ThienNhien.Net – Mấy năm về trước, Hà Giang – một tỉnh được coi là nơi đầu nguồn hào hứng đón chào các doanh nghiệp làm thủy điện. Nhưng ngay sau đó, khi nhiều nhà máy đi vào hoạt động thì lãnh đạo Hà Giang lại đang phải tìm cách đòi nợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, mà nặng nhất là tiền dịch vụ môi trường rừng. Trong đó có 60 tỷ đồng tiền nợ và sẽ có thể tăng thêm nếu như các doanh nghiệp này tiếp tục chây ì.
Động đâu nợ đấy
Ông Đàm Văn Bông- Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Hiện nay Hà Giang vẫn tập trung vào các thế mạnh như công nghiệp, điện (thủy điện), khoáng sản và du lịch. Trước những bất cập về thủy điện như hiện nay, tới đây, Hà Giang sẽ rà soát và ưu tiên cho phát triển các thủy điện có công suất từ 15 mê-ga-oát trở lên. Còn các thủy điện có công suất lớn hơn sẽ phải xem xét lại. |
Nợ tiền dịch vụ môi trường không phải bây giờ mới có, mà đã có từ nhiều năm trước đó. Nhưng vì rằng “nể anh, nể ả” và nghĩ rằng những năm tới, khi các nhà máy thủy điện đi vào sản xuất ổn định thì số nợ này sẽ được giải quyết nên Hà Giang rất yên tâm. Sau nhiều năm, tích tiểu thành đại, bản chất chây ì với nợ nảy sinh, nên cực chẳng đã, lãnh đạo Hà Giang đã phải vào cuộc.
Theo thống kê ban đầu và theo thông tin riêng mà ĐĐK có được, hiện nay, khối nợ thặng dư về tiền dịch vụ môi trường rừng, mà nói cụ thể ra là nợ với người dân trồng, bảo vệ rừng cho các nhà máy có nước để phát điện đã lên con số 60 tỷ đồng. Tìm hiểu của ĐĐK thì số nợ này sẽ tăng thêm mà không dừng ở đó.
Cực chẳng đã, cuối năm 2014, đầu năm 2015, lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã phải chỉ đạo các ban ngành soạn thảo công văn, gửi đến Bộ Công Thương để cầu cứu, mong Bộ này giúp Hà Giang… đòi nợ. Số nợ của văn bản gửi đi này cũng tương đương với con số nợ mà ĐĐK có được.
Thực trạng nợ dịch vụ môi trường về thủy điện của Hà Giang có cái đặc thù khác với các tỉnh khác. Ở miền đất này hiện nay đang tồn tại hiện tượng: Càng to càng nợ nhiều và càng to thì càng… chây ì. Trong mấy chục nhà máy đã tích nước, chạy tuốc-bin và rơi vào tình trạng nợ nần này phần lớn đều thuộc nhóm “anh cả” về thủy điện do các tổng công ty và công ty từ phía Hà Nội “tiến quân” lên!
To nợ to, bé nợ bé, nợ đến mấy năm dồn một đang là một thực tế về dịch vụ môi trường rừng ở Hà Giang. Từ những cái tên chả mấy ai lạ như Công ty cổ phần Thủy điện Nậm Mu (thuộc Cty cổ phần Sông Đà 9), Cty cổ phần phát triển Điện lực Việt Nam đến Cty cổ phần Bitexco… đều nợ! Nợ, nợ và khó đòi nợ đang là một thực tế của các “anh cả” về thủy điện trên địa bàn nơi “đầu nguồn Tổ quốc” này!
Ngao ngán một… “anh cả”
Tháng 1 năm 2015, UBND tỉnh Hà Giang đã có văn bản gửi Bộ Công thương và các ngành của Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn về việc phối hợp tháo gỡ khó khăn, giúp tỉnh đôn đốc chỉ đạo các doanh nghiệp thủy điện thực hiện nghiêm Nghị định 99/2010/NĐCP về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Theo quy định thì cứ 1 kilôoát điện từ thủy điện, người dân mới được chi trả 20 đồng. |
Trong các Thủy điện hiện có, Cty cổ phần Thủy điện Nậm Mu hiện đang được coi là ông anh cả trong lĩnh vực Thủy điện của Hà Giang. Hiện trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc Hà Giang, Cty này đang sở hữu đến 3 nhà máy thủy điện với các tên như Nậm Mu, Nậm Am và Nậm Ngần, với gần 800 tỷ đầu tư. Hiện nay, riêng nhà máy Nậm Mu, với tổng mức đầu tư 220 tỷ nhưng đang nợ tiền dịch vị môi trường rừng lên đến gần 3 tỷ đồng.
Nằm ngay bên Quốc lộ số 2, trên con đường độc đạo dẫn lên tỉnh cực Bắc Hà Giang, bất kì một khách bộ hành nào đi qua, nhìn sự hoành tráng của Cty cổ phần Thủy điện Nậm Mu, ai cũng cho rằng họ đang làm ăn được và ít biết đến việc âm nợ của Cty này. Theo ông Trần Trọng Thịnh – Trưởng phòng Tổ chức của Cty, hiện nay, trong tổng số nợ tiền dịch vụ môi trường của Hà Giang thì Cty này mới trả được… hơn 400 triệu.
Không những nợ tiền về dịch vụ môi trường rừng với Hà Giang và nhân dân trên địa bàn mà hiện nay công ty này cũng đang nợ ngân hàng cũng như người lao động. Vẫn theo ông Trần Trọng Thịnh, Cty có 156 cán bộ công nhân, phần lớn là các cổ đông nhưng nợ lương của Cty đang hết sức căng thẳng. Hiện nay, theo ông Thịnh, đối với cán bộ, Cty mới có lương trả hết… tháng 6 năm 2014, với công nhân, lương mới trả hết… tháng 10 năm 2014! Cũng theo giãi bày của ông Thịnh, tài sản của Cty chẳng còn bao nhiêu. Vì các giá trị hiện có của nhà máy đều đem “cắm”, “kí” ngân hàng để đảo nợ. Hiện tại, riêng Nhà máy thủy điện Nậm Mu cũng đang nợ trên 1 tỷ tiền bảo hiểm của cán bộ, công nhân viên chức.
Trước “cơn bão” về thủy điện trong những năm gần đây, để các thủy điện có sức sống dài cũng như việc xã hội hóa nghề rừng, tạo thu nhập cho người làm nghề rừng, chống sạt, lở, bồi tụ lòng sông, suối…, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 99/2010/NĐCP về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Nhưng hiện nay, Nghị định này đang bị nhiều lãnh đạo các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh Hà Giang… bỏ rơi!