ThienNhien.Net – Từ đề tài Nghiên cứu di sản địa chất khu vực thác Trinh Nữ, Bảo tàng Địa chất VN năm 2007 lần đầu tiên phát hiện hệ thống hang động núi lửa trong đá basalt tại huyện Krông Nô, Đắk Nông có giá trị cao về khoa học và du lịch, các nhà các nhà khoa học Nhật Bản đã hợp tác nghiên cứu đợt 2 mở ra phát hiện mới.
Hang động ẩn chứa nhiều dấu tích khảo cổ
Theo khảo sát ban đầu, có hàng chục hang động lớn nhỏ nằm dọc theo sông Sêrêpốk, từ xã Buôn Chóa đến cụm thác Đray Sáp – Gia Long (xã Đắc Sôr, huyện Krông Nô), phân bố trên chiều ngang khoảng 5km, chiều dài khoảng 25km. Người dân đã biết là có hang này, đã ra vào đây bắt rắn và dơi từ lâu rồi nhưng họ không biết đây là hang phân bố trong đá gì, giá trị của nó ra sao. Khi đoàn khảo sát thực địa do TS La Thế Phúc chủ trì đề tài “Nghiên cứu di sản địa chất khu vực thác Trinh Nữ” đến đây khảo sát thấy đá basalt mới biết đây chính là hang động nằm trong đá basalt – một loại đá được hình thành từ phun trào núi lửa.
Cái thú vị, độc đáo của hang động trong đá basalt khác với hang đá vôi ở chỗ nào? TS Phúc phân tích, tất cả các hang động nằm trong các tầng đá carbonat (đá vôi) đều có nguồn gốc thứ sinh, do quá trình hòa tan, rửa lũa đá, mở rộng dần các khe nứt trong đá carbonat mà tạo thành hang động. Nguồn gốc thứ sinh tức là đá mẹ có trước, đến hàng triệu thậm chí hàng trăm triệu năm sau hang động kỳ vĩ mới được hình thành. Hệ thống thạch nhũ ngoạn mục trong các hang động loại này là do nước cùng các tác nhân sinh hóa khác làm hòa tan đá vôi, tạo nên dung dịch có hàm lượng bicarbonat canxi cao. Quá trình bốc hơi sau đó làm kết tủa carbonat canxi, tạo nên hệ thống thạch nhũ vô cùng phong phú đa dạng trong các hang động đá vôi.
Còn hang trong đá basalt này là hang hình thành đồng sinh chứ không phải thứ sinh. Quá trình núi lửa hoạt động, dòng dung nham phun trào lên khỏi mặt đất, chảy tràn trên bề mặt địa hình, nguội lạnh (đông cứng) và tạo thành hang. Cơ chế thành tạo hang cũng là cả một vấn đề khoa học, có thể do chảy rối chảy xoắn, có thể do co rút thể tích theo quy luật thủy thạch động lực, có thể do chênh lệch áp suất,… đang đòi hỏi các nhà khoa học đầu tư nghiên cứu.
Hang động trong đá núi lửa, đá basalt ở trên thế giới nói chung, khu vực châu Á nói riêng không hiếm, nhưng chúng có mặt không nhiều ở VN cũng như các nước Đông Nam Á. “Cho đến nay ở VN, các nhà khoa học đã phát hiện được hai hệ thống hang động ở khu vực Krông Nô, tỉnh Đắk Nông (2007) và ở khu vực Tân Phú – Định Quán, tỉnh Đồng Nai (2013)”, TS Phúc cho biết.
Hang động núi lửa và các di sản địa chất liên quan chứa đựng nhiều thông tin khoa học có giá trị cao, phản ánh quá trình hoạt động phun trào của núi lửa, tính chất dòng dung nham, cơ chế hình thành hang v.v. Các kiểu hang động núi lửa, hệ thống thạch nhũ, các hóa thạch cổ sinh thậm chí có thể cả các di tích khảo cổ cùng hệ sinh thái đặc hữu trong các hệ thống hang động này ở Việt Nam hiện vẫn đang chờ các nhà khoa học đến khám phá nghiên cứu để giải mã.
