Nhà máy xử lý nước thải TP Vinh hoạt động kém hiệu quả

ThienNhien.Net – Thời gian qua, việc xử lý nguồn nước thải trên địa bàn tỉnh Nghệ An chưa được thực hiện, nguồn nước thải bẩn vẫn trực tiếp chảy ra môi trường gây ô nhiễm. Trong khi đó, Nhà máy xử lý nước thải TP Vinh (Nghệ An) được xây dựng từ vốn vay nước ngoài hàng trăm tỷ đồng, dù đã hoàn thành nhưng đến nay vẫn chưa vận hành đúng quy trình và đủ công suất.

Hệ thống xử lý nước thải TP Vinh xây dựng ở xã Hưng Hòa. (Ảnh: Sơn Tử Phước)
Hệ thống xử lý nước thải TP Vinh xây dựng ở xã Hưng Hòa. (Ảnh: Sơn Tử Phước)

Mỗi ngày khu vực TP Vinh có đến năm triệu m3 nước thải bẩn xả ra môi trường, nếu không được xử lý, khi chảy ra sông, biển, gây ô nhiễm. Giải quyết vấn đề này, TP Vinh đã đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tại xã Hưng Hòa, là một trong ba gói thầu của Dự án “Thoát nước và xử lý chất thải giai đoạn 1 của TP Vinh”, có tổng kinh phí hơn 386 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA. Dự án được khởi công tháng 9-2009, gồm các hạng mục: Hệ thống mương và giếng tách, hệ thống truyền tải, các trạm bơm và nhà máy xử lý nước thải công suất 25.000 m3/ngày đêm. Ngày 14-12-2012, phía nhà thầu xây lắp là Công ty SFCU cùng đại diện UBND thành phố Vinh, các sở, ban, ngành và đại diện Công ty Cổ phần quản lý và phát triển hạ tầng đô thị Vinh (Công ty INFRAVI) tiến hành nghiệm thu, bàn giao công trình. Ngày 16-1-2013, Chủ tịch UBND thành phố Vinh đã có quyết định bàn giao Nhà máy xử lý nước thải cho Công ty INFRAVI quản lý, vận hành và bảo dưỡng. Thế nhưng, dù đã hoàn thành hai năm nhưng hoạt động của Nhà máy xử lý nước thải vẫn “cầm chừng”. Ðây là nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải bẩn ở TP Vinh hiện nay.

Do vận hành không thường xuyên, không đúng quy trình, cho nên nguồn nước đầu ra vẫn là nước bẩn, vì thế đã gây thiệt hại nặng nề cho diện tích trồng lúa của bà con nông dân HTX Phong Ðăng, xã Hưng Hòa (TP Vinh) cũng như vùng nuôi trồng thủy sản của xã Nghi Thái (Nghi Lộc), gây ô nhiễm môi trường khu vực chung quanh. Theo đơn kiến nghị của nhiều hộ xã viên HTX Phong Ðăng, các hộ này có ruộng nằm sát kênh dẫn dòng của Nhà máy xử lý nước thải, đã bị ô nhiễm do nước thải của nhà máy. Phần lớn diện tích lúa ở đây phát triển rất kém, ảnh hưởng nặng nề đến năng suất lúa.

Nguồn nước thải từ nhà máy “đầu vào cũng như đầu ra” còn làm thiệt hại lớn đến diện tích nuôi trồng thủy sản của bà con nông dân xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc. Vụ nuôi tôm mới đây, gần 40 hộ vùng tôm Nghi Thái thất thu, hộ ít, mất từ 50 đến 70 triệu đồng, hộ nhiều, mất trắng tới 150 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Linh, hộ nuôi tôm ở xóm Thái Bình (Nghi Thái) cho biết: Trước đây, nuôi tôm bình thường, hai năm lại đây, do Nhà máy xử lý nước thải TP Vinh xả về đây, tôm nuôi chết hết, cá lớn đến 4 kg cũng chết, người lội nước cũng bị ghẻ lở.

Lý giải vấn đề này, cơ quan chức năng TP Vinh cho biết: Ðại diện Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng đã hoàn thành công tác bàn giao và đang tiến hành kiểm toán, quyết toán công trình, nên hiện nay trách nhiệm thuộc về công ty quản lý, vận hành. Tuy nhiên, về phía Công ty INFRAVI, đơn vị được UBND thành phố Vinh giao quản lý, vận hành và bảo dưỡng nhà máy, lại cho rằng, để xảy ra tình trạng nêu trên không thuộc lỗi của công ty bởi, trên thực tế, trong một năm qua, nhà máy vẫn do phía nhà thầu xây lắp (Công ty SFCU) vận hành. Ðại diện Công ty INFRAVI cho rằng: Quá trình vận hành của nhà thầu chưa bảo đảm quy định kỹ thuật để thải ra môi trường. Theo quan sát, nước thải còn đen và sủi bọt, cần kiểm tra về công nghệ xử lý, trách nhiệm công ty mới chỉ được giao nhiệm vụ vận chuyển nước thải về nhà máy.

