Vườn quốc gia Yok Đôn đang bị xâm hại nghiêm trọng  

ThienNhien.Net – Vườn quốc gia (VQG) Yok Đôn (nằm trên địa bàn tỉnh Đác Lắc) được xếp vào loại A trong các khu bảo vệ có tầm quan trọng về đa dạng sinh học và là nơi duy nhất của Việt Nam bảo tồn được loại rừng khộp đặc trưng. Đa dạng sinh học ở VQG Yok Đôn đang bị xâm hại nghiêm trọng dẫn đến việc mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống. Khôi phục, bảo vệ nguồn tài nguyên rừng ở Yok Đôn là một việc làm cấp bách hiện nay.

Hệ sinh thái rừng khộp ở Vườn quốc gia Yok Đôn (Đác Lắc) bị khai thác một cách bừa bãi
Hệ sinh thái rừng khộp ở Vườn quốc gia Yok Đôn (Đác Lắc) bị khai thác một cách bừa bãi

Với diện tích 115.545 ha, chủ yếu là hệ thống rừng khộp (chiếm 93% số diện tích), VQG Yok Đôn mang tính đặc trưng của rừng nhiệt đới Đông – Nam Á. Theo khảo sát của các nhà khoa học, Yok Đôn hiện có khoảng 489 loài động vật thuộc 54 họ, 16 bộ; trong đó với 67 loài thú, 196 loài chim, 46 loài bò sát, 15 loài lưỡng cư và khoảng 100 loài côn trùng sinh sống. Nguồn động vật hoang dã ở đây không những phong phú và đa dạng mà còn rất đặc trưng cho hệ động vật vùng Đông – Nam Á. Trong số 56 loài động vật quý hiếm của khu vực Đông Dương thì Yok Đôn có đến 36 loài và 17 loài được ghi trong sách đỏ thế giới như voi, trâu rừng, bò sừng xoắn, hươu sao, sơn dương, gà lôi, công, sáo, phượng hoàng… Là khu vực duy nhất ở Việt Nam có nhiều động vật quý tập trung với số lượng lớn như bò rừng, báo, nai cà tông, kỳ đà nước và cũng là một trong những vùng bảo tồn chim quan trọng của nước ta, nhất là đối với chim công, chìa vôi Mê Công và quắm lớn… Hệ thực vật với 858 loài thuộc 129 họ, trong đó có tới 116 loài (chiếm 14%) cho gỗ với giá trị kinh tế cao như: trắc, cà te, cẩm lai, giáng hương, chiêu liêu đen… Ngoài ra, còn có hơn 100 loài cây làm thuốc, hàng chục loài làm cảnh và cung cấp nguyên liệu đan lát, thủ công mỹ nghệ, thực phẩm.

Yok Đôn là VQG duy nhất ở Việt Nam bảo tồn kiểu rừng cây họ dầu như cây dầu xà ben và cây dầu lông. Là nơi để các nhà khoa học nghiên cứu về đa dạng sinh học, đặc điểm sinh thái các loài động thực vật như voi, thú móng guốc, hổ báo Đông Dương, các loài chim…

Hiện nay, VQG Yok Đôn đang bị lâm tặc lộng hành, nhiều cây gỗ quý, động vật rừng có nguy cơ suy giảm nghiêm trọng. Trước nguồn lợi và những đặc thù có một không hai của rừng khộp ở VQG Yok Đôn, công tác bảo vệ, bảo tồn tài nguyên, môi trường đứng trước thách thức từ tác động của đời sống kinh tế, xã hội.

