ThienNhien.net – Ông Bùi Vĩnh Kiên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, thực hiện công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, năm 2015 Tổng cục sẽ tiếp tục triển khai 3 đề án trọng điểm. Đó là “Thăm dò quặng urani khu Pà Lừa – Pà Rồng, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam”; “Điều tra, đánh giá tổng thể tài nguyên quặng bauxit, quặng sắt laterit miền Nam Việt Nam”; “Điều tra, đánh giá tổng thể tài nguyên than phần đất liền bể sông Hồng”.
Ngoài ra, Tổng cục sẽ triển khai thi công 2 đề án Chính phủ (Đề án 47): “Bay đo từ – trọng lực tỷ lệ 1:250.000 biển và hải đảo Việt Nam” và “Điều tra, đánh giá đặc điểm cấu trúc địa chất công trình, đề xuất các giải pháp khai thác, sử dụng lãnh thổ phục vụ xây dựng và phát triển hạ tầng dải ven biển Việt Nam” khi được Chính phủ phê duyệt. Đồng thời tiếp tục thực hiện có hiệu quả các đề án điều tra, đánh giá khoáng sản bằng nguồn vốn kinh tế sự nghiệp thường xuyên.
Theo báo cáo đánh giá của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, năm 2014, công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đã có những kết quả đáng khích lệ. Trong đó nổi bật nhất là Tổng cục phối hợp với Hội hang động Nhật Bản đã phát hiện các hang động núi lửa ở Krông Nô, Đắk Nông. Đây là hệ thống hang động núi lửa có giá trị khoa học và thẩm mỹ, có chiều dài bậc nhất Đông Nam Á. Cùng với đó là việc thực hiện Đề án “Điều tra, đánh giá tổng thể tài nguyên than phần đất liền bể sông Hồng”, đã triển khai công tác đo địa chấn 2D và tiến hành khoan, phân tích mẫu. Kết quả đã xác định được vị trí phân bố của 5 tập vỉa và các vỉa than với chất lượng than tốt; xác định được tài nguyên than vùng ven biển Đông Nam Tiền Hải, tỉnh Thái Bình (trên diện tích 20 km2), với tổng tài nguyên gần 1.460 triệu tấn.
Thực hiện Đề án “Điều tra, đánh giá tổng thể tiềm nằng quặng bauxit, quặng sắt laterit miền Nam Việt Nam”, về quặng bauxit, kết quả điều tra khoáng sản 1:50.000 đã phát hiện và dự báo khoảng gần 4.560 triệu tấn quặng nguyên khai. Quặng bauxit tập trung chủ yếu ở các vùng Đắk Nông, Lâm Đồng, Kon Plong – Kon Hà Nừng, Phước Long; với tỷ lệ 1:10.000, vùng Lâm Đồng đã xác định được đặc điểm phân bố, chất lượng quặng và tính toán tài nguyên được 1.400 triệu tấn quặng nguyên khai.
Về quặng sắt laterit phân bố ở khu vực Gia Lai, Đắk Lắk, phía Bắc Đắk Nông, phía Bắc Phước Long và Đồng Nai, trong đó quặng tập trung chủ yếu ở Gia Lai và Đắk Lắk. Tài nguyên dự báo là 3.130 triệu tấn quặng nguyên khai. Kết quả nghiên cứu thử nghiệm luyện gang quặng sắt laterit cho thấy có thể làm giàu quặng sắt sau khi tuyển rửa ở mức hàm lượng 35-35% Fe lên 45-48% Fe bằng phương pháp nung từ hóa và tuyển từ. Quặng sắt ngay sau khi tuyển có thể phối trộn với các quặng khác để luyện gang.
Đối với đề án “Thăm dò quặng uranium khu Pà Lừa – Pà Rồng, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam ”, kết quả thăm dò đã xác định được tổng trữ lượng và tài nguyên Lô A, các lô khác chưa đủ căn cứ xác định trữ lượng và tài nguyên chính xác. Song với diễn biến địa chất đến thời điểm hiện tại, khả năng Đề án sẽ hoàn thành mục tiêu trữ lượng đề ra.
Tổng cục đã hoàn chỉnh và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt 4 đề án mở mới là “Đánh giá chi tiết các diện tích có nguy cơ ô nhiễm môi trường phóng xạ trên địa bàn các tỉnh Nghệ An và Cao Bằng”, “Bay đo từ phổ gamma và trọng lực Lào Cai – Yên Bái tỷ lệ 1:50.000 – 1:25.000”, “Điều tra, đánh giá tiềm năng cát thủy tinh trên địa bàn các tỉnh ven biển Quảng Bình đến Khánh Hòa”, “Đánh giá tổng thể tiềm năng quặng thiếc gốc đới Đà Lạt”.