ThienNhien.Net – Gần 1 tháng nay, bước vào vụ ép mới, Cty CP Mía đường Sông Lam mỗi ngày đã xả thẳng hàng nghìn m3 nước thải chưa qua xử lý xuống sông Lam.
Từ đó khiến dòng chảy qua xã Đỉnh Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An) bị đổi màu, mùi hôi thối bốc vào tận nhà dân trong vòng bán kính 1-1,5 km…
Cận cảnh khu xả thải
Theo người dân địa phương, tình trạng xả thải trên diễn ra từ năm 2000. Đã có nhiều đoàn thanh, kiểm tra về xử lý nhưng giống như “đá ném ao bèo” sau đó vi phạm lại tái diễn…
Chúng tôi tiếp cận phía sau bức tường ngăn cách giữa nhà máy với dòng sông Lam, tận mắt chứng kiến hai ống dẫn nước thải từ khu vực sản xuất ra sông.
Đi dọc theo một khúc sông dài khoảng 1.000m, chúng tôi không khỏi lo lắng khi một nửa dòng sông Lam đã bị nước thải “nhuộm” đen, từ điểm xả thải kéo dài xuống vùng hạ lưu. Cả đoạn sông dài nhiều km, không thấy bóng dáng của bất cứ một sinh vật dưới nước nào…
Một người dân đang khai thác cát trên đoạn sông này cho biết: “Khi nhà máy đi vào hoạt động, không ai dám ra sông tắm, giặt . Không biết ở đó có những loại hóa chất độc hại gì mà cứ đụng chân, đụng tay xuống dòng nước là ngứa ngáy, khó chịu. Mùi hôi thối trùm xuống tận xóm chợ Cây Chanh, xóm 3, xóm 8…”
Một lão ngư chuyên đánh bắt cá trên dòng sông cho biết: Cả khúc sông này không còn tồn tại một loại cá nào nữa. Chúng tôi phải chèo thuyền lên phía trên điểm xả thải hàng cây số may ra mới kiếm ăn được.
Từ khi nhà máy đi vào hoạt động, không kể vào vụ ép hay khi họ chuyển sang chế biến cồn từ rỉ mật, nghề nuôi cá lồng của bà con xóm 2, xã Đỉnh Sơn buộc phải bỏ hẳn. Cách đây vài hôm, có hai cha con ngư dân vùng trên chèo thuyền xuống đây đánh cá, không đánh được con nào, về đến nhà chất thải đã làm hỏng luôn 3 cheo lưới…(?!)
Nói cho thật công bằng thì việc xây dựng Nhà máy đường Sông Lam tại xã Đỉnh Sơn đã mang lại lợi ích là giải quyết được nguồn nguyên liệu mía và công ăn việc làm cho hàng trăm hộ dân trồng mía của huyện Anh Sơn.
Nhưng hàng ngày chứng kiến nguồn nước thải chưa qua xử lý đổ thẳng ra dòng sông Lam thì nhiều người đã bắt đầu lo ngại về tác hại lâu dài của nó đối với sức khỏe.
Họ làm đơn kiến nghị gửi lên chính quyền địa phương, các ban ngành chức năng nhưng không hiểu vì sao nước thải vẫn cứ vô tư xả xuống sông Lam cho đến tận hôm nay. Và họ đã phải “sống chung với lũ” đã gần 15 năm nay…
Công ty nói gì?
Ông Đặng Văn Cảnh, cố vấn của Cty CP mía đường Sông Lam biện bạch: Nước xả thải qua xử lý, thải ra sông Lam của công ty hiện nay chưa đạt tiêu chuẩn loại B, còn nguyên nhân gây ra mùi hôi thối, là do nước thải không đạt tiêu chuẩn chủ yếu là do việc xử lý hèm cồn hiện rất khó.
Ông ta cho rằng, không có việc công ty xả trộm nước thải chưa qua xử lý xuống sông Lam như người dân phản ánh.
Theo báo cáo kết quả quan trắc môi trường 6 tháng cuối năm 2014 của Cty CP Mía đường Sông Lam, thì mỗi ngày đơn vị này có gần 23 nghìn m3 nước thải các loại. Lãnh đạo Cty thừa nhận nước thải xả ra sông Lam chưa đạt tiêu chuẩn, khiến hàng nghìn hộ dân sống ở vùng hạ lưu sẽ phải sống chung với nguồn nước ô nhiễm là có thật.
Được biết công suất thiết kế ban đầu của nhà máy là 500 tấn mía/ngày (năm 2000). Đến nay, Cty CP Mía đường Sông Lam đã nâng công suất lên 1.000 tấn mía/ngày, đó là chưa kể công suất sản xuất cồn hiện tại là 3.000 lít/ngày. Dự định, nhà máy tiếp tục nâng công suất lên 3.000 tấn mía/ngày vào năm 2020.
Ông Hoàng Văn Hùng, Phó giám đốc Cty CP mía đường Sông Lam phân trần: Đơn vị đã có nhiều nỗ lực trong vấn đề bảo vệ môi trường. Năm 2009, Cty triển khai dự án xử lý hèm cồn, sản xuất phân vi sinh. Dự án này có tổng mức đầu tư 7 tỉ đồng, do Chính phủ Đan Mạch tài trợ 30%. Hiệu quả đem lại là, mùi hôi và bụi giảm hẳn. Riêng nước thải chỉ giảm được hàm lượng BOD và COD chứ chưa thay đổi hẳn được màu.
Hiện tại, Cty đang triển khai dự án khu xử lý nước thải với tổng mức đầu tư trên 4 tỉ đồng. Việc Cty xả nguồn nước chưa đạt tiêu chuẩn ra sông Lam là do Cty không có bể đủ dung tích chứa nước thải sản xuất hàng ngày. Nếu nước thải không được giải phóng nhanh thì mùi hôi thối sẽ còn nồng nặc hơn (?).
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã Đỉnh Sơn cho biết, xã đã nhiều lần nhận được đơn của người dân phản ánh tình hình ô nhiễm ở đây. Chính quyền địa phương đã từng làm việc và yêu cầu Cty tìm giải pháp khắc phục. Một số hộ dân do bức xúc đã ném đá vào nhà máy. Ngày 28/5/2014, sau các cuộc họp dân, bà con đã đứng đơn gửi kiến nghị lên Sở TN&MT Nghệ An yêu cầu giải quyết. Tuy nhiên, sau khi đoàn kiểm tra xử lý, rút lui, DN nộp phạt, tình trạng ô nhiễm lại tái diễn.
Năm 2014, Cty CP mía đường Sông Lam bị liệt vào danh mục các đơn vị gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của tỉnh. Qua các lần thanh kiểm tra, Cty này đã bị xử phạt số tiền 155 triệu đồng. |