ThienNhien.Net – Sông Ngàn Sâu chảy qua địa bàn 8 xã của huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh được trải dài trên 12 km. Thời gian qua, dòng sông này đang bị “móc ruột” bởi nhiều cá nhân trên địa bàn đang cố tình khai thác cát trái trái phép. Các cơ quan chức năng đã lên tiếng, vào cuộc xử lý nhưng tình trạng này vẫn không được giải quyết dứt điểm, hậu quả là gây sạt lở bờ sông và kéo theo nhiều hệ lụy khác.
Khai thác cát trái phép công khai
Chuyện “cát tặc” ngang nhiên lộng hành giữa ban ngày trên sông Ngàn Sâu thuộc địa bàn huyện Hương Khê nhưng cán bộ quản lý địa phương không hề biết, hay biết nhưng không thể xử lý vì lý do nhu cầu xây dựng nông thôn mới (NTM) đã mở đầu cho câu chuyện đề cập vấn đề nhức nhối nạn “cát tặc” lâu nay tại địa phương này.
Theo đơn thư phản ánh, khoảng 13h15 ngày 16/01/2015, chúng tôi có mặt tại thôn 3 xã Hà Linh, huyện Hương Khê bắt gặp 3 chiếc tàu hút cát đang hoạt động ngay ở vị trí sạt lở của bờ sông Ngàn Sâu. Tiếng máy chạy xình xịch váng động cả khúc sông trưa. Trên boong tàu, nhóm “cát tặc” đang hối hả cầm lăng xịt nước phun tuồn cát trực tiếp vào thùng xe tải đang chờ sẵn. Điều đáng nói, khu vực này nằm gần tỉnh lộ 15A, cách trụ sở UBND xã Hà Linh vài cây số nhưng ngày ngày vẫn nườm nượp xe tải ra vào mua cát. Chúng tôi đã gọi điện cho ông Chủ tịch UBND xã Hà Linh để phản ánh tình hình…
Việc hút cát trên đoạn sông Ngàn Sâu chảy qua xã Hà Linh diễn ra công khai đã nhiều năm nay mà không được xử lý dứt điểm, điều đó dấy lên mối hoài nghi không nhỏ từ dư luận: “Họ hút cát ngay ở mố cầu, gây sạt lở bờ sông. Biết đó nhưng dân chúng tôi không không dám ra phản ánh nữa, đội đó mà biết thì chỉ có chết. Chắc đã phải “làm luật” mới được làm thoải mái như thế”, một người dân chia sẻ.
Từ địa điểm này di chuyển lên xã Hương Thủy khoảng 3,5km là đến bến dừng của các tàu hút cát. Được biết, khu vực này trước đây là bến làng sinh hoạt của người dân nhưng một số đối tượng “cát tặc” đã “tự tung, tự tác” cải tạo bến, lắp ráp phương tiện để di chuyển cát từ tàu lên bờ. Khi PV Báo Tài nguyên & Môi trường có mặt, có 5 tàu chở đầy cát đang vào gần bến thì phát hiện ra nên đã cho tàu dừng cách bến chừng 0,5km, trên bờ nhiều xe tải đến mua cát vẫn đang chờ. “Cát tặc” trước khi đưa vào bến thường được chủ tàu liên hệ với các công trình làm đường, kè đập hoặc người dân có nhu cầu nên thời gian giao dịch nhanh, lực lượng chức năng khó bắt quả tang.
Hậu quả là, không chỉ nguồn tài nguyên của địa phương bị thất thoát mà còn kéo theo những hệ lụy khác. Một trong những vấn đề gây nhiều bức xúc là việc khai thác cát trái phép đang “góp phần” gây ra mối lo ngại về “thảm họa” sạt lở bờ sông. Hàng chục héc ta đất nông nghiệp, ruộng vườn những năm qua ở Hương Khê đã bị dòng sông Ngàn Sâu nuốt chửng. Nhiều nhà dân hai bên bờ sông có thể đổ xuống bất cứ lúc nào, đã có không ít hộ gia đình đã phải di chuyển chổ ở và nay vị trí đó đã nằm trọn trong lòng sông.
