ThienNhien.Net – Ngày 15-1, một nguồn tin cho biết về vụ phá rừng có dấu hiệu bảo kê ở khu vực rừng Nà Dệt, Giếng Cọp mà chúng tôi đã phản ánh, đoàn kiểm tra liên ngành, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận vừa có báo cáo ban đầu về vụ phá rừng nghiêm trọng này. Theo báo cáo, vụ phá rừng có dấu hiệu hình sự nên Sở kiến nghị UBND tỉnh thống nhất chuyển hồ sơ cho công an giải quyết theo thẩm quyền.
Lâm tặc chỉ phá rừng thuê
Kiểm tra thực địa, đoàn kiểm tra liên ngành xác định có hơn 1.000 cây gỗ bị triệt hạ trên diện tích 38 ha ở khu vực Nà Dệt, đồi Vĩ Sắt, Giếng Cọp và Tà Nớ. Các khu vực này nằm trên địa bàn xã Hàm Thạnh, Hàm Cần của huyện Hàm Thuận Nam. Toàn bộ gỗ bị hạ đều là cây rừng tự nhiên thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH Lâm nghiệp Bình Thuận. Thế nhưng trong suốt thời gian dài, đơn vị trực tiếp quản lý là Xí nghiệp lâm nghiệp Hàm Thuận Nam không có báo cáo nào về vụ phá rừng.
Đoàn kiểm tra đã làm việc với ông Lê Văn Tuân (ngụ Gia An, Tánh Linh). Ông Tuân thừa nhận đã trực tiếp thuê, trả tiền cho thợ cưa, người bốc vác để hạ rừng tại bốn khu vực trên. Tuy nhiên, ông cũng chỉ là người làm thuê theo giao khoán của ông Trần Hải Dương, nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Móng Ca Pét. Theo thỏa thuận, ông cưa hạ toàn bộ những cây gỗ có đường kính từ 6 cm trở lên, không phân biệt gỗ gì. Cây rừng sau khi triệt hạ được cắt khúc theo quy cách 80-85 cm rồi dùng xe cải tiến chở ra bãi tập kết ở đầu bìa rừng, sau đó xe tải vào chở đi tiêu thụ. Lượng gỗ mà các thợ cưa của ông đốn hạ, cắt khúc cho ông Dương khoảng 680 ster.
Ông Tuân và một số lâm tặc cũng khai nhận: Thỉnh thoảng ông Ngô Văn Phong, Phó Giám đốc Xí nghiệp lâm nghiệp Hàm Thuận Nam, và nhân viên có đến khu vực khai thác để giám sát, không cho cưa hạ cây thuộc lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Móng Ca Pét nằm giáp ranh.
Kiểm lâm mua bán gỗ lậu?
Một điều trùng hợp khác là trong thời gian đoàn kiểm tra liên ngành xác minh vụ phá rừng trên thì Đội Cảnh sát kinh tế Công an huyện Hàm Thuận Nam cung cấp hồ sơ liên quan đến ông Đinh Lê Giang, cán bộ kiểm lâm thuộc Đội Kiểm lâm cơ động Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Thuận.
Theo khai nhận của ông Giang, trong tháng 10 và 11-2012, ông có đến khu vực rừng bị triệt hạ thỏa thuận mua gỗ loại nhỏ của ông Dương để bán chất đốt. Tổng cộng ông đã mua của ông Dương gần 200 ster củi, vận chuyển 13 chuyến bằng xe tải mang về Phan Thiết bán cho một doanh nghiệp. Trong thời gian vận chuyển, xe tải 60N-1985 do ông Giang thuê chở gỗ bị Công an huyện Hàm Thuận Nam bắt giữ vì vận chuyển lâm sản trái phép. Truy tìm nguồn gốc lâm sản, Công an huyện Hàm Thuận Nam đã triệu tập ông Ngô Văn Phong, Phó Giám đốc Xí nghiệp lâm nghiệp Hàm Thuận Nam, đến làm việc. Ông Phong thừa nhận thiếu trách nhiệm để rừng bị phá và cam đoan sẽ tăng cường giám sát, không để xảy ra việc phá rừng tương tự.
Tuy nhiên, theo Sở NN&PTNT, sau đó việc khai thác trái phép vẫn tiếp diễn trên địa bàn do ông Phong phụ trách. Theo báo cáo, ông Phong đã buông lỏng quản lý để các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm trong thời gian dài, gây thiệt hại nghiêm trọng tài nguyên rừng và có dấu hiệu liên quan với các đối tượng tổ chức phá rừng, khai thác lâm sản trái phép.
Đề nghị chuyển hồ sơ sang công an
Về lời khai “thỉnh thoảng ông Phong và nhân viên có đến khu vực khai thác để giám sát” của ông Tuân và một số lâm tặc với đoàn kiểm tra, ông Phong đã phủ nhận.
Tương tự, ông Trần Hải Dương, nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Móng Ca Pét, cũng không thừa nhận đứng ra thuê lâm tặc triệt hạ rừng trái phép, bán gỗ cho kiểm lâm Đinh Lê Giang. Theo đoàn kiểm tra, với thẩm quyền, nghiệp vụ, đoàn kiểm tra chưa đủ cơ sở để kết luận lâm tặc và cán bộ bảo vệ rừng móc nối phá rừng nên cần chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ.
Theo Sở NN&PTNT, để xảy ra vụ việc, trách nhiệm chính thuộc về Xí nghiệp lâm nghiệp Hàm Thuận Nam và Công ty TNHH Lâm nghiệp Bình Thuận nên cần xử lý theo quy định. Riêng hành vi mua bán lâm sản trái phép của ông Đinh Lê Giang, Sở NN&PTNT sẽ chỉ đạo kiểm điểm, xử lý theo thẩm quyền.