ThienNhien.Net – Nguồn lợi thủy sản nước ngọt, đặc biệt là các loại cá đồng thiên nhiên vốn rất phong phú ở Hậu Giang. Tuy nhiên, những năm qua, tình trạng khai thác trái phép nguồn lợi thủy sản trên địa bàn diễn ra khá phổ biến, nhất là các hình thức đánh bắt mang tính tận diệt, làm cho nguồn lợi này đang ngày càng cạn kiệt.
Khai thác tận diệt
Một trong những dụng cụ đánh bắt thủy sản mang tính tận diệt và có thể nguy hiểm đến tính mạng con người hiện nay khá phổ biến là dùng xung điện. Để có một bộ xung điện khá đơn giản, chỉ cần đầu tư khoảng 1,7 triệu đồng là có thể mua một bình ắc quy 12V và một bộ kích điện (người dân thường gọi là con sò) tại bất cứ hiệu sửa chữa điện tử nào, cộng với một bình nhựa và hai cần vợt tự chế. Với bộ xung điện này, khi tiếp xúc, sẽ không còn loài thủy sản nào sống sót. Kiểu bắt cá lớn, cá nhỏ bị “chết oan” này, chẳng bao lâu nguồn thủy sản sẽ bị tận diệt.
Mặc dù đã có quy định cấm, nhưng tình trạng người dân sử dụng xung điện để bắt cá vẫn thường xuyên xảy ra. Ban ngày thì hoạt động có phần lén lút, còn ban đêm thì hoạt động gần như công khai ở các cánh đồng lúa, trên sông, rạch và trở thành “nghề kiếm cơm” của không ít người nghèo.
Nhiều trường hợp bị chính quyền địa phương tịch thu bộ xung điện, vẫn sắm cái khác tiếp tục hoạt động. Còn người dân thì biết nhưng không dám khai báo,vì sợ “trả thù vặt”.
Ông Võ Văn Sang, ở ấp Tân Thuận, xã Đông Phướng A, huyện Châu Thành, than rằng: “Hầu như đêm nào cũng có người đi xuyệt cá, chủ yếu là người ở địa phương. Biết mà không dám la, vì sợ họ quay lại phá vườn, phá rẫy của mình. Ngay như mấy cái ao, mương sau nhà bỏ không, tính thả cá nuôi, nhưng sợ chúng bắt, nên thôi!”…
Ông Nguyễn Văn Phiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, cho hay: Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện còn xuất hiện nhiều ghe cào lưới đánh bắt thủy sản ở một số tỉnh lân cận đến các tuyến sông Hậu, Cái Côn hay Mái Dầm để hoạt động. Điều đáng quan tâm là hầu hết các ghe cào này đều có lắp đặt thêm bộ phận kích điện với hình thức rất tinh vi. Mỗi khi bị cơ quan chức năng phát hiện thì chủ ghe cào vứt bộ phận kích điện xuống sông, sau đó lặn mò tìm lại và tiếp tục hành nghề.
Bên cạnh xung điện, một hình thức khai thác khác cũng mang tính tận thu, tận diệt thủy sản hiện nay là dùng lưới có kích thước mắt nhỏ. Điển hình nhất là người dân sử dụng lờ dây (hay còn gọi là 12 cửa ngục), đây là loại ngư cụ có khả năng bắt được tất cả những con cá khi đi qua. Ngoài 12 cửa ngục còn có những chiếc dớn lưới với kích thước mắt lưới nhỏ li ti (dớn đuôi chuột) được người dân bẫy đầy trên các con sông, kênh, rạch và với dụng cụ này thì không tha bất cứ cá, tôm, tép lớn hay nhỏ…
Ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng: Việc đánh bắt thủy sản bằng xung điện là một cách khai thác phản khoa học, phá hủy sinh cảnh lâu dài, gây ô nhiễm môi trường sống của các loài thủy sản. Hệ quả của việc đánh bắt này, phải mất nhiều năm mới phục hồi lại được môi trường thủy sinh.