Khi người dân đặt câu hỏi về trách nhiệm của nhà thầu (Công ty SFCU) trong quá trình vận hành cũng như chuyển giao công nghệ thì đại diện nhà thầu từ chối trả lời và đổ lỗi do chất lượng nước thải đầu vào không ổn định cả về nồng độ lẫn lưu lượng nên ảnh hưởng đến đầu ra. UBND thành phố Vinh là chủ đầu tư khẳng định, việc vận hành các trạm bơm, các tuyến ống dẫn nước thải từ các trạm bơm về nhà máy lâu nay do Công ty INFRAVI đảm nhận. Công ty có trách nhiệm phối hợp cử công nhân tham gia vận hành cùng nhà thầu và tiếp nhận chuyển giao công nghệ. Còn việc vận hành xử lý nước thải hiện nay, trách nhiệm chính vẫn thuộc về nhà thầu (Công ty SFCU). Phòng Quản lý Ðô thị TP Vinh lại cho rằng: UBND tỉnh chỉ đạo UBND thành phố Vinh ký hợp đồng với nhà thầu SFCU để công ty trao toàn bộ tài liệu, quy trình quản lý, vận hành. Tuy nhiên, đến nay, Công ty INFRAVI vẫn chưa nhận được tài liệu này, do vậy công ty vẫn chưa tham mưu với UBND thành phố Vinh ký hợp đồng với nhà thầu… Trước sự việc nêu trên, Chi cục Bảo vệ Môi trường, thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường có buổi làm việc để làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan và tiến hành lấy mẫu nước để xét nghiệm.

Một hệ lụy khác, sau khi xây dựng xong Nhà máy xử lý nước thải, Công ty INFRAVI đã tuyển dụng 25 lao động để chuẩn bị cho việc vận hành Nhà máy xử lý nước thải, nhưng vì vướng mắc trong chuyển giao nhà máy, nên hiện nay trong số lao động này có người có trình độ thạc sĩ, kỹ sư giỏi mới ra trường được Công ty INFRAVI điều chuyển, tuyển dụng và được cấp kinh phí ra Hà Nội để các chuyên gia châu Âu đào tạo, cấp chứng chỉ rồi ngồi chơi xơi nước.

Tuy nguyên nhân hoạt động của nhà máy kém hiệu quả đã được làm rõ là do khâu bàn giao giữa nhà thầu xây lắp và đơn vị quản lý, nhưng không có ai đứng ra nhận trách nhiệm chính để hoàn tất các thủ tục cần thiết, đưa nhà máy đi vào vận hành đúng quy trình và hết công suất. Ðể rồi đến nay, nhà máy và hệ thống thu gom nước thải có giá trị hàng trăm tỷ đồng bằng vốn vay nước ngoài, xây dựng xong nhưng hoạt động kém hiệu quả. UBND tỉnh Nghệ An và TP Vinh cần làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm tập thể, cá nhân đã để xảy ra tình trạng yếu kém và lãng phí như vậy.

“Ðể xử lý việc này, UBND thành phố Vinh giao Ban quản lý đầu tư và xây dựng TP Vinh khẩn trương làm việc với Sở Tài chính quyết toán dự án theo chỉ đạo của UBND tỉnh; Công ty INFRAVI và Công ty SFCU thực hiện nghiêm túc công tác bàn giao và quản lý tài sản, báo cáo về UBND thành phố. Công ty SFCU tính toán cụ thể kinh phí vận hành hệ thống xử lý nước thải từ năm 2012 đến nay gửi UBND thành phố để có phương án bố trí kinh phí trả nợ…”.

NGUYỄN XUÂN SINH
Chủ tịch UBND thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An

 

“Mang tiếng là có hồ sinh thái (hồ Vinh Tân) nhưng ở đây lại quá bẩn, vì đủ loại rác thải bẩn đổ về đây. Chúng tôi đã đóng đầy đủ phí, có phí xử lý nước thải, nhưng có thấy xử lý gì đâu? Do nước thải bẩn không được xử lý, tình trạng ô nhiễm ngày một trầm trọng, nên người dân ở đây gọi tên mới cho hồ này là hồ “sinh bệnh”.

NGUYỄN THỊ DŨNG
(Khối Phúc Vinh, phường Vinh Tân, TP Vinh, tỉnh Nghệ An)