ThienNhien.Net – Như Đại Đoàn Kết đã phản ánh, trong khi Vịnh Hạ Long vẫn chưa thoát khỏi danh sách khuyến nghị của UNESCO, thì mới đây Tập đoàn Tuần Châu tiếp tục đề xuất với tỉnh Quảng Ninh về phương án điều chỉnh lấn thêm 400 ha mặt nước trong quy hoạch khu du lịch – giải trí quốc tế Tuần Châu. Nếu chính quyền chấp nhận điều đó đồng nghĩa với việc không lưu ý đến khuyến nghị của UNESCO.
Khai thác di sản theo kiểu tận thu
Mấy ngày qua, dư luận không khỏi băn khoăn về đề xuất lấn Vịnh Hạ Long của Tập đoàn Tuần Châu. Trước đó đã có không ít dự án xẻ núi làm đường hay xây nhà tại vùng đệm của di sản. Câu hỏi đặt ra là: Phải chăng tỉnh Quảng Ninh đang quá chiều lòng các nhà đầu tư mà quên mất việc phải bảo tồn, gìn giữ di sản? Nhất là về dự án xây dựng, phát triển khu vực đảo Tuần Châu.
Trước đây, dự án này đã nhiều lần xin mở rộng, nhưng thường gặp phải những ý kiến phản đối gay gắt của giới chuyên môn cũng như các nhà nghiên cứu về di sản. KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội khẳng định: Vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới, là di sản, có thể được coi là báu vật vô giá của quốc gia. Vậy muốn xây dựng đã xin ý kiến của UNESCO hay chưa? Vì khi đã được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, thì phải có đề xuất, phải được tổ chức quốc tế thông qua…
Theo KTS Ngô Doãn Đức, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam: Chúng ta hãy tôn trọng thiên nhiên, đừng can thiệp để có được lợi ích cho một nhóm người nào đó. Chắc không có nơi nào mang đất đá đổ vào khu di sản thiên nhiên thế giới như ở Việt Nam. Hiện nay chúng ta đang khai thác di sản theo kiểu tận thu mà quên mất việc bảo tồn, gìn giữ. Với thực trạng xẻ thịt di sản, ngay cả giới kiến trúc của Quảng Ninh cũng đưa ra những cảnh báo, nhưng vì mục đích kinh tế lớn hơn, nên chủ đầu tư vẫn cứ làm.
Hai mươi năm kể từ khi được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, Vịnh Hạ Long đã góp phần quan trọng trong sự phát triển vượt bậc của vùng đất Quảng Ninh. Di sản Thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long ngày càng có sức lan tỏa và chi phối ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Quảng Ninh và hơn thế nữa cùng với các Di sản thế giới ở Việt Nam, nó là điểm tựa và tạo đà cho sự phát triển nhanh, mạnh của ngành du lịch cả nước trong thời kỳ hội nhập. Và cùng với tốc độ phát triển chóng là sự thiếu quy hoạch, công tác quản lý hạn chế… Vì vậy, cho tới thời điểm này, di sản Vịnh Hạ Long vẫn nằm trong “tầm ngắm” của UNESCO.
Khó thoát danh sách khuyến nghị
Trao đổi về việc thực thi các biện pháp nhằm đưa Vịnh Hạ Long thoát khỏi danh sách khuyến nghị, bà Phạm Thùy Dương Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long khẳng định: Trên cơ sở kết quả khảo sát thực tế, chuyên gia đánh giá cao việc thực thi Công ước UNESCO 1972 và thực hiện tích cực các biện pháp quản lý, bảo tồn Vịnh Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh, BQL Vịnh Hạ Long khẳng định, những quan ngại của UNESCO về những vấn đề tác động xấu đến di sản như phát triển đô thị, công nghiệp, ô nhiễm môi trường, gia tăng dân số cơ học trên Vịnh, phát triển du lịch, xây dựng đường bao biển, phương tiện thủy hoạt động lộn xộn trên Vịnh là không đúng.
Tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thực hiện những hành động cụ thể để bảo tồn Vịnh Hạ Long, đặc biệt là dự án di dời dân cư làng chài ra khỏi vùng lõi di sản. Theo bà Dương, các chuyên gia cho rằng, những kết quả quá trình thẩm định thực tế là cơ sở đáng tin cậy, thuyết phục để bổ sung vào hồ sơ, làm căn cứ giải trình những khuyến nghị của Ủy ban Di sản thế giới trong kỳ họp tới đây để Ủy ban xem xét, đưa Vịnh Hạ Long ra khỏi danh sách khuyến nghị.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long đang gặp nhiều thách thức lớn. Đó là vấn đề môi trường sinh thái và cảnh quan đang bị tác động mạnh bởi sự phát triển của các công trình xây dựng đô thị và các ngành công nghiệp ven bờ vịnh Hạ Long.
Sự gia tăng dân cư, nhà bè, các phương tiện vận chuyển khách du lịch, tàu vận tải, tàu nghỉ đêm trên vịnh. Đây cũng chính là những vấn đề mà Ủy ban di sản thế giới quan ngại trong một số kỳ họp thường niên về công tác bảo tồn các Di sản thế giới. Việc đưa ra những khuyến nghị của Ủy ban Di sản thế giới cũng nhằm để Quảng Ninh quan tâm, nhìn nhận những thách thức và định hướng đúng đắn hơn trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy vịnh Hạ Long.
Được biết, trước khuyến nghị của UNESCO, BQL Vịnh Hạ Long đã có báo cáo giải trình, trong đó đưa ra cam kết những công việc đã và đang triển khai nhằm quản lý, bảo tồn và phát huy tốt các giá trị di sản. Dẫu vậy, vì lý do gì đi nữa, dư luận cũng vẫn băn khoăn trước đề xuất của Tập đoàn Tuần Châu mới đây, rằng việc đặt lợi ích kinh tế lên trên giá trị di sản vẫn đang diễn ra tại Vịnh Hạ Long.