ThienNhien.Net – Tình trạng lấn chiếm đất rừng phòng hộ ven biển làm hồ nuôi tôm trái phép đang “dậy sóng” tại thôn Đa Ngư, xã Hòa Hiệp Nam, H. Đông Hòa (Phú Yên). Người dân công khai đào bới, hút cát giữa thanh thiên bạch nhật gây sạt lở đường, xâm thực đất rừng phòng hộ ven biển.
Xâm hại nặng nề rừng phòng hộ ven biển
Từ phản ảnh của người dân, chúng tôi về thôn Đa Ngư, xã Hòa Hiệp Nam tận mắt chứng kiến cảnh công khai tàn phá, lấn chiếm đất rừng phòng hộ ven biển làm hồ nuôi tôm trái phép. Nếu như trước đây, thực trạng này đã từng diễn ra gần khu vực bờ biển, thì nay đã ăn sâu vào đất rừng phòng hộ từ 40 đến 50m, kéo dài hơn 1km.
Tại khu vực phía Đông Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam, hoạt động đào bới bờ, hút cát đã gây sạt lở hàng trăm mét đường dân sinh, có nơi mặt đường chỉ còn rộng chưa đầy 1m, thậm chí có đoạn bị cắt đứt không thể đi lại. Hiện tượng sạt lở đất đang tiếp tục diễn ra, đe dọa tường rào của Đồn Biên phòng. Trong khi đó, từ khu vực gần trước cửa Đồn Biên phòng ngược về phía Nam, hoạt động này diễn ra công khai, nghiêm trọng hơn. Người ta ngang nhiên đào đất, hút cát rừng phòng hộ để đắp bờ, phân ranh giới các hồ nuôi tôm, nhưng không thấy cơ quan, tổ chức nào ngăn chặn. Tại một hồ mới vừa khai phá, chúng tôi bắt gặp gần 20 người đang hì hục xắn đất rừng phòng hộ đắp hồ tôm. Gần bên là 5 máy hút cát hoạt động liên tục. Xung quanh là hàng chục lán trại được xây dựng khá kiên cố, có cả hệ thống đường dây điện chiếu sáng được kéo ra từ khu dân cư lân cận.
Theo quan sát của phóng viên, tại đây có thêm hàng chục hồ tôm mới vừa được khai phá từ đất rừng, mỗi hồ có diện tích từ 1.000 đến 3.000m2. Nếu tính cả những hồ cũ trước đây và những hồ mới đào thì tổng diện tích đất rừng phòng hộ bị “nuốt” lên đến cả chục héc-ta. Có điều lạ là người dân không hề ngần ngại, mà vô tư đào bới đất, dùng máy hút cát thản nhiên đắp hồ như không có chuyện gì xảy ra mặc dù thấy phóng viên ghi hình; trong khi đó trụ sở UBND xã nằm cách khu vực trên khoảng 300m theo đường chim bay (?).
Chậm xử lý triệt để
Theo UBND xã Hòa Hiệp Nam, khu vực trên thuộc sông Ngọn, được người dân nuôi tôm thấp triều từ năm 1990. Đến nay đã phát triển lên 101 hồ, tổng diện tích hơn 65ha. Từ đầu năm 2014 đến nay, phát sinh thêm 18 hộ dân tự ý đào, hút cát nâng đáy hồ gây xâm thực đất rừng phòng hộ (mỗi hồ có diện tích từ 1.200 đến 3.000m2). Ông Đinh Thuận, Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Nam thừa nhận: “Tình trạng người dân xâm hại đất rừng phòng hộ ven biển làm hồ nuôi tôm trái phép là có thật. Trong đó có một cán bộ thôn Đa Ngư vi phạm (3 hồ, diện tích khoảng 4.000m2), UBND xã đã đề nghị kiểm điểm trên tinh thần sai phạm đến đâu, xử lý đến đó. Thời gian qua, mặc dù chúng tôi đã thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý, tịch thu nhiều máy móc, dụng cụ vi phạm. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể xử lý triệt để do người dân lén lút dùng máy hút cát chạy bằng điện nên rất khó phát hiện được tiếng động để ngăn chặn, nhất là vào ban đêm”.
Từ thực tế trên và theo nguyện vọng của người dân, ông Thuận đề nghị huyện, tỉnh cần có văn bản chỉ đạo các ngành chức năng khảo sát toàn bộ diện tích khu vực sông Ngọn, xây dựng kế hoạch bảo đảm luồng lạch cho tàu thuyền đi lại, ra vào tránh trú bão. Sau khi khảo sát, lập quy hoạch tổng thể luồng lạch, xem xét diện tích từng hồ tôm để cho bà con thuê nuôi; đồng thời cho chủ trương để UBND xã thu nghĩa vụ tài chính đối với diện tích các mặt nước, bãi bồi ven biển. Đối với diện tích lấn chiếm đất rừng phòng hộ, sau khi có kết luận của đoàn kiểm tra tỉnh, sẽ có hướng xử lý.
Được biết, từ ngày 26-3-2014, UBND H. Đông Hòa đã ra Chỉ thị số 02, đến ngày 10-4-2014, Ban Thường vụ Huyện ủy huyện này tiếp tục ra Chỉ thị 08 nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân tự ý nạo vét, hút cát làm hồ nuôi thủy sản trái phép tại khu vực sông Ngọn. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phi Hổ, Phó Chủ tịch UBND H. Đông Hòa, đến nay vẫn còn một số hộ bất chấp pháp luật, đào, hút cát nâng đáy hồ nuôi tôm gây xâm hại đất rừng phòng hộ ven biển, ảnh hưởng đến tàu thuyền ra vào sông Ngọn. Thực trạng trên còn tiềm ẩn nguy cơ lớn gây ảnh hưởng đến khu tái định cư Phú Lạc. Hiện nay, huyện cũng đã thống kê được danh sách những hộ lấn chiếm đất nuôi tôm trái phép để xử lý cương quyết, trả lại hiện trạng ban đầu đất rừng phòng hộ ven biển đồng thời đề nghị UBND tỉnh cho phép quy hoạch lại vùng nuôi. Nếu người dân muốn nuôi tôm phải xây đá không cho cát sập xuống để bảo vệ rừng phòng hộ bên trong. Riêng khu vực phía Đông bãi Con, kiên quyết không cho phép người dân hút cát đắp hồ nuôi tôm.