Tiếp xúc với một số đối tượng khai thác cát trái phép, họ đều khẳng định chính quyền cho phép lấy để phục vụ xây dựng NTM. Thế nhưng khi được hỏi về những giấy tờ cho phép của địa phương thì không xuất trình được.
Khai thác cát trái phép để xây dựng nông thôn mới?
Việc “cát tặc” lộng hành trong thời gian qua tại địa bàn huyện Hương Khê liệu chính quyền có hay không biết ?. Ông Nguyễn Văn Việt- Phó chủ tịch UBND huyện Hương Khê đã gây “sốc” khi trả lời tại buổi làm việc với Báo Tài nguyên & môi trường rằng:“Việc đó biết là chưa đúng những cũng phải tạo điều kiện, nếu không thì lấy đâu ra cát mà xây dựng NTM…!”. Ông Nguyễn Văn Việt giải thích thêm: “Chúng tôi chỉ cho phép các địa phương vận dụng khai thác cát để xây dựng NTM nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí, nhưng có yêu cầu bắt buộc là không được phép vận chuyển cát ra khỏi địa bàn. Bởi lẽ, nếu đến các điểm mỏ được cấp phép để mua cát rất xa, sẽ mất chi phí lớn gây khó khăn cho từng địa phương và thời gian thực hiện chương trình NTM”(?!).
Phản ánh tới Báo Tài nguyên & Môi trường, nhiều người dân bức xúc cho rằng việc khai thác cát phục vụ NTM chỉ là cái cớ, nhiều cá nhân đã móc nối với chính quyền địa phương khai thác cát bán ra khỏi địa bàn để trục lợi. Không ít cá nhân đã nhìn thấy sự “ngon ăn” nên đã nảy sinh ý tưởng sắm phương tiện, đang ngày đêm “móc ruột” lòng sông Ngàn Sâu mà bất chấp những hệ lụy đã được dự báo, như sạt lở bờ sông.
Ví dụ như xã Hà Linh hiện nay có 10 tàu khai thác cát của người dân ở địa bàn hoạt động trái phép, diễn ra hàng ngày trên địa bàn sông Ngàn Sâu do xã quản lý. Khi trả lời phóng viên, lãnh đạo chính quyền cũng cho rằng huyện cho phép tận thu để phục vụ xây dựng NTM trong địa bàn. Kết thúc năm 2014, địa phương này mới chỉ hoàn thành 5 tiêu chí NTM, triển khai chưa đầy 5km đường giao thông nông thôn. Vậy, với số lượng tàu hiện có và mức độ khai thác cát như vậy thì mỗi ngày ước tính có bao nhiêu khối cát sẽ được lên bờ và liệu có được sử dụng theo chủ trương phục vụ xây dựng NTM tại địa phương?.
Được biết, lực lượng Phòng CSGT đường thủy nội địa Công an tỉnh Hà Tĩnh bắt quả tang đối tượng Nguyễn Văn Hùng trú tại thôn 3, xã Hà Linh đang tổ chức khai thác cát bán ra khỏi địa bàn cho một số khác hàng ở huyện Thạch Hà. Lập biên bản hiện trường, lực lượng chức năng đã phát hiện thêm bản thân đối tượng Hùng là cán bộ thôn 3, đồng thời yêu cầu đối tượng tháo dỡ phương tiện giao cho UBND xã Hà Linh xử lý. Dư luận đặt câu hỏi bao giờ mới chấm dứt được hoạt động khai thác cát trái phép này?.
“Hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Ngàn Sâu thuộc huyện Hương Khê đã diễn ra từ nhiều năm, huyện cũng đã có nhiều giải pháp để ngăn chặn nhưng chưa thể xử lý triệt để. Hiện nay trên địa bàn huyện Hương Khê chỉ có 5 địa điểm được quy hoạch cho phép khai thác cát gồm có ở xã Phường Mỹ, Phúc Đồng, Hòa Hải, Phúc Trạch, Hương Trạch” – Ông Phan Quốc Lập, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hương Khê cho biết. |