ThienNhien.Net – Đó là khẳng định của ông Vũ Văn Lương, Giám đốc Sở TN&MT Lai Châu khi trả lời phỏng vấn phóng viên Báo TN&MT chiều 27/1 về những vấn đề xung quanh việc quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn trong năm 2015
PV: Thưa ông, trong năm 2014, Sở TN&MT Lai Châu đã triển khai công tác quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn ra sao?
Ông Vũ Văn Lương: Trong năm 2014, Sở TN&MT Lai Châu đã tăng cường kiểm tra tình hình khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh. Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 481/UBND-TN ngày 11/4/2014 chỉ đạo các huyện triển khai các biện pháp giải tỏa tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; Quyết định số 739/QĐ-UBND ngày 08/7/2014 về việc quản lý, bảo vệ các điểm mỏ khoáng sản kim loại đã hết hạn giấy phép khai thác.
Sở cũng đã phối hợp với Cục thuế tỉnh trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 333/QĐ-UBND ngày 10/4/2014 Quy định tỷ lệ quy đổi khoáng sản làm vật liệu xây dựng từ số lượng thành phẩm ra số lượng nguyên khai; tỷ lệ quy đổi từ m3 sang tấn trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Rà soát, khoanh định trình UBND tỉnh phê duyệt 39 khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh (tại các Quyết định: Số 335/QĐ-UBND ngày 10/4/2014 và số 779/QĐ-UBND ngày 21/7/2014).
PV: Còn với các doanh nghiệp, Sở TN&MT Lai Châu đã làm gì để tạo điều kiện cho họ hoạt động và khai thác có hiệu quả tài nguyên khoáng sản cũng như quản lý họ ra sao thưa ông?
Ông Vũ Văn Lương: Sở TN&MT đã thông báo, yêu cầu các tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tính và trình UBND tỉnh phê duyệt giá trị tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của 17 điểm mỏ cấp khai thác khoáng sản trước ngày 01/7/2011 và 06 điểm mỏ cấp phép khai thác theo Luật Khoáng sản mới với tổng số tiền cấp quyền được phê duyệt là 13,1 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2014, Sở TN&MT Lai Châu đã trình UBND tỉnh cấp 15 giấy phép hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, trong đó: Thăm dò 02 giấy phép, 03 giấy phép khai thác khoáng sản phục vụ công trình, 04 đăng ký khai thác trong phạm vi công trình, 06 Giấy phép khai thác khoáng sản. Phê duyệt trữ lượng khoáng sản 02 điểm mỏ.
PV: Năm 2014, được coi là năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011 – 2015, ông có thể cho biết ngành TN&MT Lai Châu sẽ triển khai việc quản lý hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn?
Ông Vũ Văn Lương: Trong năm 2015, Lai châu sẽ tiếp tục triển khai Chương trình hành động số 15-CTr/TU ngày 19/8/2011 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị “về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai thác khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
Cụ thể: Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai hướng dẫn các quy định của Luật Khoáng sản, các văn bản quản lý của tỉnh về quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Tiếp tục triển khai hoàn thiện khoanh định vùng cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt; Rà soát khoanh định các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, khoanh định khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ báo cáo UBND tỉnh đề nghị Bộ TN&MT bàn giao cho tỉnh quản lý, cấp phép…
Bên cạnh đó, Sở TN&MT sẽ rà soát, thông báo cho các tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động khoáng sản hoàn thiện hồ sơ và thực hiện theo nội dung giấy phép; Đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, xử lý các tổ chức được cấp phép hoạt động khoáng sản chấp hành các quy định của pháp luật và tổ chức thẩm định hồ sơ hoạt động khoáng sản theo quy định; Tổng hợp tài liệu, dữ liệu về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh…
PV: Là tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn của cả nước, chắc chắn Lai Châu sẽ gặp không ít khó khăn trong hoạt động quản lý khai thác khoáng sản, Sở TN&MT có những kiến nghị gì thưa ông?
Ông Vũ Văn Lương: Trước hết thay mặt lãnh đạo Sở TN&MT, chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm đầu tư của Bộ TN&MT, các bộ ngành và đặc biệt là lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lai Châu cho hoạt động điều tra, khảo sát, đánh giá bổ sung các khu vực chưa được điều tra địa chất về khoáng sản để xác định toàn bộ tiềm năng khoáng sản của tỉnh Lai Châu.
Bên cạnh đó, Lai Châu cũng mong được tăng cường điều tra cơ bản địa chất, địa chất khoáng sản; điều tra môi trường địa chất và tai biến địa chất giúp cho tỉnh có cơ sở dữ liệu quản lý, phòng tránh tai biến địa chất.
PV: Trân trọng cám ơn ông!