Khó giải quyết ô nhiễm rác thải ở Bình Dương

ThienNhien.Net – Theo thống kê, hàng ngày trên địa bàn tỉnh Bình Dương có xấp xỉ trên dưới 400 tấn rác thải rắn thải ra.

Ở Bình Dương nói riêng và các địa phương khác trên cả nước nói chung, xuất hiện ngày càng nhiều những bãi rác thải và khu tập kết rác thải tự phát, thu gom thủ công như thế này. (Ảnh: nongnghiep.vn)
Ở Bình Dương nói riêng và các địa phương khác trên cả nước nói chung, xuất hiện ngày càng nhiều những bãi rác thải và khu tập kết rác thải tự phát, thu gom thủ công như thế này. (Ảnh: nongnghiep.vn)

Là tỉnh đang có tốc độ phát triển chóng mặt về mọi lĩnh vực: hạ tầng, công – nông nghiệp, một trong những thách thức lớn của Bình Dương là thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, gắn phát triển KT-XH với nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Do đó, tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải đang là bức xúc và là nỗi lo chung của cộng đồng.

Ô nhiễm ngày một tăng

Theo thống kê, hàng ngày trên địa bàn tỉnh Bình Dương có xấp xỉ trên dưới 400 tấn rác thải rắn thải ra. Trong đó, chỉ có khoảng 60 – 70% lượng rác thải rắn được tận thu tái chế, khoảng 40 – 60 tấn chất thải nguy hại chưa được thu gom, xử lý.

Đó là chưa kể trên 100 tấn rác thải công nghiệp thải ra môi trường hàng ngày. Chỉ tính riêng ở huyện Thuận An, mỗi ngày có trên dưới 50 tấn rác thải sinh hoạt. Còn tại Dĩ An, mỗi ngày cũng có gần 76 tấn rác thải/ngày, TX Thủ Dầu Một mỗi ngày cũng có trên dưới 140 tấn rác thải sinh hoạt.

Đó là chưa tính đến một số địa bàn đang có tốc độ phát triển công nghiệp, đô thị hóa nhanh như huyện Bến Cát mỗi ngày có 36 tấn rác thải… Trong khi đó, việc đầu tư trang thiết bị, phương tiện nhân lực phục vụ cho việc thu gom, xử lý rác thải gần như không theo kịp.

Một trong những khó khăn trong công tác thu gom là số lượng người dân tham gia đăng ký đổ rác tại các đơn vị còn rất ít. Điều này đã góp phần giải thích vì sao rác thải tràn ngập đường phố gây ô nhiễm môi trường, gây mất mỹ quan đô thị.

Có thể nói, công tác xã hội hóa việc thu gom rác thải là một chủ trương đúng đắn để huy động mọi nguồn lực trong cộng đồng, nâng cao năng lực thu gom xử lý rác thải nhằm giảm thiểu tối đa những tác hại ô nhiễm môi trường do lượng lớn rác thải tồn đọng. Tuy nhiên, trên thực tế công tác thu gom rác thải sinh hoạt tại các tổ hợp tác, tổ dân lập còn nhiều bất cập, manh mún, chưa đi vào nề nếp.

“Hiện nay, giải quyết vấn nạn rác thải vẫn chưa có sự chung tay của cộng đồng, vẫn trong tình trạng chắp vá, nhỏ lẻ và còn mang tính đối phó, chữa cháy. Cho nên, xã hội hóa công tác thu gom rác là một chủ trương đúng đắn cần được nhân rộng, thế nhưng việc tổ chức thực hiện cần được ngành chức năng đánh giá thực trạng nhằm có giải pháp giải quyết những bất cập. Bên cạnh đó, cần có sự tham gia của các doanh nghiệp xử lý rác thải có tâm, có tầm”, ông Huỳnh Viết Thanh, TGĐ Tập đoàn xử lý chất thải Hoài Nam – Hoài Bắc (TP.HCM).

