ThienNhien.Net – Mặc dù đã nhiều lần làm việc đề nghị Bộ TN-MT sớm sửa đổi quy định về tiêu chuẩn nước thải chăn nuôi, tuy nhiên đến nay, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) vẫn chưa nhận được phản hồi.
Trong khi đó ông Tống Xuân Chinh (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi lo lắng: Nếu Bộ TN-MT vẫn cứng nhắc áp dụng tiêu chuẩn nước thải chăn nuôi theo quy chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT của Bộ này quy định về tiêu chuẩn nước thải công nghiệp, ngành chăn nuôi sẽ phải đóng cửa.
Theo ông Chinh, trước năm 2006, Bộ NN-PTNT đã từng có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sau xử lí khí sinh học, cụ thể là tiêu chuẩn ngành số TCN-678:2006 ban hành năm 2006. Bộ tiêu chuẩn này được xây dựng trên cơ sở có sự tham khảo hầu hết các chỉ tiêu đối với nước thải chăn nuôi của các nước phát triển trên thế giới và trong khu vực. Tuy nhiên kể từ khi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn ra đời và có hiệu lực, các tiêu chuẩn ngành đã không còn được thực hiện, theo đó, Tiêu chuẩn số TCN-678:2006 của Bộ NN-PTNT không còn hiệu lực mà phải áp dụng theo quy chuẩn chung của quốc gia.
Trước tình hình đó, từ năm 2010 đến nay, Cục Chăn nuôi đã xây dựng xong bộ quy chuẩn quốc gia dành riêng cho nước thải chăn nuôi sau xử lý công trình khí sinh học, dựa trên cơ sở các chỉ tiêu ở tiêu chuẩn ngành cũ và có cập nhật thêm một số thông tin cho phù hợp với thực tế. Khi xây dựng bộ quy chuẩn quốc gia này, Cục cũng đã tham khảo chặt chẽ tiêu chuẩn của nhiều nước như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu… Tuy nhiên đến nay, tiêu chuẩn này vẫn chưa được thông qua do còn phải chờ “qua cửa” Bộ TN-MT. Trong khi đó, nhiều DN, đơn vị chăn nuôi thời gian liên tục la ó vì bị xử lí do nước thải chăn nuôi không đạt yêu cầu theo quy chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT của Bộ TN-MT.
Cụ thể, vướng mắc thế nào ở Bộ TN-MT, thưa ông?
Nước thải chăn nuôi là lĩnh vực của ngành nông nghiệp nên theo thông lệ khi xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, quy chuẩn, tiêu chuẩn của ngành nào thì do ngành đó soạn thảo, trình Bộ KH-CN phê duyệt. Tuy nhiên khi chúng tôi xây dựng xong tiêu chuẩn trình Tổng cục Đo lường Chất lượng (Bộ KH-CN) và xin ý kiến Bộ TN-MT thì Bộ TN-MT có văn bản trả lời rằng: Theo Luật Môi trường, tất cả các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về nước thải được thải ra khu vực chung của môi trường, trong đó có nước thải chăn nuôi là thuộc thẩm quyền quản lí ban hành của Bộ TN-MT, cụ thể là thuộc thẩm quyền soạn thảo ban hành của Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT) theo quy chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT áp dụng đối với nước thải công nghiệp.
Trước tình hình đó, Cục Chăn nuôi đã cử đoàn làm việc trực tiếp với Cục Kiểm soát ô nhiễm của Tổng cục Môi trường trình bày tất cả khó khăn của người chăn nuôi xung quanh câu chuyện về chỉ tiêu nước thải, đề nghị sớm sửa đổi, ban hành quy chuẩn riêng đối với nước thải chăn nuôi.
Vậy phía Tổng cục Môi trường trả lời ra sao?
Cuộc làm việc gần đây nhất của chúng tôi với Tổng cục Môi trường vào giữa năm 2014. Lúc đó, họ cho biết do thời điểm Cục Chăn nuôi gửi hồ sơ sang quá muộn nên họ vẫn chưa xin đăng ký được kế hoạch từ phía Bộ KH-CN để xem xét phê duyệt tiêu chuẩn này. Bởi việc đăng ký tiêu chuẩn ở Bộ KH-CN phải được tiến hành hàng năm, năm trước đăng ký cho năm sau. Đến nay, phía Bộ TN-MT vẫn chưa thấy phản hồi thêm.
Theo tôi, đây là vấn đề hết sức cấp thiết, người chăn nuôi đã kêu quá nhiều trong năm qua, thậm chí bị phạt đủ đường, đang ảnh hưởng tới nồi cơm của họ nên không thể ngồi đó chờ Bộ KH-CN hay Bộ TN-MT cho tới khi có tiêu chuẩn mới được ban hành.
Vậy áp dụng tiêu chuẩn chất thải chăn nuôi theo quy chuẩn hiện nay của Bộ TN-MT có ổn không thưa ông?