Cần có biện pháp hữu hiệu hơn
Theo Nghị định số 128/2005/NĐ-CP ngày 11-10-2008 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, đối với hành vi sử dụng kích điện không giao thẩm quyền xử phạt hành chính cho chính quyền cơ sở mà chỉ dừng ở biện pháp tịch thu phương tiện, nên không đủ sức răn đe và việc quản lý cũng trở nên khó khăn.
Theo thống kê chưa đầy đủ, năm qua ngành chức năng của Hậu Giang đã thu giữ hơn 500 bộ xung điện để đánh bắt cá, trong đó, huyện Châu Thành là địa phương có số lượng nhiều nhất (hơn 210 bộ), kế đến là huyện Châu Thành A (hơn 180 bộ), các địa phương còn lại cũng có từ 20 bộ trở lên. Đây chỉ là con số phát hiện, còn thực tế cao hơn gấp nhiều lần.
Ông Ngô Triều Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy, nhìn nhận: “Sau khi phát hiện các đối tượng dùng xung điện bắt cá, ngành chức năng địa phương chỉ tịch thu phương tiện, nhắc nhở hoặc bắt làm cam kết không tái phạm, bởi những đối tượng này đa phần là hộ nghèo, đời sống khó khăn”. Trong khi đó, nhận thức của người dân chỉ nghiêng về khai thác, còn việc bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản chưa cao. Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản chưa được xã hội hóa, sự phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị – xã hội, các địa phương chưa chặt chẽ, không thường xuyên, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản còn bị bỏ ngỏ…
Nhận thấy được tầm quan trọng của nguồn lợi thủy sản đối với cuộc sống, đặc biệt trước nguy cơ ngày càng bị cạn kiệt do sự đánh bắt mang tính tận thu, tận diệt đang diễn ra mạnh mẽ trong thời gian gần đây, đầu năm 2014, UBND tỉnh Hậu Giang đã thành lập Ban chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở về chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh (gọi tắt BCĐ 188).
Ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Ban chỉ đạo 188, cho biết: “Năm qua, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật trong việc khai thác thủy sản để người dân thấy và nhận thức được trách nhiệm của mình. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra các hoạt động khai thác và bảo vệ thủy sản, từ đó có nhiều vụ vi phạm đã được phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời răn đe, giáo dục trong cộng đồng nhân dân”.
Tuy nhiên, để công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản ngày càng phát huy hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm có những quy định cụ thể hơn đối với các loại ngư cụ khai thác thủy sản đang được sử dụng trong thực tế và có hình thức chế tài mạnh hơn để răn đe trong xử lý vi phạm.
Riêng đối với tỉnh, cần sớm ban hành những quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo tình hình thực tế của địa phương. Trong đó, có quy định kích cỡ mắt lưới như thế nào thì được sử dụng. Đặc biệt, có văn bản nghiêm cấm và hình thức xử phạt đối với các cơ sở mua bán dụng cụ đánh bắt sai quy định. Có như vậy, sẽ giúp cho công tác kiểm tra, xử lý của ngành chức năng được thuận tiện hơn.
Bên cạnh việc ban hành các văn bản quy định, công tác thanh, kiểm tra, thì ngành chức năng ở các địa phương cần nhân rộng mô hình do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động trong năm 2014 là thả cá để tái tạo nguồn lợi thủy sản ngoài tự nhiên. Qua đây, phần nào tác động đến nhận thức của người dân về trách nhiệm của mình trong việc khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Nhiều ý kiến cũng đề nghị cần quan tâm hơn đến những đối tượng nghèo đang hành nghề khai thác thủy sản. Bằng cách có những chính sách đào tạo nghề, hỗ trợ chuyển đổi nghề hợp lý… Có như vậy, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản sẽ mang tính bền vững hơn.