ThienNhien.Net – Khai thác khoáng sản đóng góp nguồn thu lớn cho phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, thực trạng khai thác khoáng sản hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội chưa phát huy hiệu quả, nhiều nơi, tài nguyên bị thất thoát do buông lỏng công tác quản lý.
Thất thoát tài nguyên
Kết quả kiểm tra 14 đơn vị khai thác khoáng sản của Sở Tài nguyên – Môi trường cho thấy, trong số 6 doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động khai thác khoáng sản, chỉ có 1 đơn vị khai thác cát san lấp bãi nổi sông Hồng tại xã Chu Phan (Mê Linh) đang hoạt động, 5 đơn vị (gồm Công ty cổ phần Xây dựng và sản xuất thương mại Hà Tây, Công ty TNHH Bình Minh, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng Vinaconex 34, Công ty TNHH Đầu tư khai thác khoáng sản Sotraco và Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng – Khai thác mỏ tại huyện Quốc Oai) đã ngừng hoạt động do gặp khó khăn.
Các doanh nghiệp còn lại, vì nhiều lý do khác nhau, chưa tuân thủ các quy định về khai thác khoáng sản, đơn cử: Công ty cổ phần Khoáng sản và cơ khí, khai thác than bùn tại xã Thượng Lâm (Mỹ Đức); Công ty cổ phần Puzơlan Sơn Tây, khai thác puzơlan tại xã Thanh Mỹ (Sơn Tây); doanh nghiệp tư nhân Hồng Giang, khai thác cát bãi nổi sông Hồng tại xã Liên Hồng (Đan Phượng) chưa hoàn thiện thủ tục về đất đai để được giao mặt bằng triển khai dự án. Trong 3 đơn vị này, doanh nghiệp tư nhân Hồng Giang đang hoạt động khai thác cát san lấp nhưng chưa được thuê đất theo quy định. Bên cạnh đó, hai đơn vị khác là Công ty liên doanh Sungei Way Hà Tây, khai thác đá tại xã Thạch Hòa (Quốc Oai) và Công ty TNHH Tập đoàn Nam Cường, khai thác mỏ cát ở bãi nổi sông Hồng tại xã Vân Nam và Vân Hà (Phúc Thọ) đã chuyển quyền khai thác khoáng sản nhưng chưa hoàn thiện thủ tục để được cấp phép. Đối với trường hợp Công ty TNHH MTV Hồng Hà – được phép khai thác cát san lấp trên diện tích 31ha bãi nổi sông Hồng, thuộc xã Trung Châu và Thọ An (Đan Phượng) – kể từ năm 2012 trở lại đây đã chấm dứt hoạt động. Thực tế trữ lượng cát trên mỏ đã hết song đơn vị vẫn chưa trả lại mặt bằng mỏ cho địa phương quản lý và đưa đất vào sử dụng cho mục đích nông nghiệp.
Gần đây, Sở NN&PTNT Hà Nội đã kiểm tra 17 vị trí khai thác cát dọc bãi sông và trong phạm vi bảo vệ đê điều trên địa bàn thành phố, trong đó, chỉ có 7 vị trí có phép khai thác với diện tích 415ha. Tại các huyện Thanh Trì, Thường Tín và quận Hoàng Mai, có 4 vị trí thuộc tuyến đê hữu Hồng đã hết phép nhưng vẫn diễn ra hoạt động khai thác. Theo Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội, tình trạng lén lút hút cát trái phép ở lòng sông vẫn diễn ra trên các tuyến sông, thuộc các huyện Gia Lâm, Thường Tín, Phú Xuyên, Phúc Thọ và thị xã Sơn Tây, làm cho nguồn tài nguyên khoáng sản đang bị thất thoát…
Buông lỏng quản lý kéo dài
Sở dĩ xảy ra tình trạng nêu trên, ngoài nguyên nhân khách quan do sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, một số đơn vị, cá nhân chưa nhận thức đầy đủ về Luật Khoáng sản hoặc vì lợi ích cá nhân mà có hành vi khai thác khoáng sản bất hợp pháp, nhất là hoạt động khai thác cát trái phép, sai phép, không phép, dẫn đến nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, ngân sách nhà nước bị thất thu. Tuy vậy, công tác quản lý khoáng sản, đất đai tại các địa phương lại bị buông lỏng kéo dài và việc xử lý thiếu kiên quyết.
Nhằm chấn chỉnh hoạt động khai thác, cũng như công tác quản lý, TP Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan siết chặt hoạt động quản lý và xử lý vi phạm; thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về đất đai, khoáng sản, môi trường, thuế và thủ tục về chuyển quyền khai thác khoáng sản đối với một số doanh nghiệp, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Cụ thể, Cục Thuế Hà Nội kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế tài nguyên, phí môi trường, tiền thuê đất của các đơn vị… UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn, yêu cầu các đơn vị đang có giấp phép khai thác chấp hành quy định của pháp luật; đồng thời, phát hiện và xử lý kịp thời hành vi khai thác khoáng sản trái phép và bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn.