ThienNhien.Net – Chiều ngày 27-1, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đác Nông cho biết, UBND tỉnh Đác Nông vừa ban hành quyết định phê duyệt phương án giao đất, giao rừng phòng hộ cảnh quan quốc lộ 14 cho cá nhân, hộ gia đình tại hai xã Nâm N’Jang và Trường Xuân, huyện Đác Song quản lý.
Theo đó, UBND tỉnh giao Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với UBND huyện Đác Song tiến hành giao xong hơn 349 ha rừng phòng hộ cảnh quan quốc lộ 14 cho cá nhân, hộ gia đình quản lý trước tháng 12 năm 2015.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đác Nông Lê Công Trường cho biết: Mục tiêu của phương án là thực hiện chính sách giao đất, giao rừng cho người dân địa phương để quản lý, sử dụng lâu dài vào mục đích phát triển lâm nghiệp, bảo đảm cho rừng và đất lâm nghiệp có chủ quản lý thực sự. Bên cạnh đó, thu hút được người dân địa phương trực tiếp tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ rừng, tạo cơ hội cho người dân được sản xuất, kinh doanh và hưởng lợi từ rừng góp phần cải thiện, nâng cao mức sống, đồng thời duy trì và nâng cao giá trị sản xuất, tác dụng phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ môi trường, cảnh quan của các khu rừng.
Theo phương án được phê duyệt, đến tháng 12-2015 phải thực hiện xong việc giao đất, giao rừng cho cá nhân và hộ gia đình quản lý. Tổng kinh phí phục vụ thực hiện phương án hơn 528 triệu đồng.
Ông Lê Công Trường cũng nêu rõ, hiện nay Chi cục Kiểm lâm tỉnh đang khẩn trương hoàn thành các thủ tục và kiểm tra, đo đạc ngoài thực địa, khoanh vẽ các loại đất, loại rừng phục vụ xây dựng phương án giao đất, giao rừng cho người dân quản lý.
Rừng phòng hộ cảnh quan quốc lộ 14 đoạn qua huyện Đác Song, tỉnh Đác Nông đã hơn 30 năm tuổi với diện tích ban đầu hơn 400 ha. Ngoài chức năng phòng hộ, rừng thông này còn tạo ra cảnh quan khá đẹp cho cả đoạn đường dài hơn 40 km dọc theo quốc lộ 14 từ huyện Đác Song đến thị xã Gia Nghĩa.
Trong thời gian qua, do những bất cập trong công tác quản lý nên đã có hàng chục ha rừng phòng hộ này bị người dân địa phương chặt phá, lấn chiếm trái phép để xây dựng nhà ở, trồng cây công nghiệp…
Qua rà soát của UBND huyện Đác Song và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đác Nông, tại các tiểu khu 1615, 1622, 1641, 1655, 1665, 1682, 1699 và 1709 thuộc diện tích rừng phòng hộ cảnh quan quốc lộ 14 có tất cả 96 hộ dân lấn chiếm, sử dụng đất rừng để xây dựng nhà, lán trại, lều quán, cây trồng trái phép… Các hộ dân đã xây dựng vật kiến trúc trái phép trong diện tích rừng phòng hộ là 162 cái với diện tích 7.712,8m2, trong đó có 88 nhà với diện tích 4.809,5m2, lán trại, lều quán 35 cái với diện tích 2.242,5m2, công trình phụ 39 cái với diện tích 660,8m2; giếng và hàng rào 23 cái; trồng 1.057 cây công nghiệp trên diện tích 3.414m2 và 496 cây ăn quả trên diện tích 3.339m2; trồng 989 cây rừng gồm keo, bạch đàn, xà cừ trên diện tích 11.870 m2; trồng 259 m2 mì và chiếm dụng trái phép hơn 42.070 m2 đất trống rừng phòng hộ…
Để bảo vệ rừng phòng hộ cảnh quan quốc lộ 14 này, những năm gần đây, UBND huyện Đác Song đã nhiều lần tổ chức cưỡng chế giải tỏa các hộ dân lấn chiếm trái phép này và gần đây nhất là vào ngày 26-4-2014, huyện đã tổ chức cưỡng chế giải tỏa 41 hộ. Ngay sau khi cưỡng chế, giải tỏa, huyện Đác Song tịch thu toàn bộ diện tích được cưỡng chế, giải tỏa bàn giao cho Hạt Kiểm lâm huyện Đác Song quản lý và trồng phục hồi lại rừng đã mất nhằm bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng phòng hộ cảnh quan quốc lộ 14 theo chỉ đạo của UBND tỉnh Đác Nông. Thế nhưng ngay sau khi trồng lại rừng thông, đã có hàng trăm cây thông bị nhổ bỏ, chặt phá và tình trạng chặt phá rừng phòng hộ này vẫn tiếp diễn…
Một trong những nguyên nhân khiến rừng phòng hộ cảnh quan quốc lộ 14 khó quản lý, bảo vệ được là do diện tích rừng trải dài gần 40 km theo quốc lộ 14 và có nhiều hộ dân làm nhà ở, nương rẫy ngay sát diện tích rừng, thậm chí một số hộ còn lấn chiếm ở ngay trong rừng phòng hộ… Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm của huyện mỏng và không thể tuần tra, canh gác liên tục 24/24 giờ trong ngày.
Lợi dụng tình hình đó, các đối tượng chủ yếu chặt phá rừng phòng hộ vào ban đêm với thủ đoạn ngày càng tinh vi như ngoài việc đẽo vỏ chung quanh gốc cây thông để cây chết dần chết mòn, các đối tượng còn dùng khoan khoan trực tiếp vào thân cây rồi bơm thuốc trừ sâu, hóa chất vào lỗ khoan và chỉ vài ngày sau cây thông héo lá, chết dần.
Vì vậy, theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đác Nông Lê Công Trường, chỉ có việc thực hiện phương án giao đất, giao rừng phòng hộ cảnh quan quốc lộ 14 cho cá nhân, hộ gia đình quản lý, gắn trách nhiệm của người dân địa phương trực tiếp tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ rừng thì mới hy vọng quản lý, bảo vệ được rừng phòng hộ cảnh quan quý giá này.