Hạnh ngộ nghiên cứu cùng các nhà khoa học Nhật
TS La Thế Phúc cho biết, các nhà địa chất nước ngoài biết đến hang động núi lửa ở khu vực Krông Nô thông qua ba kênh thông tin. Thứ nhất là các tờ rơi tuyên truyền về di sản địa chất – của đề tài UNESCO nêu trên – được phát tán rộng rãi tại các điểm du lịch Thác Trinh Nữ, Đray Sáp trong những năm 2008 – 2009. Thứ hai là các bài báo khoa học ở các hội nghị khoa học toàn quốc – tổ chức tại Hà Nội 2010 – và hội nghị công viên địa chất toàn cầu tổ chức tại Nhật Bản vào năm 2012. Thứ ba là tạp chí Địa chất cả tiếng Việt và tiếng Anh năm 2010.
Nhưng có lẽ, các nhà địa chất ở Hiệp hội Hang động Núi lửa Nhật biết đến hang động này qua nhờ các tờ rơi (kênh thứ nhất), kiểm chứng qua các kênh thông tin 2 và 3, và đặc biệt là mục sở thị qua thực tế du lịch tại khu vực Đray Sáp. Trong báo cáo công tác khảo sát của họ năm 2012 có trích dẫn toàn bộ tờ rơi liên quan đến hang động này. Và năm 2013, được sự cho phép của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản VN, chính thức các bạn Nhật hợp tác với Bảo tàng để cùng nghiên cứu hang động ở đây. “Họ ở tổ chức hội nghề nghiệp khoa học – Hội hang động, nguồn kinh phí là tự nguyện nên họ cũng không thể tài trợ cho mình tiền. Hai bên đều tự túc kinh phí với nguồn từ các cá nhân đóng góp. Họ có thiết bị khảo sát đo đạc chuyên dụng mang từ Nhật sang giúp mình khảo sát, cụ thể tiến sĩ Hiroshi Tachihara (76 tuổi), nguyên chủ tịch và tiến sĩ Tsutomu Honda (67 tuổi) chủ tịch Hiệp hội Hang động Núi lửa Nhật Bản là những người nhiệt tâm nhất dẫn đầu đoàn khảo sát” ông Phúc nói.
Như đã nói, chính qua các đợt khảo sát ngắn ngày từ năm 2012 đến nay, Đoàn khảo sát hang động núi lửa liên hợp Việt – Nhật đã gặt hái được nhiều thành công, trong đó có việc xác lập kỷ lục Đông Nam Á về độ dài hang động núi lửa và một số thông tin khoa học bước đầu liên quan. Các kỷ lục về độ dài hang động núi lửa đã được Tổng cục Địa chất và Khoáng sản VN, Bảo tàng Địa chất VN cùng với Hiệp hội Hang động Núi lửa Nhật Bản công bố tại họp báo cuối năm 2014 tại Hà Nội. Ngay sau đó các nhà khoa học Nhật Bản cùng nhà khoa học của Bảo tàng Địa chất VN tiếp tục vào nghiên cứu khảo sát, đo đạc các hang động nằm giữa hang C1 và C7, như hang C1, C8… Và đầu tháng 1 năm nay họ đã trở về nước, viết báo cáo.
Nhân đây, ông Phúc cũng kể câu chuyện về hạnh ngộ bắt tay nghiên cứu cùng nhà khoa học Nhật. Đó là năm đầu tiên những người Nhật vào du lịch ở hang động núi lửa Chư B’Luk, họ nói chỉ vào xem hang động. Năm thứ hai họ mới đem thiết bị sang đo. “Anh Nguyễn Thanh Tùng là người đã dẫn chúng tôi đi khảo sát khi đó đã gọi cho tôi hỏi, một số khách du lịch Nhật họ mang thiết bị đến đo thì thế nào anh? Tôi bảo, việc đó phải dừng ngay vì chưa được phép, nếu vào với việc du lịch thì cứ việc vào chơi nhưng phải đảm bảo an ninh an toàn, không được tự tiện vào hang. Còn mang theo máy móc đo đạc thì chưa thể. Đây là những hang động quý, việc nghiên cứu khám phá phải được tiến hành một cách bài bản, đảm bảo tính pháp lý, đúng quy định. Lúc đó anh Tùng mới nói để họ rõ và cho họ địa chỉ liên hệ với chúng tôi”, TS Phúc kể.
Bài 3: Bảo tồn theo hướng Công viên địa chất là gì vậy?