ThienNhien.Net – Trong vai người buôn gỗ, chúng tôi được người dân bản địa đưa vào khu vực rừng sâu xã Đăk Ang (huyện Ngọc Hồi, Kon Tum), xã nằm ráp ranh giữa 3 huyện Ngọc Hồi – Tu Mơ Rông – Đăk Tô. Tại đây, chúng tôi được tận mắt chứng kiến cảnh lâm tặc ngang nhiên phá rừng.
Phá rừng công khai
Theo chân anh N.V.N – một lâm tặc đã giải nghệ, chúng tôi đi xuyên từ xã Đăk Nông (Ngọc Hồi) đến địa phận rừng thuộc xã Đăk Ang. Vừa đặt chân đến bìa rừng đã thấy âm thanh gầm rú của cưa máy, tiếng cây đổ… Theo quan sát, khoảng rừng này bị chặt phẳng trên diện tích hàng ngàn m2, nhiều gốc đường kính 20cm, nhưng chủ yếu là cây có đường kính 60cm bị hạ.
Ra khỏi khu vực rừng, anh N.V.N dẫn chúng tôi đi theo con đường “xe độ”, lâm tặc gọi là “đường 08” – chạy dọc các quả đồi từ huyện Đăk Tô – Đăk Glei. Dấu vết xe chở gỗ qua vẫn còn mới nguyên, hai bên lề chi chít những đường “xương cá” dẫn vào nơi có cây gỗ bị khai thác.
Theo lời anh N.V.N, những cây gỗ sau khi được chặt hạ, được xẻ thành hộp rồi dùng trâu kéo đến bãi tập kết ở con đường này, cuối cùng “xe độ” vận chuyển xuống địa điểm thuận lợi để xe tải chuyển đi.
Trao đổi với chúng tôi về việc có tình trạng lâm tặc mở đường lên rừng kéo gỗ, ông Vũ Văn Tình – Hạt phó Hạt Kiểm lâm Ngọc Hồi thừa nhận: “Qua những lần đi kiểm tra tại địa bàn, chúng tôi cũng thấy xuất hiện rất nhiều đường xe độ, thậm chí không có đường họ cũng tự mở đường”.
Xe gỗ của lâm tặc “lọt” qua trạm kiểm lâm?
Quan điểmÔng Võ Thanh Thành
“Khi quản lý không nổi, Ban quản lý rừng sẽ đề nghị bằng văn bản để lực lượng chức năng vào cuộc. Nhưng cả năm nay không thấy có văn bản nào”. |
Từ xã Đăk Sao (huyện Tu Mơ Rông), ngay bên bờ suối Đăk Nít, cách trung tâm xã chừng 2km là bãi tập kết gỗ. Thời điểm chúng tôi có mặt vào tờ mờ sáng, vẫn còn mấy hộp gỗ chưa kịp chuyển đi.
“Nếu anh mua, em sẽ vận chuyển tới bãi này rồi anh cho xe vào bốc” – một lâm tặc đang canh giữ gỗ ở đây mời chào. Anh ta còn giới thiệu: “Nếu chỗ này không ưng, em dẫn anh tới bãi gỗ hộp với đủ chiều dài từ 2,5 – 3m…”.
Nói rồi anh ta dẫn chúng tôi ngược theo con đường lên địa điểm khai thác, tới lưng chừng một con dốc thì dừng lại và nói: Ở xã Đăk Sao này, trước đây nhà nào cũng làm gỗ, nhưng nay chỉ còn mấy chủ lớn tuổi như nhà Đ.N, nhà M.M, nhà T.V. Trong đó, nhà Đ.N có quy mô lớn và nuôi nhiều người làm nhất. Giờ Đăk Sao hết gỗ rồi, tất cả bọn họ đều phải sang Đăk Ang khai thác mang về…
Chúng tôi đề cập đến những hộp gỗ lớn dùng làm bộ ngựa. “Loại đường kính cỡ 1m giờ hiếm lắm, những loại đường kính 80cm thì vẫn còn” – nói xong lâm tặc chỉ xuống phía dưới, nơi có hai khúc gỗ đường kính chừng hơn 1m đang nằm kẹt trong một khe núi: “Đây là hai khúc gỗ sao cát, đường kính hơn 1m, dài 3m. Bữa trước em hạ mà nó kẹt chưa xẻ được, nếu anh thấy ưng thì em tìm cách lấy ra”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, gỗ được vận chuyển xuống TP.Kon Tum phải đi dọc theo đường Tỉnh lộ 678 từ xã Đăk Sao (huyện Tu Mơ Rông) tới huyện Đăk Tô. Đoạn đường này có 2 trạm kiểm lâm và 1 chốt liên ngành đặt tại xã Kon Đào (huyện Đăk Tô), nhưng không hiểu sao gỗ vẫn đi lọt?
Ngày 14.1, ông Võ Thanh Thành – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ngọc Hồi cho biết: Khu vực được phóng viên phản ánh thuộc tiểu khu 147,146,144 xã Đăk Ang, thuộc lâm phần quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Ang. “Khi quản lý không nổi, Ban quản lý rừng sẽ đề nghị bằng văn bản để lực lượng chức năng vào cuộc. Nhưng cả năm nay không thấy có văn bản nào”- ông Thành nói.
Chiều 14.1, chúng tôi liên hệ qua điện thoại với ông Vũ Đình Chi – Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Ang để làm việc về những nội dung trên thì ông Chi thẳng thừng: “Ngày mai tôi họp nội chính, ngày mốt tôi cũng họp không có thời gian để tiếp”.
Liên hệ làm việc với ông Nguyễn Mạnh Vũ – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Tô để làm việc về tình trạng vận chuyển gỗ qua địa bàn nhưng được cán bộ tại Hạt thông báo, ông Vũ không có ở cơ quan, liên hệ qua điện thoại riêng nhưng ông không bắt máy.