Phát hiện thêm nhiều loài thực vật mới ở VQG Xuân Sơn

ThienNhien.Net – Các nhà nghiên cứu khoa học vừa phát hiện thêm 2 loài dẻ gai mới tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ), nâng tổng số loài dẻ được phát hiện tại Vườn Quốc gia lên 8 loài, góp phần bổ sung cho danh lục thực vật của Vườn, danh lục thực vật của Việt Nam và thế giới.

Theo Tiến sĩ Vương Duy Hưng – Bộ môn Thực vật rừng, Khoa Quản lý tài nguyên rừng và môi trường (Đại học Lâm nghiệp), hai loài dẻ gai mới được phát hiện thuộc chi dẻ gai; trong đó, một loài là dẻ gai sẹo to (tên khoa học là Castanopsis grandicicatricata) với đặc điểm khác biệt là lá chất giấy dày, đường kính đấu 6 – 7 cm và sẹo bao phủ 2/3 quả kiên. Hạt khá lớn, nếu ăn được thì có thể là loài cây có giá trị kinh tế cao, cần được nhân giống rộng rãi. Tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn loại dẻ được tìm thấy trên núi đá vôi ở độ cao 459m.

Dẻ gai Castanopsis grandicicatricata (Ảnh: biodivn.com)
Dẻ gai Castanopsis grandicicatricata (Ảnh: biodivn.com)

Loài còn lại là dẻ gai nhiều cạnh (tên khoa học là Castanopsis multiporcata). Loài này có đặc điểm lá có chiều dài 5-8 cm, lá chất giấy, mặt sau lá không phủ lông, gân bên 6 -10 cặp, cuống lá dài 0,3-0,7 cm, đường kính đấu 2-2,5 cm và vết sẹo trên quả kiên lõm.

Tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn, loài này được tìm thấy trên núi đá vôi ở độ cao 832m. Phát hiện này góp phần làm phong phú, đa dạng thêm loài sinh vật học tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn, đồng thời góp phần hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Năm 2013-2014, Vườn Quốc gia Xuân Sơn phối hợp với các nhà khoa học thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam điều tra, nghiên cứu thực tế tại hiện trường kết hợp với việc thu thập mẫu vật và giám định đã xác định được thêm 2 loài thuộc họ gừng bổ sung cho danh lục thực vật Việt Nam; trong đó 1 loài thuộc chi Riềng (Alpinia pholyantha), 1 loài thuộc chi Sa nhân (Amomum putrescens). Tiếp đó, Vườn đã phối hợp với Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga nhiên cứu và phát hiện loài Tỏi rừng mới cho khoa học có tên Tỏi rừng Xuân Sơn Aspidistra xuansonensis.

Những năm qua, Vườn đã phối hợp với nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước triển khai công tác khảo sát, điều tra đánh giá tính đa dạng đối với hệ thực vật nơi đây, trong đó đã điều tra và phát hiện được nhiều loài thực vật quý hiếm, có giá trị về kinh tế cũng như bảo tồn.

Mặt khác, trên cơ sở kết quả điều tra đã đưa ra những biện pháp để khoanh vùng, bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị của các loài thực vật quý hiếm. Với những kết quả nghiên cứu trên đã bổ sung cho danh lục thực vật của Vườn Quốc gia Xuân Sơn tăng hàng năm. Cụ thể, năm 2002 có tổng số 726 loài thực vật, năm 2005 có 1.217 loài, năm 2013 là 1.249 loài, đến năm 2015 tiếp tục tăng lên 1.252 loài và bổ sung cho bộ sưu tập mẫu vật tại Bảo tàng thiên nhiên Vườn Quốc gia Xuân Sơn.

Công tác nghiên cứu khoa học có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, từ đó làm cơ sở đưa ra các giải pháp để khoanh vùng, bảo tồn, phát triển và phát huy các giá trị của tài nguyên thiên nhiên, góp phần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng, tạo cho Vườn Quốc gia Xuân Sơn như một bảo tàng sống, là nơi lưu giữ nguồn gen thực vật cho Việt Nam cũng như nhân loại.