ThienNhien.Net – Nghiến sau khi bị hạ sát trên rừng sẽ được tiêu thụ dưới hai hình thức: Một là dạng thớt bán sang Trung Quốc. Hai là xẻ thành gỗ làm nhà sàn, rồi hợp thức hóa bán về xuôi. Theo điều tra của PV, thớt nghiến sau khi được bán sang Trung Quốc sẽ được “phù phép” thành… nhà sàn.
Mua thớt bán gỗ
Rất khó có thể biết được, hiện ở các xã nằm trong Khu bảo tồn (KBT) Phong Quang có bao nhiêu chiếc cưa xăng và càng không thể biết ở Vị Xuyên và tỉnh Hà Giang có bao nhiêu chiếc cưa máy, cũng như không thể đếm được ở KBT Phong Quang có bao nhiêu cây nghiến bị chặt hạ xẻ thịt, bao nhiêu cây bị “tùng xẻo”. Tuy nhiên, có một thực tế có thể nhìn thấy được: Đa số nghiến sau khi bị xẻ thịt đều biến thành… nhà sàn đỏ au.
PV NTNN/Dân Việt đã mất nhiều ngày có mặt tại những điểm nóng về khai thác, buôn bán gỗ nghiến ở xã Minh Tân, Phong Quang, Thanh Thủy… và giật mình khi biết về kỹ nghệ “độ”, “phù phép” thớt nghiến được khai thác ở KBT Phong Quang thành những cột nhà sàn, nhà gỗ đẹp lộng lẫy ở Trung Quốc.
Theo lời H, một lâm tặc – đầu nậu chuyên vận chuyển nghiến sang Trung Quốc, hiện đã hoàn lương, nghiến sau khi đưa từ trên núi xuống sẽ được đưa sang Trung Quốc bằng xe máy hoặc gùi, vác, tại những nơi giáp biên. Sở dĩ không thể vận chuyển được bằng ô tô, bởi địa hình ở đây rất phức tạp.
Theo H, hiện đang là thời điểm rộ nạn khai thác nghiến, bởi cuối năm là dịp để người Trung Quốc sửa sang, trùng tu nhà cửa, đình chùa… Khi sang Việt Nam mua hàng, các đầu nậu Trung Quốc thường bảo là mua thớt để hạ giá, nhưng lại yêu cầu những thớt phải có đường kính từ 30cm trở lên và dài từ 20 – 50cm.
“Mục đích là lấy về làm cột nhà sàn. Phải nói là kỹ thuật của họ cao thật. Những thớt nghiến sau khai được phân loại sẽ được bào bóng nhẵn, dùng keo công nghiệp để gắn những khớp nối, dùng máy ép thủy lực ép. Chỉ trong chốc lát, những chiếc thớt nghiến đã được “phù phép” thành chiếc cột nhà sàn, đình chùa đẹp lộng lẫy” – H tiết lộ.
H dẫn chúng tôi về những con đường mòn ở các thôn Hoàng Lỳ Pả, Mã Hoàng Phìn, Tả Lèng… Bên kia là khu tự trị dân tộc Choang và Miễu Văn Sơn (Vân Nam, Trung Quốc). Thi thoảng chúng tôi bắt gặp vài người gùi thớt nghiến qua biên giới, mỗi chuyến mỗi người gùi được 3 – 5 cái thớt, tùy loại. Theo H, mỗi chiếc thớt khi sang Trung Quốc có giá từ 250.000 – 500.000 đồng, thớt càng dày giá càng cao.
Tôi nhờ H đưa sang Vân Nam để tận mắt xem kỹ nghệ “phù phép” thớt nghiến thành cột nhà sàn, đình chùa như thế nào. Nhưng H bảo đường đi rất khó, hơn nữa các đầu nậu rất liều lĩnh. Nếu bị phát hiện sẽ rất nguy hiểm, nên hẹn tôi dịp khác thuận lợi hơn.
“Vương quốc” nhà sàn đỏ
Trở về, tôi vẫn ấm ức vì chưa được tận mắt chứng kiến những ngôi nhà gỗ, nhà sàn, đình chùa bên Trung Quốc được làm từ những khúc thớt nghiến do lâm tặc khai thác trái phép ở KBT Phong Quang. Thấy tôi không được hài lòng, H bảo: “Cần gì sang Trung Quốc, muốn đi xem nhà sàn nghiến thì ngay ở Vị Xuyên thiếu gì. Anh cứ đi dọc Quốc lộ 4C từ TP.Hà Giang lên Minh Tân có mà nhìn mỏi mắt. Nhất là “vương quốc” nhà sàn đỏ ở xã Thuận Hòa”.
Theo lời H, từ TP.Hà Giang theo QL4C lên Minh Tân khoảng 20km, khi bánh xe vừa lăn trên đất xã Thuận Hòa, cũng là lúc chúng tôi được tận mắt chứng kiến những ngôi nhà sàn cũ, mới bằng gỗ nghiến đang dựng san sát, nhan nhản hai bên đường.