Quy chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT được xây dựng cho việc kiểm soát ô nhiễm đối với nước thải công nghiệp, đòi hỏi các chỉ tiêu chất thải rất thấp, ví dụ như BOD5 đối với nước thải loại A chỉ có 30 mg/l; COD 75 mg/l; tổng Ni-tơ 20mg/l; tổng Phốt-pho 5 mg/l… Trong khi đó, ngay cả các nước phát triển như châu Âu, Nhật Bản, Thái Lan… hiện nay đều cho phép các chỉ tiêu này đối với nước thải chăn nuôi sau công trình khí sinh học cao hơn nhiều lần so với tiêu chuẩn mà Bộ TN-MT xây dựng và áp dụng, đơn cử như chỉ tiêu COD họ cho phép tới 200-300 mg/l; BOD5 từ 300-400 mg/l… Ngay cả Nhật Bản cũng cho phép nước thải chăn nuôi có chỉ tiêu BOD5 tới 100 mg/l, cao gấp 2-3 lần so với tiêu chuẩn của QCVN 40:2011/BTNMT. Trên thế giới, cũng không có quốc gia nào lấy tiêu chuẩn nước thải công nghiệp áp dụng cho nước thải chăn nuôi như hiện nay Việt Nam đang áp dụng, mà đều có bộ tiêu chuẩn riêng dành cho lĩnh vực này.
Vậy khi xây dựng quy chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT, phía Bộ TN-MT có xin ý kiến của ngành nông nghiệp hay không?
Họ có xin ý kiến ai thì chúng tôi cũng không nắm rõ, tuy nhiên quan điểm của tôi, quy chuẩn ngành nào phải để cho ngành đó xây dựng. Không thể lấy tiêu chuẩn nước thải của NM SX kim loại, hóa chất tẩy giấy, tẩy giày da… để áp cho chăn nuôi được. Chăn nuôi Việt Nam đa số đang xử lí chất thải bằng công trình biogas, vì vậy, tiêu chuẩn chất thải chỉ nên xây dựng riêng, áp dụng cho sau công trình khí sinh học.
“Bây giờ nếu cứ cứng nhắc áp dụng theo QCVN 40:2011/BTNMT, tôi cá rằng ngành chăn nuôi Việt Nam chỉ còn nước đóng cửa, chứ không một ai có thể đáp ứng được yêu cầu theo tiêu chuẩn đó”, ông Tống Xuân Chinh. |
Ở các nước, cơ quan quản lí chỉ tiêu nước thải chăn nuôi cũng là quản lí theo chuỗi, nghĩa là sẽ do ngành nông nghiệp quản lí ban hành, Bộ TN-MT chỉ ban hành chỉ tiêu nước thải chung như nước thải công nghiệp, hệ thống ngành chế biến trong nông nghiệp… thôi, chứ chỉ tiêu trong SX là do ngành nông nghiệp quản lí.
Không đáp ứng được hay do người chăn nuôi hiện nay không chịu đầu tư xử lí nước thải, thưa ông?
Chưa nói tới hộ chăn nuôi hay trang trại, ngay cả DN chăn nuôi lớn cũng không thể nào đáp ứng được tiêu chuẩn hiện hành. Mới đây, Cty CP Chăn nuôi Thái Dương đã đầu tư dây chuyền xử lí nước thải rất hiện đại tới trên 30 tỉ đồng ở trang trại lợn tại Nghệ An, nhưng sau khi phân tích, đối chiếu với QCVN 40:2011/BTNMT vẫn không thể nào đáp ứng. Tại Hà Nội, có 2 đơn vị đã được hỗ trợ đầu tư dây chuyền xử lí chất thải công nghệ Đức được đánh giá là hiện đại nhất hiện nay, nhưng một số chỉ tiêu nước thải vẫn không tài nào đáp ứng được theo tiêu chuẩn. Vì vậy, việc xây dựng một quy chuẩn riêng cho nước thải chăn nuôi là điều vô cùng cấp thiết đối với ngành chăn nuôi, đặc biệt khi mà số hộ chăn nuôi nhỏ, trang trại nhỏ vẫn còn chiếm đa số, với công nghệ phổ biến là xử lí bằng hầm biogas. Bộ tiêu chuẩn mà Cục Chăn nuôi xây dựng trình Bộ TN-MT hiện nay cũng vừa phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời rất phù hợp với thực trạng và định hướng quản lí vấn đề môi trường trong chăn nuôi của Việt Nam.
Vì sao ông khẳng định tiêu chuẩn mà Cục Chăn nuôi xây dựng dành cho nước thải sau công trình khí sinh học là phù hợp?
Định hướng và thực tiễn ngành chăn nuôi Việt Nam hiện nay cho thấy việc xử lí chất thải bằng công trình Biogas là rất phù hợp, vì vậy tiêu chuẩn nước thải cũng cần áp dụng đối với sau công trình khí sinh học là hợp lí. Dự án khí sinh học do Hà Lan tài trợ cho Việt Nam triển khai từ 2003 đến nay, hiện đã có trên 140 nghìn công trình trên cả nước, và sẽ tiếp tục triển khai pha hai cho tới 2017 hoặc 2020. Dự án này không chỉ giúp cho nông dân mà đã được các cơ quan quản lí nhà nước đánh giá cao. Đặc biệt đây là dự án đầu tiên trong ngành nông nghiệp nước ta đã bán được chứng chỉ phát thải khí nhà kính trên thị trường thế giới, mỗi năm chúng ta đang bán được khoảng trên 500 nghìn chứng chỉ, mỗi chứng chỉ tương đương 1 tấn cacbon quy đổi, với giá từ 6-8 USD/tấn.
Xin cảm ơn ông!