ThienNhien.Net – Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Quang (Vị Xuyên, Hà Giang) thành lập năm 1998, tiền thân là rừng đặc dụng Phong Quang với diện tích 18.840ha. Đây là khu bảo tồn còn giữ được rất nhiều loài thực vật quý, hiếm như trai, nghiến, kim giao, đinh, lát… Những năm gần đây, do chuyển đổi mục đích sử dụng và lâm tặc hoành hành nên diện tích rừng chỉ còn 8.335,6ha. “Thủ phạm” tiếp tay cho phá rừng chính là cưa xăng và thú chơi nhà sàn.
Cưa xăng có nguồn gốc từ Trung Quốc, có ở nước ta khoảng 7- 8 năm trở lại đây. Những tưởng chỉ là một dụng cụ lao động bình thường, nhưng dưới tay lâm tặc nó đã và đang trở thành nỗi ác mộng của rừng xanh.
Mỗi hộ dân một cưa xăng
Những năm gần đây, hầu hết các tỉnh có vườn quốc gia, khu bảo tồn, rừng đặc dụng… như Tuyên Quang, Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Lạn, Hà Giang… còn những loài gỗ quý như nghiến, trai, kim giao, đinh, lát… đều xảy ra nạn tàn phá rừng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, táo tợn hơn.
Mặc dù ngành chức năng các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn, song cuộc chiến này hầu như vẫn chưa có hồi kết. Một trong những “trợ thủ” đắc lực của lâm tặc, giúp tốc độ phá rừng ngày một nhanh hơn chính là cưa xăng, hay còn gọi là “cưa lốc”.
Là một lâm tặc đã hoàn lương-có lẽ anh Hoàng Văn Hà, (xã Phong Quang, Vị Xuyên) là người hiểu rõ nhất công dụng của loại cưa này.
“Người dân tộc Tày chúng tôi có truyền thống ở nhà sàn từ lâu đời, trước đây không có cưa xăng, phải xẻ bộ. Để xẻ đủ gỗ làm nhà sàn phải vài năm, nhưng bây giờ chỉ cần vài ngày là đủ gỗ. Loại cưa này “ăn” gỗ ngọt lắm, nghiến cứng như vậy mà nó vẫn còn “ăn” ngọt lịm” – anh Hà nói về công năng của cưa xăng.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Hà Giang, hiện toàn tỉnh có khoảng 1.200 chiếc cưa xăng, trong đó riêng xã Minh Tân có 326 cái. Tuy nhiên, theo điều tra của phóng viên, con số thật ở xã Minh Tân phải gần 1.000 cưa xăng.
Ông Phàn Văn Hạt – Chủ tịch UBND xã Minh Tân xác nhận, riêng số cưa phát hiện được đã khoảng 500 chiếc. “Rất khó để thống kê cưa xăng, bởi hầu hết người dân đều cất trên núi, khi có cơ hội thì cắt. Hộ nào cũng có ít nhất một cái, nhiều thì 2-3 cái” – ông Hạt cho hay.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Đông – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Giang thừa nhận, cưa xăng đã tác động không nhỏ đến nạn phá rừng trên địa bàn tỉnh. Nhưng vì đây chỉ là công cụ lao động nên không thể bắt, cấm người dân sử dụng.
“Chúng tôi cũng đã bàn đến việc thu hồi, quản lý cưa xăng, theo đó các, thôn, xã sẽ quản lý một lượng cưa nhất định. Nếu hộ nào cần sẽ đến mượn và phải cam kết sử dụng vào việc gì. Nhưng đây là địa bàn rộng, đường đi khó khăn, có thôn đi mất 2-3 giờ mới đến trụ sở xã. Riêng việc mượn, trả cưa cũng mất hơn ngày” – ông Đông chia sẻ.
