Quả đắng từ nhà thầu Trung Quốc

ThienNhien.Net – Lại thêm một nhà thầu Trung Quốc bỏ thầu với giá rất rẻ sau đó vòi thêm tiền từ chủ đầu tư, không được thì dây dưa kéo dài thời gian khiến chủ đầu tư buộc phải khởi kiện nhà thầu Trung Quốc ra trung tâm trọng tài quốc tế (VIAC).

Phương tiện thi công Thủy điện Thượng Kon Tum bị gỉ sét tại công trường. (Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp)
Phương tiện thi công Thủy điện Thượng Kon Tum bị gỉ sét tại công trường. (Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp)

Đây là thông tin chính thức từ đại diện Cty CP Thuỷ điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh, chủ đầu tư dự án thuỷ điện Thượng Kon Tum khi họ vừa hoàn tất hồ sơ khởi kiện liên danh nhà thầu Trung Quốc là Viện Hoa Đông và Tập đoàn thủy điện Trung Quốc và Cty TNHH Cục Đường sắt Trung Quốc số 18.

“Sa lầy” vì… giá rẻ

Dự án Thủy điện Thượng Kon Tum nằm trên sông Đắk Nghé (nhánh thượng nguồn của sông Sê San), được Thủ tướng Chính phủ cho phép Cty CP Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh đầu tư năm 2006, với công suất lắp máy 220 MW. Dự án được khởi công vào tháng 9/2009, với tổng vốn đầu tư hơn 5.744 tỷ đồng (30% là vốn tự có của chủ đầu tư, còn lại là đi vay). Theo kế hoạch, dự án sẽ phát điện tổ máy thứ nhất vào quý 3/2013 và đưa vào vận hành cả 2 tổ máy vào năm 2014. Dự án sẽ cấp điện thương phẩm vào năm 2015.

Tháng 10/2010, Cty CP Thủy điện Vĩnh Sơn- Sông Hinh đã ký hợp đồng gói thầu (TKT-4.2.1) Thiết kế và xây dựng tuyến năng lượng đoạn 2 dự án thủy điện Thượng Kon Tum, với Liên danh Viện Hoa Đông Tập đoàn thủy điện Trung Quốc và Cty TNHH Cục Đường sắt Trung Quốc số 18. Nhà thầu Trung Quốc đã trúng gói thầu trên với giá 1.614 tỷ đồng, rẻ hơn một nửa so với giá nhà thầu khác đưa ra. Tuy nhiên, sau khi trúng thầu, nhà thầu đã chậm tiến độ trên tất cả các hạng mục, cùng với đó họ liên tục yêu sách, viện đủ lý do để đòi thêm hơn 800 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Cty CP thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh, đến đầu tháng 6/2014, thời gian thi công gói thầu đã trôi qua 95% nhưng khối lượng công việc chỉ đạt khoảng 24%. Hầm dẫn nước đào bằng máy mới thi công được hơn 1,8km, bằng 14,7% khối lượng thiết kế. Bình quân mỗi tháng, đơn vị thi công chỉ đào được 91m/tháng, trong khi theo tiến độ dự thầu của tổ hợp nhà thầu, bình quân mỗi tháng đào 530m. Ngoài ra, một số hạng mục khác cũng đang thi công chậm như Nhà máy tầng 1 mới đào đá được 67%, tầng 3 đào được 9% khối lượng thiết kế. Hầm giao thông, thời gian thi công 24 tháng bắt đầu từ đầu năm 2010 nhưng đến nay tổ hợp nhà thầu đã thi công phần đào đường hầm, phần gia cố mới đạt khoảng 50% khối lượng công việc….

Ông Võ Thành Trung – Tổng giám đốc Cty CP thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh cho biết, mặc dù các hạng mục bị chậm trễ so với cam kết, được chủ đầu tư nhắc nhở nhưng nhà thầu Trung Quốc không tập trung khắc phục mà chỉ lo đòi hỏi những điều kiện hết sức phi lý, không có trong hợp đồng như: bổ sung chi phí do ảnh hưởng cấp điện, chi phí rò rỉ nước ngầm, ảnh hưởng đường vào côngtrường, tăng phí trượt giá… Chủ đầu tư đã nhiều lần làm việc để tháo gỡ nhưng các nhà thầu Trung Quốc vẫn cố tình không chấp thuận, kéo dài thời gian để tăng giá xây dựng, nếu không được đáp ứng thì ngưng thi công. Trong làm việc nếu đuối lý với chủ đầu tư thì cố tình… ăn vạ, chây ì, gây khó dễ. Tính đến thời điểm này, nhà thầu đã ngưng thi công, rút máy móc và nhân công về nước được hơn nửa năm.

