến tính mạng mà còn dẫn tới một hệ lụy không nhỏ khi nhiều cánh rừng già bị xới tung.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những người đi đào đá quý thường quần thảo trong rừng cả tuần, thậm chí cả tháng. Khi tìm được những địa điểm nghi có đá quý, họ sẽ dựng lán trại và bắt đầu cuộc hành trình tìm vận may.
Trong một lần theo chân nhóm người đi đào đá quý, chúng tôi mất nhiều giờ liền để băng qua những con suối, cánh rừng cao chót vót mới tới được “đại bản doanh” của “đá tặc”. Tại đây, nhiều người chui vào tận trong hang tối hì hục đào mà không có bất kỳ phương tiện bảo hộ nào. Anh Vi Văn Xinh, người có thâm niên nhiều năm đào tìm đá quý, cho biết: “Không có công ăn việc làm nên chúng tôi mới kéo nhau vào đây tìm đá quý, may mắn thì cũng có ăn”.
Cũng theo anh Xinh, hiện nhóm của anh đang chuyển dần địa bàn sang khu vực huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, nơi giáp ranh với khu vực đồi núi Tỷ. “Khu vực bên Xuân Lẹ giờ không có đá xanh mà chủ yếu là đá thạch anh, giá bán không cao” – anh Xinh cho hay.
Rất khó dẹp “đá tặc”
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 9-2, ông Vi Nguyên Huynh, Phó chánh Văn phòng UBND huyện Thường Xuân, cho biết ngay sau khi xảy ra vụ sập hầm đá, UBND huyện đã cử người tới thăm hỏi những gia đình có người tử nạn và bước đầu hỗ trợ 2 triệu đồng và 50 kg gạo/gia đình. “Những gia đình này toàn là hộ khó khăn trong xã, 3 thanh niên tử vong chưa có gia đình, trong đó có người mới tròn 20 tuổi” – ông Huynh nói.
Cũng theo ông Huynh, tình trạng khai thác đá xuất hiện ở Thường Xuân khoảng vài năm trở lại đây và rất khó dẹp bỏ. “Khu vực rừng núi rộng mênh mông, có nhiều cửa rừng, địa hình hiểm trở nên khó kiểm soát. Huyện cũng đã tổ chức tuyên truyền xuống tận thôn bản để vận động, răn đe người dân không vào rừng khai thác đá nhưng họ cứ đi lén lút” – ông Huynh giãi bày.
Theo một lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Thường Xuân, chấm dứt được tình trạng khai thác đá xanh tại khu vực trên là rất khó do lực lượng kiểm lâm quá mỏng. “Lợi nhuận của loại đá này rất cao, nhiều người không có công ăn việc làm nên rủ nhau vào rừng tìm vận may. Việc bắt, xử lý cũng khó vì thấy lực lượng chức năng là họ bỏ trốn vào rừng sâu” – vị này cho hay.
Dẹp “vàng tặc” bằng thuốc trừ sâu
Trong năm 2013, tại các thôn Cụt Ặc, Tú Tạo của xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân cũng nóng lên tình trạng khai thác vàng trái phép. Chính quyền địa phương đã nhiều lần ra quân truy quét nhưng tình trạng trên vẫn tái diễn. Hết cách, chính quyền xã phải mua thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ đổ vào các hang khai thác vàng. Đến nay, tình trạng khai thác vàng ở đây đã lắng xuống. |