Bảo tồn theo hướng công viên địa chất là gì vậy?
ThienNhien.Net – Trong câu chuyện về việc nghiên cứu phát hiện và hướng bảo tồn phát huy di sản địa chất độc đáo – hệ thống hang động núi lửa tại Đắk Nông tương lai hứa hẹn sẽ xây dựng công viên địa chất quốc gia hướng tới công viên địa chất toàn cầu, TS La Thế Phúc, Giám đốc Bảo tàng Địa chất Việt Nam, một trong những nhà địa chất tham gia nghiên cứu đầu tiên, tiếp tục đưa ra những lý giải thú vị và cảnh báo cần thiết.
Kỳ 1: Danh chính ngôn mới thuận
PV: Thưa TS La Thế Phúc, là nhà khoa học địa chất và nhà làm bảo tàng, ông quan tâm điều gì nhất đối với hệ thống hang động núi lửa tại Đắk Nông?
– TS La Thế Phúc: Bảo tàng gắn liền với bảo tồn. Phải nói rằng, hệ thống hang động núi lửa đã được phát hiện là những di sản địa chất độc đáo ở Việt Nam, đang rất cần được điều tra nghiên cứu chi tiết, đánh giá đầy đủ các giá trị để bảo vệ bảo tồn, quản lý và khai thác phát triển bền vững. Trên thế giới, các di sản địa chất độc đáo thường được xây dựng các khu bảo tồn hoặc công viên địa chất – nếu hội tụ đủ các điều kiện về di sản thiên nhiên và di sản văn hóa.
Theo kinh nghiệm các nước phát triển, xây dựng công viên địa chất là giải pháp hữu hiệu nhất để bảo tồn và khai thác phát huy các giá trị của di sản. Bởi mục tiêu của công viên địa chất là bảo tồn để khai thác và khai thác để bảo tồn. Chúng ta nên kế thừa kinh nghiệm quý báu này. Khi công viên địa chất được xây dựng, các di sản địa chất trong công viên sẽ được công nhận và xếp hạng, khi đó di sản đã danh chính về pháp lý thì ngôn thuận trong tuyên truyền để người dân biết và bảo vệ bảo tồn, di sản không bị xâm hại.
Vậy để xây dựng công viên địa chất thì đòi hỏi những tiêu chí gì, những định hướng nào cho khu vực phát hiện hang núi lửa, thưa TS?
– Nghiên cứu di sản địa chất là lĩnh vực nghiên cứu mới ở Việt Nam. UNESCO đưa ra khái niệm rõ ràng: “Di sản địa chất là phần tài nguyên địa chất có giá trị nổi bật về khoa học, giáo dục, thẩm mỹ và kinh tế; bao gồm các cảnh quan địa mạo, các di chỉ cổ sinh, hoá thạch, các miệng núi lửa đã tắt hoặc đang hoạt động, các hang động, hẻm vực sông, hồ tự nhiên, thác nước, các địa điểm mà tại đó có thể quan sát được các quá trình địa chất đã và đang diễn ra hàng ngày, thậm chí cả các khu mỏ đã ngừng khai thác…
Theo UNESCO, để xây dựng công viên địa chất phải hội tụ đủ 3 yếu tố chính là: phong phú di sản địa chất, di sản thiên nhiên (đa dạng sinh học) và di sản văn hóa. Khu vực Krông Nô đã hội tụ đủ các tiêu chí này. Vì thế tôi đã viết đề án “Điều tra đánh giá di sản địa chất, xây dựng công viên địa chất khu vực Krông Nô, tỉnh Đắk Nông” và đã trình bày tại UBND tỉnh vào ngày 24-10-2014, được Lãnh đạo tỉnh thống nhất mục tiêu nhiệm vụ và chỉ đạo triển khai thực hiện ngay từ năm nay 2015. Hệ thống hang động núi lửa ở đây sẽ là một trong những điểm nhấn quan trọng của công viên và sẽ là thương hiệu của công viên.
Nghĩa là sẽ không có vùng lõi cấm?
– Đúng thế, trong công viên địa chất không có vùng lõi vùng cấm. Người dân ở đây vẫn sinh hoạt bình thường. Các nét đẹp của đời sống văn hóa các dân tộc anh em trong công viên sẽ được khai thác phát huy. Du khách đến càng nhiều, các ngành nghề liên quan đến du lịch, tạo ra sản phẩm phục vụ du khách càng có cơ hội phát sinh phát triển. Và như vậy, người dân sở tại sẽ được hưởng lợi đầu tiên từ công viên địa chất. Nhận thức được điều đó, người dân sẽ có ý thức bảo vệ bảo tồn di sản nói chung, di sản địa chất nói riêng trong công viên ngày một tốt hơn.
TS vừa nhắc đến tuyên truyền để người dân ý thức được vai trò của di sản. Vậy người dân ở đây đã có được ít nhiều hiểu biết về di sản đó chưa?
– Cho đến giờ phút này thì người dân ở đây hầu như chưa hiểu biết gì về di sản địa chất là thế nào, nó gồm những thứ gì, giá trị của nó ra sao. Tôi hy vọng trong quá trình thực hiện đề án và xây dựng công viên địa chất sẽ có nhiều đợt tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn di sản.
Và việc thành lập Ban quản lý công viên địa chất?
– Như tôi đã trình bày tại cuộc họp ngày 24-10-2014 trước lãnh đạo tỉnh và các sở ban ngành tỉnh Đắk Nông. Việc thành lập Ban quản lý công viên địa chất là cần thiết, nhưng phải sau một mùa khảo sát thực địa, đánh giá tổng thể và thực tiễn khách quan, chúng tôi mới có đủ cơ sở để tư vấn cho lãnh đạo tỉnh về vấn đề này.
Còn vai trò của các nhà khoa học địa chất tư vấn hỗ trợ người dân cùng chính quyền địa phương các cấp, thưa TS?
– Như nhiệm vụ trong đề án nêu trên đã được xác lập, chúng tôi sẽ chủ trì tổ chức điều tra nghiên cứu, xác lập và đánh giá đầy đủ tất cả các di sản phân bố trong khu vực Krông Nô, lập hồ sơ khoa học cho tất cả các di sản – địa chất, sinh học, văn hóa xã hội và địa văn hóa, xây dựng hồ sơ công viên địa chất để thẩm định công nhận công viên địa chất cấp quốc gia, hướng tới công viên địa chất toàn cầu.
Trong quá trình xây dựng công viên địa chất, chúng tôi sẽ phải đồng thời mở các đợt học tập, tập huấn tuyên truyền về di sản địa chất để nâng cao nhận thức cộng đồng, sẽ hỗ trợ và trực tiếp giảng dạy, truyền kiến thức cho người dân về vai trò, lợi ích của di sản để họ tham gia việc bảo tồn, khai thác bền vững… . Và sẽ rất hiệu quả nếu như có sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền địa phương và các sở ban ngành liên quan để bảo vệ bảo tồn di sản, như tuyên truyền thực thi các văn bản pháp luật, ban hành các văn bản pháp quy với chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe trong lĩnh vực bảo tồn di sản.
Trân trọng cảm ơn TS!
Bài cuối: Khai thác hang động phải an toàn tối ưu