Lỗi từ đâu?

Mỗi năm dự án chậm tiến độ, nhà máy thất thu từ 1.000 đến 1.200 tỷ đồng.

Trong văn giải trình lý do khiến công trình chậm tiến độ, liên doanh nhà thầu Trung Quốc cho rằng, nhiều lao động địa phương đã bỏ việc giữa chừng, tình hình an ninh chưa đảm bảo, các nhà thầu Trung Quốc không muốn cung cấp thiết bị qua công trường… Tuy nhiên, cả Công an tỉnh Kon Tum và chủ đầu tư đều nhận định, “đây chỉ là cái cớ” để nhà thầu chây ì, đòi thêm tiền. Công an tỉnh Kon Tum khẳng định, an ninh trên công trường rất tốt, không có sự cản trở nào, chính quyền và chủ đầu tư đã tạo điều kiện tối đa để nhà thầu hoạt động.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tổ hợp nhà thầu Trung Quốc theo hợp đồng là Cty TNHH Cục Đường sắt số 18 (CR18) và Viện Hoa Đông chỉ hoạt động khá tốt được một thời gian ngắn, sau đó xảy ra bất đồng nên CR18 rút toàn bộ nhân lực. Viện Hoa Đông đã thuê lại nhiều thầu phụ từ Trung Quốc sang để thi công, nhưng chủ đầu tư không hề hay biết. Thực tế, mỗi thầu phụ thi công một hạng mục công trình và các thầu phụ cũng thay đổi liên tục do giá cả Viện Hoa Đông trả không hợp lý. Bản thân Viện Hoa Đông là đơn vị thiếu kinh nghiệm quản lý và thi công nên khi điều hành đội ngũ nhà thầu phụ thiếu năng lực dẫn đến chậm trễ tiến độ công trình. Chưa kể đến vấn đề tài chính của nhà thầu cũng khó khăn, vì Cty mẹ bên Trung Quốc không chuyển tiền qua Việt Nam, nhà thầu chỉ sử dụng tiền tạm ứng và thanh toán của chủ đầu tư để thi công, nên trong thời gian dài đạt khối lượng rất ít.

Thứ trưởng Bộ Công thương ông Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ đã nhận được thông tin liên danh nhà thầu Trung Quốc trúng thầu với giá chỉ rẻ bằng một nửa so với nhà thầu khác để rồi sau đó lại đòi tăng giá xây dựng, không được đáp ứng thì ngưng thi công. Để xảy ra tình trạng này là trách nhiệm của chủ đầu tư. Chủ đầu tư chấp nhận giá rẻ mà cho rằng có thể đạt được hiệu quả tốt, thế nhưng khi không được như vậy thì phải tính cách khác.

Mặc dù, dự án đang trong quá trình tìm nhà thầu thay thế, nhưng thiệt hại do chậm tiến độ đang ngày càng tăng lên. Đặc biệt, nhà thầu Trung Quốc tỏ ra rất thiếu hợp tác, không chịu bàn giao hồ sơ thiết kế và các tài liệu liên quan. Theo ông Đào Xuân Quý – Phó Bí thư tỉnh ủy Kon Tum, mỗi năm dự án chậm tiến độ, nhà máy thất thu từ 1.000 đến 1.200 tỷ đồng.

Không đơn thuần là giá rẻĐại biểu Quốc hội bà Bùi Thị An (Đại biểu đoàn Hà Nội) lo ngại, hiện tượng nhà thầu Trung Quốc bỏ thầu rẻ rồi chậm trễ, kéo dài thời gian thi công sau đó đòi tăng giá, không được đáp ứng thì ngừng thi công là một tình trạng khá phổ biến những năm qua. Bà lấy ví dụ, năm 2012, nhà thầu Trung Quốc thắng thầu thi công nhà máy nhiệt điện Nông Sơn (Quảng Nam) do bỏ giá rẻ nhưng ì ạch từ năm 2008 đến năm 2012 thì dừng hẳn, rút công nhân về nước sau khi chậm tiến độ hơn 2 năm trong khi công trình mới xây dựng được phân nửa khối lượng. Gần đây nhất là vụ nhà thầu Trung Quốc thi công đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông để xảy ra 2 vụ tai nạn nghiêm trọng liên tiếp trong vòng 2 tháng. Bộ GTVT đã buộc tổng thầu phải thay nhà thầu khác mới cho tiếp tục thi công.