Chỉ khoảng 1, 2km đoạn qua thôn Hòa Bắc, xã Thuận Hòa (huyện Vị Xuyên), tôi đã đếm được khoảng 30 ngôi nhà sàn làm đa số bằng nghiến, trong đó có hơn chục ngôi nhà sàn 3 – 4 gian gia chủ đang dựng dở. Những cột nghiến được xẻ vuông vắn đường kính 25x25cm, thớ gỗ vẫn còn đỏ au.
Thấy chúng tôi dừng xe chụp ảnh, rồi hỏi tên gia chủ ngôi nhà này, chị Hoàng Thị Lan, dân tộc Tày ở thôn Hòa Bắc đang đuổi trâu tưởng khách mua nhà nên nhanh nhảu bảo. “Đây là nhà ông T, vừa dựng xong nên liên hoan. Nhà ông T vào loại đẹp nhất nhì thôn, nhưng vẫn không bằng nhà ông D, rộng 4 – 5 gian toàn gỗ nghiến đẹp lắm. Còn nhà 3 gian làm bằng gỗ nghiến thì ở thôn này nhiều lắm”.
Chúng tôi vào nhà một người tên Thắng ở ven đường. Sau một hồi trò chuyện, Thắng bảo, ngôi nhà 3 gian này có giá 600 triệu đồng, nếu 4 gian thì 800 – 1 tỷ đồng. Tôi tỏ ra lo ngại về thủ tục, anh ta bảo luôn: “Mua nhà thì thủ tục đơn giản thôi, chỉ cần một chút “bôi trơn” xin xác nhận của địa phương, kiểm lâm là xong ngay thôi”.
Tương tự ở Thuận Hòa, trên địa bàn xã Minh Tân, dọc hai bên đường cũng đang có hàng chục ngôi nhà sàn hầu như bằng gỗ nghiến đang mọc lên như nấm, đó là chưa kể những ngôi nhà cũ. Trên đường từ UBND xã Minh Tân vào thôn Phìn Sảng, khi đi qua thôn Tả Nhìu, chúng tôi cũng bắt gặp 3 ngôi nhà 4 gian đang dựng dở. Thấy chúng tôi dừng xe, một gã đàn ông mặt bặm trợn cầm dao đi ra, tôi vội thúc anh bạn rồ ga phóng đi.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian gần đây có rất nhiều người ở miền xuôi lên Hà Giang “săn” nhà sàn gỗ nghiến. Thấy được giá nhiều người đã bán nhà cũ đi, rồi vào rừng chặt nghiến làm nhà mới. Không chỉ vậy, ở Hà Giang và đặc biệt là Vị Xuyên đang hình thành một đội “cò” chuyên săn nhà sàn, đồng thời kiêm luôn việc mách nước cho các hộ này vào rừng xẻ gỗ làm nhà mới.
Ông Hoàng Văn Đại, nhà gần UBND xã Minh Tân cho biết, sở dĩ ở Minh Tân, Thuận Hòa… có nhiều nhà sàn, ngoài truyền thống của người Tày là ở nhà sàn, còn có một nguyên nhân nữa là bởi các hộ đua nhau làm nhà sàn để bán.
“Nhà thì viện lý do mới tách hộ nên xin gỗ làm nhà, nhà thì bảo nhà rách nát muốn làm nhà mới, hộ thì bảo đông người muốn xin gỗ cơi nới rộng hơn… nhưng mục đích chính là sau một thời gian rồi hợp thức hóa bán” – ông Đại cho hay.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phàn Văn Hạt – Chủ UBND xã Minh Tân thừa nhận ở thôn Tà Lèng, Hoàng Lỳ Pả, Tả Nhìu… đang có một số hộ dựng nhà bằng gỗ nghiến: “Số gỗ này chủ yếu họ lấy ở thôn Thượng Lâm, Hoàng Lỳ Pả và toàn xẻ vào ban đêm nên rất khó phát hiện. Mỗi đêm họ xẻ vài khúc rồi dồn lại làm. Khi gỗ về đến nhà, họ làm thành cột nhà rồi thì rất khó xử lý”.
Nhà ông T vào loại đẹp nhất nhì thôn, nhưng vẫn không bằng nhà ông D, rộng 4 – 5 gian toàn gỗ nghiến. Còn nhà 3 gian làm bằng gỗ nghiến thì ở đây nhiều lắm”.
Chị Hoàng Thị Lan, dân tộc Tày ở thôn Hòa Bắc, xã Thuận Hòa Các nhà sàn ở Thuận Hòa, Minh Tân… có nhiều nhà làm mới, nhưng đa số là gỗ cũ, chỉ ít gỗ mới. Bà con ở đây rất khó khăn, cả đời mới làm được cái nhà để ở, nên chúng tôi rất khó xử lý”. Ông Nguyễn Việt Hưng – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, kiêm Giám đốc KBT Phong Quang |