ThienNhien.Net – Việt Nam có nguồn năng lượng gió lớn hàng đầu khu vực ASEAN, nếu như tận dụng được nguồn năng lượng này cơn khát điện lâu nay của nước ta coi như đã có lời giải. Tuy nhiên, hiện cả nước mới chỉ có 3 trong số hơn 50 dự án điện gió đi vào hoạt động. Điều này cho thấy, phát triển điện gió ở nước ta vẫn đang còn rất ì ạch.
Theo nhận định của Vụ Năng lượng, Bộ Công thương, tiềm năng của điện gió Việt Nam rất lớn, khoảng 7.000 MW. Điều này có nghĩa, nếu tận dụng và khai thác được nguồn năng lượng này, vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng điện của Việt Nam sẽ được nhẹ gánh đi rất nhiều. Chính phủ Việt Nam cũng đã đặt ra trong Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 – 2020, có xét đến 2030. Cụ thể, đến năm 2020, tổng năng suất điện gió đạt 1000 MW (chiếm 0,7% tổng sản lượng điện cả nước); điện sinh khối đạt 500 MW. Năm 2030 đạt 6200 MW (chiếm 2,4 % trong cơ cấu sản xuất điện của cả nước), điện sinh khối đạt 2000 MW.
Để thực hiện được mục tiêu này, nhiều dự án điện gió đã được lên kế hoạch xây dựng, trong đó tập trung vào hai tỉnh giàu tiềm năng nhất cả nước đó là Bình Thuận và Ninh Thuận. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, mới chỉ có 3 trong số 51 dự án điện gió trên cả nước đi vào hoạt động, còn lại vẫn đang nằm yên bất động.
Tại Bình Thuận, địa phương có tiềm năng lớn nhất nhì Việt Nam về nguồn năng lượng điện gió, song tiến độ triển các dự án vẫn khá ì ạch. Theo Sở Công thương tỉnh Bình Thuận, hiện toàn tỉnh có 15 dự án điện gió nhưng mới chỉ có 2 trong số 15 dự án đó hoàn thành và đi vào vận hành.
Tỉnh Ninh Thuận cũng đang xúc tiến lập quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo trong năm 2014 này. Ninh Thuận hiện có 13 dự án mới chỉ ở tình trạng… đang được nghiên cứu triển khai, trong đó có 6 dự án đã được trao giấy chứng nhận đầu tư.
Nhận định của các nhà đầu tư nước ngoài, nguyên nhân khiến Việt Nam mới chỉ khai thác được 5% tiềm năng sẵn có từ năng lượng gió, còn 95% vẫn bỏ ngỏ là do giá mua điện gió vẫn thấp, không đảm bảo khả năng thu hồi vốn cho nhà đầu tư. Tính toán của giới chuyên gia, hiện giá mua điện của ngành điện Việt Nam là 7,8 cent/kw. Trong khi đó, giá thành của điện gió nếu đầu tư trên biển sẽ vào khoảng 8,9 cent/kw, còn đầu tư trên bờ là 7,8 cent/kw.
Chia sẻ những khó khăn, hạn chế trong việc phát triển nguồn năng lượng điện gió hiện nay, ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch tập đoàn Phú Cường cho hay, công nghệ đo gió của Việt Nam thuộc loại lạc hậu nên chưa có cơ sở dữ liệu tin cậy và đầy đủ để đánh giá được tiềm năng thực tế về năng lượng gió. Nước ta chưa có được những công nghệ phù hợp, tiên tiến để sản xuất điện gió hiệu quả. Đặc biệt, giá thành điện gió thường cao hơn so với nhiệt điện và thủy điện. Điều này là nguyên nhân chính cản trở, làm chậm quá trình phát triển điện gió.
Để vực dậy sự phát triển của các dự án điện gió, nhiều ý kiến cho rằng cần sự hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước với các nguồn tín dụng ưu đãi dành cho các dự án điện gió. Song song với đó, cần có sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong việc khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo nói chung và điện gió nói riêng. Đặc biệt là những quy định cụ thể nhằm quản lý hoạt động đầu tư phát triển điện gió. Một yếu tố nữa cũng được giới chuyên gia nước ngoài nhấn mạnh, đó là Việt Nam không những yếu về nguồn tài chính mà còn yếu cả về trình độ kỹ thuật, khả năng thiết kế các công trình, trạm điện gió… Khi đã giải quyết được những yếu tố nói trên thì mới tạo ra động lực để các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này.