Kỹ nghệ “tùng xẻo” gỗ nghiến
Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Quang (KBT Phong Quang) nằm trải dài trên địa bàn của 4 xã là Minh Tân, Phong Quang, Thanh Thủy và Thuận Hòa, với khoảng 20km đường biên giáp Trung Quốc. Lợi dụng điều này, lâm tặc đã xẻ nghiến thành từng khúc dạng thớt, dày từ 20 – 50cm, đường kính 30 – 50cm, rồi bán sang Trung Quốc. Trước đây, mỗi khi cần hàng, các đầu nậu Trung Quốc sẽ cung cấp cưa cho lâm tặc hoạt động. Nhưng sau này, lâm tặc đã tự sắm cưa để đốn nghiến.
Khi lực lượng chức năng tăng cường lực lượng nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng, việc cưa đổ cây rồi xẻ ra như trước rất dễ bị lộ. Để qua mặt cơ quan chức năng, lâm tặc đã “tùng xẻo” – vạc từng mảng gỗ mà không cho cây đổ.
Từng nhiều lần điều tra các vụ phá rừng ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang… nhưng phóng viên NTNN chưa từng nghĩ đến và thấy chiêu “tùng xẻo” này bao giờ.
Khu rừng nghiến thuộc thôn Hoàng Lỳ Pả, Mã Hoàng Phìn, Phìn Sảng… xã Minh Tân được cho là nơi có rừng nghiến cổ nhất. Nhưng nếu không vào rừng, đến tận từng gốc nghiến thì ai cũng nghĩ rừng nghiến đang rất yên bình. Chỉ đi sâu vào rừng mới thấy nghiến đang bị tàn phá ghê gớm như thế nào.
Sau gần 3 giờ leo núi, chúng tôi đã có mặt tại khu rừng có nhiều nghiến cổ thụ nhất. Trên đường đi chúng tôi bắt gặp hàng chục cây nghiến đã bị cưa đổ, cũ có, mới có, với đường kính khoảng 2m, dài 40 – 50m. Còn những cây bị “tùng xèo” vẫn đứng thẳng thì không đếm xuể.
Theo dấu vết để lại tại những gốc nghiến cổ thụ bị “tùng xẻo”, lâm tặc đã dựng giáo rồi dùng cưa xăng vạc sâu vào thân cây theo chiều dọc, khéo léo cắt ra từng khúc dạng thớt mà không phải chặt cây.
Anh Hoàng Tô Long – Trạm trưởng Trạm Biên phòng Minh Tân cho biết: “Chỉ có cưa xăng lâm tặc mới có thể thọc vào thân nghiến lấy đi từng thớt gỗ như vậy. Nếu không đi tuần tận nơi, rất khó phát hiện rừng nghiến đang bị xẻ thịt”.
Anh Long cho biết thêm, gần đây Trung Quốc đang rộ lên loại cưa điện. Loại cưa này có lưỡi cưa bằng kim cương, sắc lẹm, tiếng nổ êm ru, đồng thời có gắn giảm thanh, nên cách vài trăm mét nếu không để ý rất khó phát hiện. “Chúng tôi chưa phát hiện người dân dùng loại cưa này, có lẽ do giá quá đắt. Nhưng ngành chức năng vẫn phải có biện pháp đối phó”.
Trên đường xuống núi, mặc dù trời đã chạng vạng tối, nhưng tôi thấy ngay dưới chân núi 3 đối tượng vẫn ung dung dùng cưa xăng xẻ một cây nghiến đã bị cưa đổ trước đó. Tiếng nổ váng cả một cánh rừng.
Ông Nguyễn Việt Hưng – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, kiêm Giám đốc KBT Phong Quang, nơi đang xảy ra nạn dùng cưa xăng tàn phá rừng nghiến cổ khu bảo tồn, cho hay: “Hiện chúng tôi chỉ có thể phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền người dân ký cam kết không phá rừng trái phép thôi. Còn không thể thu hay cấm họ sử dụng cưa xăng vì Nhà nước chưa có quy định cấm. Nếu cấm được thì chúng tôi cũng đỡ, mà lại giữ được rừng”.