ThienNhien.Net – Phú Yên hiện có 42 dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, trong đó có 4 dự án thủy điện. Theo Nghị định số 23 ngày 3/3/2006 của Chính Phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, các dự án này phải có trách nhiệm trồng rừng mới thay thế diện tích rừng đã chuyển mục đích sử dụng. Tuy nhiên, mặc dù UBND tỉnh đã liên tục chỉ đạo thực hiện, nhưng đến việc trồng rừng vẫn gần như “dậm chân tại chỗ”.
Các chủ đầu tư dự án thủy điện ở Phú Yên đã sử dụng gần 300ha rừng xây dựng 4 nhà máy, gồm Sông Ba Hạ, Krông H’Năng, Đá Đen và La Hiêng 2. Năm 2014, các chủ đầu tư dự án thủy điện này phải trồng mới 150ha rừng, nhưng thực tế mới chỉ trồng được 25ha. Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, đến nay các dự án thủy điện La Hiêng 2, Đá Đen và Krông H’Năng chưa lập phương án trồng rừng thay thế. Còn Công ty cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ có phương án trồng rừng thay thế, nhưng trong hai năm 2012 và 2014 cũng chỉ trồng được 37,9ha, đạt hơn 18% kế hoạch (204,3ha).
Để chủ đầu tư các nhà máy thủy điện có trách nhiệm phục hồi lại diện tích rừng bị mất, các Sở NN-PTNT, Công Thương, TN-MT đã kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích đất đã giao cho dự án thủy điện; đồng thời đề nghị các chủ đầu tư phải có trách nhiệm trồng lại rừng do chuyển mục đích sử dụng. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng nhằm huy động, sử dụng các nguồn lực tài chính phục vụ cho hoạt động bảo vệ và phát triển rừng; trong đó đề cập đến việc các chủ đầu tư nhà máy thủy điện nếu không trồng lại rừng phải thực hiện nghĩa vụ tài chính để địa phương triển khai. Tuy nhiên, đến nay các chủ đầu tư vẫn “chây ỳ” thực hiện.
Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, đến nay mới chỉ có 6/42 dự án trồng được hơn 204ha rừng, còn lại 36 dự án chưa thực hiện với tổng diện tích gần 553ha. Nguyên nhân là do một số dự án mới có chủ trương đầu tư đang triển khai phương án bồi thường hoặc đang hoàn tất các thủ tục liên quan; thủ tục xét duyệt, lập hội đồng cho từng phương án trồng rừng rườm rà, kéo dài thời gian, trong khi quy mô trồng rừng thay thế quá nhỏ; chưa có chung mẫu về suất đầu tư trồng rừng thay thế để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh. Trong khi đó, mặc dù Sở NN-PTNT đã có văn bản nhắc nhở, bắt buộc lập phương án trình duyệt trong năm 2014, nhưng đến nay nhiều đơn vị vẫn chưa thực hiện để lên kế hoạch triển khai trong năm 2015. Từ năm 2013 đến nay, UBND tỉnh cũng đã ban hành 3 văn bản chỉ đạo các ngành liên quan kiểm tra, đề nghị các chủ đầu tư nhà máy thủy điện thực hiện nghiêm túc trồng rừng thay thế; đồng thời kiến nghị Bộ NN-PTNT chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để xử phạt nhằm hoàn thành dứt điểm việc trồng rừng thay thế trong năm 2015.
“Để các địa phương có cơ sở chỉ đạo việc lập kế hoạch trồng rừng thay thế cho các dự án đã nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, ngành đã đề nghị Bộ NN-PTNT sớm hướng dẫn chính sách hưởng lợi, tổ chức thực hiện, nghiệm thu thanh quyết toán công trình, trách nhiệm của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh trong quản lý, sử dụng nguồn vốn, nghiệm thu, thanh toán, trích lập chi phí cho quỹ. Ngoài ra, Bộ NN-PTNT cần xem xét điều chỉnh Thông tư số 24 ngày 6/5/2013 của bộ về quy định trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo hướng đơn giản phân cấp thẩm định và phê duyệt phương án trồng rừng thay thế tùy theo quy mô, diện tích nhằm giảm hội họp thẩm định gây khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết.
Theo Bộ NN-PTNT, cả nước có 2.320 dự án đầu tư có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải trồng lại rừng với tổng diện tích trên 76.000ha. Đến cuối năm 2014, có 28/55 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã trồng rừng thay thế được trên 7.190ha. Trong đó, năm 2014 trồng được 4.648 ha, đạt 35% kế hoạch, gồm diện tích trồng rừng thay thế các dự án thủy điện 2.445ha, đạt 22% kế hoạch, còn lại trồng rừng thay thế diện tích rừng đã chuyển sang mục đích khác 2.203ha. Các địa phương có diện tích trồng rừng thay thế lớn, nhưng đạt kết quả thấp là Phú Yên, Nghệ An, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, Quảng Nam, Lạng Sơn. Ngoài ra, còn nhiều địa phương có diện tích trồng rừng thay thế lớn nhưng chưa trồng. Một trong những nguyên nhân trồng rừng thay thế đạt kết quả thấp là do nhiều địa phương thiếu quan tâm, chỉ đạo và phân công cụ thể việc tổ chức các giải pháp thực hiện, chậm chủ động tháo gỡ vướng mắc và đôn đốc các chủ dự án thực hiện trách nhiệm pháp lý về trồng rừng thay thế.
Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã đề nghị các cấp, ngành và địa phương tiếp tục triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 02 ngày 24/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo việc thực hiện trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích sử dụng khác, coi đây là nhiệm vụ quan trọng phải hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Các địa phương phải đôn đốc, hướng dẫn việc lập các phương án, kế hoạch và bố trí đất đai cho các chủ đầu tư triển khai thực hiện; đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát không chỉ trồng rừng mà còn đảm bảo rừng trồng được bảo vệ, chăm sóc hiệu quả; các chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện nghiêm việc trồng rừng thay thế theo đúng pháp luật.