Với ưu thế hơn 90% là rừng khộp, Yok Đôn là nơi chứa đựng nguồn dược liệu đa dạng, phong phú với 64 loài cây làm thuốc như địa liền, thiên niên kiện, hà thủ ô, sâm bố chính, mã tiền… Tuy nhiên, hiện nay những cây dược liệu này đang bị suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt nhiều loài thuốc quý đang đứng trước nguy cơ biến mất. Việc khai thác lâm sản trái phép trong VQG với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp khiến tài nguyên rừng đang dần cạn kiệt, mà chủ yếu là những loại gỗ quý hiếm như: căm xe, hương, trắc, gỗ đỏ, cà chít… Sau cây cảnh, thú rừng cũng trở thành thú chơi “độc” của các đại gia. Thú rừng đẹp, hiếm và nằm trong “sách đỏ” thì càng “độc” và vô giá, nhiều người sẵn sàng bỏ ra hàng chục, hàng trăm triệu đồng để mua những loài như đại bàng, khỉ đỏ đít, sáo… Chính vì thế, các loài động vật ở VQG Yok Đôn đang ngày đêm bị “xẻ thịt” một cách không thương tiếc mà phương thức phổ biến được các thợ săn sử dụng là lồng hoặc lẫy để bẫy.

Ngoài những kiểu “tận diệt” nêu trên, còn nhiều nguyên nhân khiến hệ sinh thái rừng khộp ở VQG Yok Đôn đang ngày càng suy giảm nghiêm trọng như tập quán chặt phá rừng làm nương rẫy; chuyển đổi đất rừng sang trồng cà-phê, cao-su, làm thủy điện; nạn cháy rừng.

Theo đánh giá của Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp -Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Đỗ Trọng Kim thì tình trạng phá rừng ở VQG Yok Đôn đã đến mức báo động đỏ. Khảo sát sự đa dạng sinh học ở VQG Yok Đôn mới đây, chứng kiến cảnh người dân vào rừng khai thác các loại cây thuốc quý một cách tràn lan, thiếu khoa học và có nguy cơ tận diệt, Giáo sư, tiến sĩ khoa học Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam cho biết: Để bảo tồn những loài cây dược liệu trong vùng đệm VQG Yok Đôn, bên cạnh việc nghiêm ngặt bảo vệ rừng; giúp đỡ, giao đất để người dân trong vùng định canh, định cư ổn định địa bàn canh tác, chúng ta phải hướng dẫn vận động họ thu, hái một cách khoa học. Đồng thời, khuyến khích và tạo điều kiện giúp người dân trồng và nhân rộng các loài cây thuốc tại gia đình, ven rừng để bảo đảm cho cây tái sinh, sinh trưởng, phát triển tốt, giữ gìn nguồn tài nguyên quý giá này. Địa phương cũng cần có kế hoạch khai thác, bảo vệ, nhân nuôi để phát triển thành nơi cung cấp nguồn dược liệu, hương liệu cho cả nước và xuất khẩu.

Hội thảo Bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phối hợp với Cục Bảo tồn đa dạng sinh học tổ chức tại TP Buôn Ma Thuột (Đác Lắc) đưa ra vấn đề khẩn thiết phải cứu lấy hệ sinh thái rừng khộp ở Tây Nguyên. Các nhà khoa học cho rằng, phải áp dụng các biện pháp đồng bộ để ngăn chặn kịp thời những hoạt động có nguy cơ phá vỡ hệ sinh thái rừng khộp. Tiến sĩ Vũ Văn Dũng (Viện Điều tra và quy hoạch rừng) cho biết: Bảo vệ được VQG Yok Đôn là bảo vệ được hệ sinh thái rừng khộp của Đông – Nam Á và Việt Nam.

Để làm tốt việc đó, chúng ta phải tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ người dân ở vành đai rừng để họ yên tâm sinh sống và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về vai trò và lợi ích của rừng. Xây dựng một số trạm cứu hộ động vật trên địa bàn; nhân rộng mô hình chăn nuôi động vật hoang dã dưới tán rừng, khu nhân giống các loài cây quý hiếm bản địa…

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đác Lắc Đinh Văn Khiết: Mất hệ sinh thái rừng khộp đồng nghĩa với sẽ không còn rừng Tây Nguyên. Chính vì thế, việc bảo vệ, bảo tồn rừng khộp trước áp lực phát triển kinh tế, xã hội hiện nay càng trở nên thách thức không chỉ đối với các cơ quan chức năng, nhà khoa học mà còn là vấn đề của toàn xã hội bởi sự đa dạng sinh học này là tài nguyên vô giá của Việt Nam. Do vậy, việc tăng cường công tác bảo tồn tại Yok Đôn là nhiệm vụ cấp bách, là “bài toán” cần sớm có lời giải!