ThienNhien.Net – Hai tháng gần đây, PV Báo NTNN đã liên tục điều tra tình trạng khai thác gỗ trai, gỗ nghiến… trái phép tại các huyện Thông Nông (Cao Bằng), Vị Xuyên (Hà Giang)… để bán sang Trung Quốc, một phần được tiêu thụ trong nước dưới hình thức làm thớt, nhà sàn. Điều đáng nói là, tình trạng này có sự tiếp tay của một bộ phận lãnh đạo, kiểm lâm địa phương.
Phóng viên NTNN đã phỏng vấn ông Hà Công Tuấn – Thứ trưởng Bộ NNPTNT kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp về vấn đề này.
Đâu đó vẫn có những cán bộ hư hỏng
Từ cuối năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định tạm dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên. Tuy nhiên, theo điều tra riêng của NTNN, tình trạng khai thác gỗ trái phép vẫn xảy ra ở một số nơi. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
– Việc khai thác gỗ rừng tự nhiên, theo quyết định của Thủ tướng, đến thời điểm hiện nay có thể khẳng định là được thực hiện rất tốt. Hiện nay chúng ta thấy ở một số địa phương vẫn tiếp tục khai thác, nhưng đó không phải là khai thác mới, mà là khai thác tận thu, khai thác gỗ ở các dự án…
Một hình thức khai thác nữa là do lâm tặc khai thác trộm. Tình trạng này vẫn xảy ra, tuy nhiên đã giảm 11% số vụ vi phạm so với trước đây và mức độ nghiêm trọng có thể nói đã giảm hơn trước rất nhiều.
Như NTNN đã phản ánh, tại các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn… rừng đặc dụng, rừng bảo tồn cũng đang bị lâm tặc ngang nhiên khai thác trái phép các loại gỗ quý như trai, nghiến… Phải chăng công tác quản lý rừng còn lỏng lẻo, thưa ông?
– Việc khai thác rừng trái phép là một câu chuyện rất dài, không thể giải quyết ngày một, ngày hai và để giải quyết tình trạng này, không chỉ ngành kiểm lâm, lâm nghiệp mà tất cả các ngành chức năng phải vào cuộc tìm ra cái gốc của vấn đề. Từ đó đấu tranh, tuyên truyền cho người dân hiểu và nghiêm khắc xử lý theo quy định của pháp luật đối với những đối tượng cố tình vi phạm.
Tuy nhiên, vẫn phải khẳng định công tác quản lý, bảo vệ rừng những năm gần đây đã có nhiều cải thiện. Điều này thể hiện ở chỗ số vụ vi phạm, diện tích rừng thiệt hại đã giảm đáng kể (khoảng 10, 11%).
Tình trạng phá rừng hàng loạt như “đại công trường” cách đây 5 – 7 năm không còn nữa. Tuy nhiên, tình hình vẫn còn rất phức tạp, do đó nhà nước, các ngành chức năng vẫn phải tăng cường siết chặt kỷ cương. Nhìn nhận một cách khách quan, những năm gần đây, việc quản lý, bảo vệ, xử lý các vụ vi phạm của chính quyền địa phương đã tiến bộ hơn rất nhiều.
Điều đáng nói, trong những vụ phá rừng vừa qua, lại có sự tiếp tay của cán bộ kiểm lâm, chính quyền địa phương. Nếu có tình trạng này, ông sẽ xử lý thế nào?
– Ở đâu đó vẫn có những cán bộ hư hỏng. Song đại đa số các anh em kiểm lâm đều là những người có thái độ kiên định, quyết liệt với các đối tượng vi phạm, nỗ lực khắc phục điều kiện khó khăn ở miền núi.
Do đó, chúng ta vẫn phải tuyên truyền trên quan điểm sai thì phải sửa, phải xử lý. Không có chuyện dung túng cho những trường hợp vi phạm này, còn làm tốt thì phải biểu dương, khen thưởng.
Phá rừng đa số là người nghèo
Cũng theo NTNN phản ánh, một số lãnh đạo và cán bộ kiểm lâm của tỉnh Hà Giang dùng hàng chục m3 gỗ quý hiếm như nghiến, trai… để làm nhà sàn?
Quan điểm“Trên thế giới không có nước nào thu nhập bình quân đầu người 5.000USD/năm trở xuống lại có diện tích rừng phát triển mạnh như ta. Trong khi cả thế giới, diện tích rừng đang giảm thì nước ta rừng lại đang tăng mạnh. Điều chúng ta cần làm lúc này là hoạch định hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ, khu bảo tồn. Đặc biệt là những khu rừng xung yếu nhất quyết bảo vệ bằng được. Để làm được cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ban ngành, chứ mỗi kiểm lâm cũng không thể giữ rừng được…”
Thứ trưởng Hà Công Tuấn |
– Nếu có trường hợp cụ thể, Bộ sẽ có ý kiến, tìm cách xử lý những trường hợp vi phạm mà báo nêu. Tuy nhiên, đối với những lãnh đạo, cán bộ địa phương, Bộ sẽ phối hợp với địa phương để tìm cách giải quyết, xử lý theo đúng pháp luật.
Còn đối với những cán bộ kiểm lâm, nếu phát hiện vi phạm, chúng tôi sẽ xử lý kiên quyết và đương nhiên hình thức xử lý nặng hơn nhiều so với các đối tượng khác.
Theo kế hoạch, năm 2015 sẽ giảm 15% số vụ vi phạm và tỷ lệ rừng bị phá so với năm 2014. Tới đây, Bộ NNPTNT sẽ có những biện pháp gì để đạt kế hoạch này?
– Đây là câu chuyện của cả thế giới, chứ không riêng gì nước ta. Chúng ta phải hiểu những đối tượng phá rừng là ai? Đa số họ là người nghèo. Do đó, chúng ta cần phải giải quyết cái gốc là vấn đề an sinh cho người dân.
Tôi và bạn đều biết rõ “đói đầu gối phải bò”, nhiều trường hợp mặc dù biết rõ là vi phạm luật nhưng họ vẫn cứ làm vì đói quá, nghèo quá. Tại một số nơi vẫn còn xảy ra tình trạng khai thác trái phép rừng tự nhiên, nhưng cơ bản chúng ta vẫn giữ được những cánh rừng quan trọng và nhiều nơi đang có sự tái sinh rất tốt.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!