ThienNhien.Net – Vừa qua, báo Kinh tế & Đô thị nhận được thông tin phản ánh về việc 4/8 lò gạch tại xã Phú Cát, huyện Quốc Oai không đủ điều kiện nhưng vẫn được hoạt động. Đặc biệt, gần đây, UBND xã giao cho ông Nguyễn Kiêm Phú khơi thông dòng chảy ngòi dài khu Đìa Nút – Gò Cạm, nhưng thực chất là hạ cốt ruộng lấy hàng ngàn mét khối đất bán cho các chủ lò gạch kiếm lời.
Vi phạm kép
Thực hiện chủ trương xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn, sau nhiều lần tuyên truyền, giữa năm 2011, một số lò gạch thủ công tại xã Phú Cát đã được tháo dỡ. Cũng trong thời gian này, các ông gồm: Nguyễn Văn Thứ, Phùng Văn Chung và Nguyễn Văn Đức có đơn đề nghị UBND huyện cho xây lò gạch công nghệ tiên tiến xử lý khói thải giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại khu Đầm Lát và khu Xa Chân – Mả Đá gần sông Tích. Tiếp đó, UBND huyện yêu cầu các phòng chuyên môn và UBND xã hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục cấp phép xây dựng theo quy định.
Từ giữa năm 2011 đến cuối năm 2012, các chủ lò tiến hành xây dựng vỏ lò đốt gạch thử nghiệm theo công nghệ tiên tiến giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trong đó, ông Thứ và ông Chung đã đầu tư xây dựng 2 vỏ lò mới trên diện tích gần 2ha đất thuê thầu tại khu Đầm Lát. Còn ông Đức chỉ cải tạo 2/6 vỏ lò (3 cặp) gạch thủ công nằm trên diện tích 3ha đất thuê thầu rồi đầu tư 500 triệu đồng mua, lắp đặt hệ thống xử lý khói thải cho một cặp vỏ lò. 4 vỏ lò còn lại (2 cặp), ông Đức chuyển nhượng cho ông Phan Văn Chiến và ông Lê Văn Thảo. Tuy nhiên, 2 chủ lò không xây dựng vỏ lò mới, không lắp đặt công nghệ xử lý khói thải và không xin cấp phép xây dựng mà vẫn sử dụng than, củi đốt gạch. Mặc dù không đủ điều kiện hoạt động, nhưng không hiểu lý do gì, các lò gạch này vẫn được tồn tại nhiều năm qua?
Qua kiểm tra, các hợp đồng UBND xã Phú Cát ký cho thuê 2 vị trí đất nêu trên với mục đích cải tạo, nuôi trồng thủy sản và cho phép đào lấy đất sản xuất gạch, nhưng nội dung hợp đồng chỉ xác định được phép hạ cốt ruộng sâu 4m. Tuy nhiên, nhiều năm qua, các chủ lò đã đào đất ruộng sâu 7 – 10m tạo thành ao, hồ rộng hàng ngàn mét vuông chứa nước tù. Ngoài những vi phạm nêu trên, các lò gạch còn thường xuyên gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến khu dân cư thôn 1 và làm giảm năng suất cây trồng. Giữa tháng 10/2014, UBND xã còn ký hợp đồng cho ông Nguyễn Kiêm Phú cải tạo khơi thông dòng chảy khu vực Đìa Nút – Gò Cạm cách khu lò gạch khoảng 200m. Nội dung trong hợp đồng chỉ thể hiện diện tích được đào là 6.700m2, còn không thể hiện độ sâu. Chính sự mập mờ của hợp đồng đã tạo kẽ hở tiếp tay cho ông Phú dùng máy xúc đào ruộng đang canh tác sâu 5 – 8m lấy hàng ngàn mét khối đất bán cho các chủ lò gạch kiếm lời.
Phải chăng có khuất tất?
Ông Nguyễn Văn Nhơn, thôn 1, xã Phú Cát cho biết: “Việc một số lò gạch chưa đủ điều kiện nhưng vẫn nhả khói đốt gạch nhiều năm qua mà không bị chính quyền các cấp xử lý. Chỉ đến khi người dân kiến nghị, các phòng chuyên môn mới về kiểm tra và đình chỉ hoạt động. Tuy nhiên, sau đó, chủ lò vẫn ngang nhiên đốt gạch. Vừa qua, UBND xã cho ông Phú khơi thông dòng chảy Đìa Nút – Gò Cạm, nhưng thực chất là hạ cốt ruộng lấy đất bán cho các chủ lò gạch, biến nhiều thửa ruộng vùng trũng đứng trước nguy cơ thành ao, chuôm chứa nước. Tuy người dân đã kiến nghị dừng việc đào đất, nhưng UBND xã vẫn để ông Phú thực hiện. Như vậy, phải chăng ở đây có sự khuất tất?”.
Phóng viên đã liên hệ để đặt lịch làm việc, nhưng ông Ngô Văn Tuyên – Chủ tịch UBND xã Phú Cát không nghe điện thoại. Tại trụ sở UBND xã Phú Cát sáng 6/1, ông Ngô Văn Được – cán bộ Văn phòng UBND xã cho biết: “Toàn bộ 3 cặp vỏ lò tại khu Xa Chân – Mả Đá là của ông Đức, không phải của ông Chiến và ông Thảo”. Còn việc ông Phú lợi dụng khơi thông dòng chảy Đìa Nút – Gò Cạm lấy đất bán kiếm lời, ông Được không trả lời mà yêu cầu phóng viên tiếp tục liên hệ để làm việc với Chủ tịch UBND xã rồi sẽ rõ.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Dương Tôn Kiên thừa nhận, tại khu Xa Chân – Mả Đá vẫn còn 2 lò gạch chưa được cấp phép nhưng vẫn hoạt động trái phép nhiều năm qua. Lỗi này được xác định do UBND xã không báo cáo UBND huyện. Vì vậy, tháng 10/2014, các phòng chuyên môn của huyện đã kiểm tra và lập biên bản yêu cầu 2 chủ lò dừng hoạt động để liên hệ với Phòng Quản lý đô thị hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép xây dựng. “Tôi sẽ trực tiếp kiểm tra, nếu đúng là có việc chủ lò chưa hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép xây dựng mà tái phạm đốt gạch sẽ đề nghị xử phạt theo quy định. Đồng thời, cũng làm rõ việc UBND xã lợi dụng khơi thông dòng chảy khu vực Đìa Nút – Gò Cạm lấy đất bán cho các chủ lò gạch gây bức xúc cho người dân. Nếu đúng vậy, Phòng Kinh tế sẽ đề xuất với UBND huyện làm rõ trách nhiệm cán bộ có liên quan” – ông Kiên nói.
Về vấn đề nêu trên, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Quốc Oai Đỗ Khắc Mịch cho biết, trên địa bàn xã Phú Cát có 8 lò gạch, trong đó, 4 lò đủ điều kiện hoạt động. 4 lò của ông Chiến và ông Thảo chưa đầu tư lắp đặt công nghệ xử lý khói thải, không xây dựng vỏ lò cải tiến và không xin cấp phép xây dựng như người dân phản ánh là đúng. Như vậy là vi phạm. Ông Mịch khẳng định: “Trách nhiệm tham mưu cho UBND huyện để xử lý những lò gạch vi phạm tại xã Phú Cát thuộc về UBND xã, Phòng Kinh tế và Phòng TN&MT huyện. Phòng Quản lý đô thị chỉ có nhiệm vụ hướng dẫn chủ lò hoàn thiện hồ sơ rồi thẩm tra và cấp phép xây dựng khi đủ điều kiện”.