Qua khảo sát trên địa bàn một số huyện cho thấy, xe chuyên dùng chưa được đầu tư đúng mức, nhất là thu gom rác tư nhân. Các tổ thu gom rác của tư nhân vẫn còn dùng các phương tiện thô sơ như xe cải tiến, xe tự chế không hội đủ các điều kiện bảo đảm vệ sinh trong quá trình vận chuyển rác, thậm chí ngay cả xe chuyên dụng hầu hết vẫn còn để tình trạng nước rỉ rác bốc mùi hôi thối hàng ngày “vô tư” đổ vương vãi xuống đường. Chưa kể hàng ngày các bệnh viện, trung tâm y tế cũng thải ra một số lượng lớn rác thải.

Chưa thể kiểm soát

Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của HĐND tỉnh về công tác bảo vệ môi trường vừa diễn ra tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương, ông Nguyễn Văn Thiền, GĐ Cty TNHH MTV Cấp thoát nước – Môi trường Bình Dương cho rằng, công tác thu gom rác thải trong các cơ sở tư nhân còn nhiều điều đáng để ngành chức năng xem xét, bởi ý thức bảo vệ môi trường của người thu gom rác chưa cao.

Cụ thể, theo ông Thiền, hầu hết rác thải tiếp nhận có “đủ mọi thứ trên đời”, rác thải sinh hoạt xen lẫn rác thải công nghiệp trộn lẫn đã gây khó khăn trong công tác phân loại, xử lý rác. Bên cạnh đó, một số cá nhân hợp đồng thu gom rác tại các doanh nghiệp, cơ sở SX sau khi đã “tận dụng” các phế liệu SX, rác công nghiệp, còn phế liệu không thể tận dụng thì đốt, đổ bừa bãi hoặc trộn lẫn vào rác sinh hoạt.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Vũ Đức Thành – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương cho rằng, trong thời gian tới ngành chủ quản cần có biện pháp rà soát, kiểm tra các điều kiện cần thiết đối với các cá nhân, tổ chức đang tổ chức thu gom rác có giấy phép, hợp đồng thu gom rác tại các khu công nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn, đây chính là giải pháp nhằm chấn chỉnh đưa hoạt động thu gom rác thải đi vào nề nếp, góp phần khắc phục các hạn chế nói trên.

Bài toán rác thải hiện nay đang chờ các ngành chức năng tìm ra lời giải, bởi theo thống kê hàng năm, lượng rác trên toàn địa bàn tỉnh Bình Dương tăng trên dưới 20%, ứng với lượng rác thải chưa được kiểm soát cũng tăng không ít.

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, công tác tiếp nhận, xử lý rác tại Khu liên hợp xử lý rác thải rắn Nam Bình Dương cần có “tầm nhìn” rộng và xa hơn. Để giải quyết tình trạng quá tải, ông Thiền cho biết, đã xây dựng phương án nâng công suất tiếp nhận từ 420 tấn lên 600 tấn/ngày, tuy nhiên vẫn đang “chờ đợi” các thủ tục cần thiết mới triển khai.

Rõ ràng, với công suất thiết kế như hiện nay, trong khi lượng rác ngày càng gia tăng thì nguy cơ quá tải, dẫn đến ô nhiễm rác thải trong thời gian tới là điều không thể tránh khỏi!

Theo thống kê, hàng ngày Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương tiếp nhận 371 tấn rác thải, chủ yếu là rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp đến từ các huyện, thị. Tuy nhiên chỉ có khoảng 60% lượng rác này được kiểm soát, thu gom. Ước tính, hàng ngày có trên 100 tấn rác các loại, trong đó đáng kể là các loại rác thải công nghiệp thải ra môi trường chưa được kiểm soát về các mối nguy hại đến môi trường. Nhiều địa phương có tỷ lệ thu gom rác ở mức rất thấp như huyện Thuận An đạt 50 – 60%, Bến Cát chỉ có 30 – 40% lượng rác được thu gom, số còn lại không ai biết đã “đi đâu về đâu”?!