ThienNhien.Net – Sự cố tràn dầu tại nhà máy Nhiệt điện Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) và việc xử lý hậu quả sau đó để “chữa cháy” cho sự bất thường đã bộc lộ quy trình bảo vệ môi trường bất cẩn, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dân.
Theo những người dân tại tổ 2, khu phố 1, phường Quang Trung, TP. Uông Bí, việc hệ thống ống xả nước thải của nhà máy Nhiệt điện Uông Bí (công suất 330KW, thuộc Tổng công ty Phát điện 1) xả thẳng xuống sông Uông lâu nay đã ảnh hưởng đến nguồn nước tại đây. Cụ thể, người dân không ít lần chứng kiến những chất màu đen, sực mùi dầu hòa với nước theo ống xả chảy ra sông. Phản ánh của người dân tới các cấp chính quyền đã được phía nhà máy xác nhận là do “hiện tượng” tràn dầu. Tuy nhiên, sự việc diễn ra ngày 7-1 vừa qua, khi một lượng lớn dầu theo ống xả ra sông, nhà máy mới có lý giải cụ thể: Do bục bộ sấy dầu bên trong nhà máy khiến dầu tràn ra sông.
Rõ ràng, việc để “lọt” dầu ra sông theo phản ánh của người dân trách nhiệm thuộc về Tổng công ty Phát điện 1. Đỉnh điểm là ngày 7-1, khi một lượng lớn dầu tràn ra theo các ống xả. Ông Lê Văn Hanh, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Phát điện 1 cho biết, nguyên nhân của sự việc là do đơn vị bơm dầu đặc FO để khởi động lò, trong quá trình vận hành đã xảy ra sự cố bục bộ sấy dầu bên trong nhà máy 330MW, dầu bị dồn ngược sang đường hơi sấy dầu và bị rò rỉ theo hệ thống bẫy hơi xả nước tự động của đường hơi, tràn ra đường thoát nước mặt, từ đó thoát ra điểm xả số 2, chảy thẳng ra sông Uông.
Ngay sau sự cố, Tổng công ty Phát điện 1 đã dừng ngay việc bơm dầu FO, đóng tất cả các điểm xả gây rò rỉ dầu ra ngoài, tổ chức khắc phục bịt ngay vị trí bục ruột bộ sấy dầu. Trong ngày 7-1, Tổng công ty đã tổ chức lực lượng dùng phương tiện xe cầu, xe ben, xe xúc, chất tạo bọt, phao, thuyền, xà lan, phao quây dầu, ngăn chặn trên mặt sông không để dầu lan chảy theo dòng nước. Đồng thời, thu vớt dầu tràn trên mặt sông để xử lý. Hiện nay, Tổng công ty đã phối hợp với Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường thuộc Sở TNMT tỉnh và các cơ quan quản lý liên quan lấy mẫu nước và trầm tích khu vực sông Uông để phân tích ảnh hưởng do sự cố tràn dầu vừa qua.
Một sự giải thích rất hợp lý sự cố tràn dầu của Tổng công ty Phát điện 1, nhưng với những người dân sinh sống trong vùng thì bản báo cáo sự cố dài nhiều trang lại không có dòng nào nói về hiện trạng vì sao xuất hiện dầu (tuy ít) hàng ngày vẫn chảy theo ống xả ra sông Uông. Phải chăng, khi xuất hiện lượng dầu lớn mới xử lý và có nguyên nhân rõ ràng? Ở đây, liệu công tác bảo vệ môi trường của nhà máy Nhiệt điện chưa được đảm bảo an toàn? Dầu là chất thải nguy hại nếu theo đường ống ra nguồn nước sẽ càng nguy hại hơn cho sức khỏe cộng đồng, đặc biệt cách đó không xa là khu vực nuôi thủy hải sản và khu vực đông dân cư.