Thực tế, một giai đoạn dài ở Việt Nam, các nhà thầu Trung Quốc thiếu năng lực cả về kinh nghiệm chuyên môn đến tiềm lực tài chính đã dễ dàng trúng thầu khi bỏ thầu giá rẻ. Một số chuyên gia nhận xét, tình trạng trên bắt nguồn từ kẽ hở của Luật Đấu thầu, cộng với sự thiếu minh bạch trong công tác tổ chức đấu thầu. Trên thực tế, sau khi trúng thầu, các nhà thầu phát sinh nhiều khoản chi phí, đội giá lên, chủ đầu tư lại cho quyết toán, cuối cùng công trình rẻ hóa đắt, trong khi chất lượng không đảm bảo. Đại biểu An đặt vấn đề, dù sau này đã nhìn thấy bản chất nhà thầu Trung Quốc như vậy nhưng một số chủ đầu tư vẫn tiếp tục để cho nhà thầu trúng thầu ở các công trình khác. Vì vậy, cần phải xem lại công tác quản lý nhà nước: tổ chức đấu thầu, thẩm định thầu, tư vấn thế nào… Cần phải truy trách nhiệm đến cùng người đứng đầu các công trình, ai là người duyệt thầu? Tại sao lại để những nhà thầu Trung Quốc không đủ năng lực tài chính, năng lực kỹ thuật mà vẫn trúng thầu? Một số chuyên gia khuyến nghị, Luật Đấu thầu 2013 có hiệu lực từ 01/7/2014 đã bổ sung một số quy định nhằm hạn chế tình trạng nhà thầu thiếu năng lực bỏ thầu giá rẻ. Tuy nhiên, để khắc phục triệt để tình trạng trên từ công tác tổ chức đấu thầu đến giám sát cần được thực hiện một cách chuyên nghiệp và có trách nhiệm.

(Tham khảo thêm bài viết “Công cụ và trách nhiệm công vụ” trên DĐDN số 4 ra ngày 14/1/2015).

 

Cần phòng tránh từ xa

LS Trần Thu Nam - Trọng tài viên của Trung tâm trọng tài quốc tế Thái Bình Dương
LS Trần Thu Nam – Trọng tài viên của Trung tâm trọng tài quốc tế Thái Bình Dương

Những vụ việc khởi kiện ra trung tâm trọng tài có yếu tố nước ngoài thường gặp nhiều trở ngại đối với các cơ quan tố tụng ở Việt Nam. Đặc biệt, sau khi thụ lý, các trung tâm trọng tài thường gặp khó khăn trong việc tống đạt các quyết định. Từ việc triệu tập các bên đương sự đến ra thông báo, ra phán quyết, cuối cùng là khâu thi hành án càng khó khăn hơn nếu họ không hợp tác. Phía Việt Nam sẽ phải thông qua các cơ quan hợp tác quốc tế trong vấn đề tư pháp, hỗ trợ tư pháp quốc tế, nhờ đến các cơ quan ngoại giao của Việt Nam để tống đạt các quyết định đến cơ quan mẹ của nhà thầu ở Trung Quốc.

Phán quyết của các trung tâm trọng tài quốc tế có hiệu lực thi hành án ở tất cả các nước tham gia ký Công ước New York 1958. Tại Việt Nam, cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm trong việc thi hành các phán quyết trọng tài. Sau khi ra phán quyết, trung tâm trọng tài quốc tế sẽ gửi cho các cơ quan thi hành án hoặc hỗ trợ quốc tế trong vấn đề thi hành án, áp dụng các luật quốc tế để giải quyết.

Điều đáng lưu ý là phải xem xét thỏa thuận trọng tài trong hợp đồng được ký kết giữa các bên. Một số vụ việc khi có yếu tố nước ngoài không bao giờ các bên lựa chọn pháp luật của một trong hai bên đểgiải quyết tranh chấp mà lựa chọn pháp luật của nước thứ ba nhằm đảm bảo công bằng.

Qua vụ việc nhà đầu tư thuỷ điện Thượng Kon Tum kiện nhà thầu Trung Quốc ngừng thi công cho thấy, cần có quy định chặt chẽ hơn đối với các nhà thầu nước ngoài. Khi tổ chức đấu thầu quốc tế, chủ đầu tư phải luôn chuẩn bị tư tưởng nếu có tranh chấp xảy ra thì sẽ giải quyết như thế nào, từ đó lựa chọn nhà thầu có uy tín hơn. Từ việc đặt ra các tiêu chí mời thầu đến công tác thẩm định hồ sơ, chấm thầu… đều phải làm bài bản và chuyên nghiệp. Hạn chế được các nhà thầu thiếu nặng lực từ trước vẫn là điều cần phải đặc biệt lưu tâm. Bởi vì, khi đã xảy ra tranh chấp thì thiệt hại cho cả hai bên là điều chắc chắn sẽ xảy ra.